"Điều chỉnh giờ vào học" và "giấc ngủ cho trẻ" vẫn đang là những cụm từ thu hút sự chú ý của toàn cộng đồng cùng các bậc phụ huynh dạo gần đây. Nhiều người cho rằng hiện nay các trường ấn định giờ vào học quá sớm, điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Có ý kiến đề xuất lùi giờ đi học của trẻ em là 8h30-9h, một khung giờ phổ biến nhiều quốc gia khác.
Trước đó, ngày 27/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã quyết định lùi giờ học đối với học sinh các cấp từ mầm non đến THPT. Theo đó, học sinh mầm non và tiểu học sẽ bắt đầu giờ học sớm nhất lúc 7h30, THCS sớm nhất lúc 7h15 và THPT sớm nhất lúc 7h. Đối với những cung đường, khu vực tập trung nhiều trường học thì tùy địa phương sắp xếp để đảm bảo vấn đề lưu thông. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chỉ đạo bắt buộc các trường phải xây dựng kế hoạch mở cửa trường từ 6h30 tạo điều kiện cho phụ huynh cần đưa con đến trường sớm.
Dẫu vậy, những tranh luận vẫn không ngừng được đưa ra. Một số câu hỏi thường gặp nhất là: "Có nên lùi giờ vào học?"; "Việc điều chỉnh giờ vào học liệu có khả thi hay không?"; "Khi việc điều chỉnh giờ vào học chưa thể thực hiện được, thì chúng ta cần thay đổi những gì để đảm bảo sức khỏe cho trẻ?"... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, càng ở cấp học nhỏ, chất lượng giấc ngủ càng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Đặc biệt giai đoạn tuổi dậy thì các em đang trải qua những tác động của yếu tố tâm sinh lý khiến ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của mình, các bạn trở nên hưng phấn hơn, đi ngủ muộn hơn một cách tự nhiên khiến thay đổi chế độ ngủ.
"Giấc ngủ là 'kẻ gác cổng tinh thần' cho tất cả chúng ta, nếu giấc ngủ không được đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng công việc, học tập. Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6 -13 tuổi phải ngủ đủ tối thiếu 7-8 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9-11h mỗi đêm cho lứa tuổi này.
Với những trẻ trong độ tuổi dậy thì từ 14-17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình khuyến cáo cho lứa tuổi này phải từ 9-11h mỗi đêm. Thế nhưng nếu các bậc cha mẹ quan sát sẽ thấy về cơ bản con cái chúng ta không bao giờ ngủ được từng đó thời gian".
Ảnh minh họa
Có thể nói giấc ngủ liên quan đến các chức năng về mặt thể chất và tâm lý. Giấc ngủ giúp tái tạo năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ trí nhớ và giúp điều chỉnh tâm trạng, mức độ ngon miệng của trẻ.
Việc thiếu ngủ thường xuyên kéo dài có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch của trẻ, làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó, trẻ dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, sốt, ho. Đồng thời khả năng ghi nhớ và tái hiện trong một thời gian sẽ kém hơn, năng lực tư duy phản biện sẽ không nhạy bén, trở nên tê liệt. Học sinh thiếu ngủ thường sẽ có kết quả học tập kém hơn, tỷ lệ béo phì cao hơn, suy giảm sức khỏe tinh thần, dễ gây cáu kỉnh, ủ rũ, lâu ngày có thể gây rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam cần phải có giải pháp làm sao cho mỗi buổi sáng tới trường không phải là gánh nặng, sự ám ảnh, lo sợ nào đó của học sinh
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bên cạnh việc thiếu thời gian ngủ thì chất lượng giấc ngủ của các em học sinh hiện nay cũng không đảm bảo vì hầu hết các bậc phụ huynh đều không có kiến thức về "vệ sinh giấc ngủ".
Hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM thì giấc ngủ của các em phần lớn bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố như các thiết bị điện tử, tiếng ồn nội sinh, ngoại sinh và cách thức sinh hoạt của mỗi gia đình.
"Việc sử dụng các thiết bị công nghệ cũng thuộc một trong những nhóm kỹ năng mà chúng ta cần hình thành để vệ sinh giấc ngủ. Bởi việc sử dụng các thiết bị này như một 'kẻ thù vô hình' càng ngày càng cắt mất thời gian thư giãn và nghỉ ngơi của mỗi người.
Trong ngày bên cạnh các hoạt động học tập, giải trí thì lúc lên giường các em lại sử dụng và tiếp cận với ánh sáng xanh đến từ màn hình máy tính hay điện thoại càng làm cho các em khó ngủ và khiến cho giấc ngủ không được tốt. Như vậy, cái giường đã biến thành bàn làm việc, thành câu lạc bộ giải trí lúc nào không hay. Do đó, nhiều học sinh đã ngủ ít mà chất lượng giấc ngủ lại càng ngày càng kém", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Vệ sinh giấc ngủ kém có thể dẫn đến các tác dụng phụ phổ biến với nhiều rối loạn giấc ngủ khác, có thể gây hại cho chất lượng cuộc sống - Ảnh minh họa
Vì vậy một trong những kỹ năng giúp con vệ sinh giấc ngủ đó là nguyên tắc nhất định về việc cho con sử dụng các thiết bị công nghệ. Giờ ngủ các thiết bị công nghệ phải nằm ngoài tầm với, thậm chí phải đặt ở trong không gian chung nào đấy thì đứa trẻ sẽ không bị làm phiền.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, điều chỉnh giờ học của học sinh, một việc tưởng chừng nhỏ nhưng có tác động rất lớn. Bởi số giờ ngủ của học sinh rất quan trọng đối với việc học tập. Điều này đã có nghiên cứu rất kỹ. Số giờ ngủ không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh.
"Tôi rất vui vì đã có rất nhiều phụ huynh và chúng ta quan tâm đến sức khỏe tinh thần của các con em hiện nay. Cá nhân tôi thấy việc cân nhắc lùi giờ học còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và cập nhật hơn.
Đồng thời, việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Làm được như vậy, cần trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải xét đến các yếu tố khác như việc đưa đón con đi học bị lệch so với giờ đi làm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng như thế nào? Chiến lược 'vệ sinh' giấc ngủ cho con sau khi thay đổi giờ học sẽ ra sao?... Điều này các gia đình sẽ phải lên kế hoạch thật kỹ để tạo tâm lý ổn định cho con trẻ".
Ảnh minh họa
Những lời khuyên của PGS.TS Trần Thành Nam để học sinh vệ sinh giấc ngủ dễ dàng.
- Giờ ngủ các thiết bị công nghệ phải nằm ngoài tầm với, đặt ở trong không gian chung nào đó để trẻ không bị làm phiền.
- Cần có sự cộng tác tích cực của gia đình trong việc quản lý, rèn luyện thói quen tự giác, tự chủ của con em mình, quan tâm để ý đến thời lượng, nội dung khi cho các em sử dụng máy tính, điện thoại.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như caffeine và nicotine gần với giờ đi ngủ.
- Thực hành vệ sinh giấc ngủ bằng cách tập thể dục nhẹ 10 phút chẳng hạn như đi bộ hoặc đạp xe, đã có thể cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ ban đêm.
- Tránh các thực phẩm ảnh hưởng đến giấc ngủ như các món chiên, đồ ăn cay, đồ uống có ga.
- Xây dựng không gian ngủ với nệm, gối thoải mái. Phòng ngủ thoáng mát trong khoảng 25ºC để có giấc ngủ chất lượng.