Bản tin tối 13/6 của Bộ Y tế cho hay TP.HCM có thêm 44 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân được ghi nhận trong hôm nay lên 95, lập kỷ lục mới số ca mắc trong ngày tại TP đông dân nhất nước.
Tại TP.HCM đã có 789 ca mắc COVID-19, xếp thứ 3 cả nước chỉ sau Bắc Giang và Bắc Ninh. Đặc biệt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 53 nhân viên nhiễm SARS-CoV-2 chỉ trong vài ngày.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 53 nhân viên nhiễm SARS-CoV-2 chỉ trong vài ngày
Họ là nhân viên làm việc trong các phòng, ban thuộc khối hậu cần của bệnh viện. 53 nhân viên dương tính đang được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A và Nhiễm D. 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng.
Từ mũi tiêm vaccine đầu tiên vào đầu tháng 3/2021, trước khi mắc COVID-19, các nhân viên này đều được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ 2 liều.
"Chúng ta không nên đánh đồng việc tiêm chủng 2 lần với tác dụng bảo vệ không mắc COVID-19" - PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói tối 13/6.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế
Ông cho hay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và các hãng sản xuất vaccine, việc tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và sau một khoảng thời gian tạo miễn dịch cho cơ thể thì hiệu quả cao nhất mà vaccine mang lại là nếu người được tiêm không may mắc COVID-19 thì sẽ mắc ở mức độ nhẹ hơn.
Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
Khuyến cáo này cũng được BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đưa ra. Người dân phải chấp hành nghiêm quy định 5K, kể cả với người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc người tiếp xúc với người đã tiêm vaccine.
BS Khanh khẳng định không có vaccine nào có tỷ lệ bảo vệ 100%. Trong thực tế, luôn luôn có một tỷ lệ người đã tiêm vaccine và vẫn mắc bệnh. "Tất cả vaccine đều thế và vaccine COVID-19 cũng vậy" – BS Khanh cho hay.
Hơn hết, việc tiêm vaccine mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người tiêm và cộng đồng. Tiêm vaccine theo BS Khanh là biện pháp để người được tiêm không mắc bệnh (tuy nhiên tỷ lệ bảo vệ không thể đạt 100%). Tiêm vaccine cũng là để người mắc bệnh không dễ dàng lây cho người khác và khó bị người khác lây, tuy nhiên, mục tiêu này chưa thể đạt được nếu tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Đặc biệt, việc tiêm vaccine giúp người mắc bệnh (đã được tiêm) không bệnh nặng, không tử vong.
Vì thế, vị chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm này một lần nữa khẳng định vaccine COVID-19 là cơ hội duy nhất cho bản thân mỗi người, cho gia đình và cho cộng đồng sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Trong bài viết chuyên môn đăng tải trên trang cá nhân, GS.TS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - cho hay vaccine giúp những người bị nhiễm virus COVID-19 không bị nặng hay tử vong (ở mức từ 60 - 70%), giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng (ở mức 50 - 60%). Cùng với đó, một lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho người dân khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70 - 80%.