Ngày 8-11, Văn phòng Chính phủ cho biết mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng tình hình thông tin, báo chí, dư luận xã hội liên quan đến tài liệu giáo dục địa phương và việc bố trí thời gian học ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Học sinh tại một trường học ở TP.HCM
Theo báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, báo chí phản ánh việc giảng dạy môn giáo dục địa phương tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn do tài liệu chưa được kịp thời vì phải chờ khâu thẩm định giá, in ấn, ban hành; đồng thời, thiếu giáo viên giảng dạy phù hợp.
Đáng chú ý, báo cáo cũng cho biết nhiều trường học ở TP.HCM hiện đang bố trí lịch học từ lúc 7 giờ, do đó học sinh phải có mặt tại trường từ lúc 6 giờ 45. Một bộ phận lớn phụ huynh đang cho rằng, lịch học như vậy là quá sớm và cũng gây cả áp lực cho giáo viên, cần lùi thêm thời gian để học sinh có thời gian nghỉ ngơi...
Xem xét báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có giải pháp hỗ trợ kịp thời các địa phương triển khai thực hiện tài liệu giáo dục địa phương; bố trí thời gian học của các cơ sở giáo dục bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đúng chủ trương, quy định của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian gần đây, phụ huynh TP.HCM tranh luận sôi nổi về thời gian vào học của học sinh TP, trong đó có ý kiến thời gian vào học của học sinh tiểu học quá sớm, có trường tổ chức học lúc 7 giờ, thậm chí sớm hơn là 6 giờ 45 phút, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Nhiều em phải thức dậy sớm, ăn bữa sáng vội vàng, thậm chí không đủ thời gian ăn để kịp giờ vào học.