Nhắc đến chuyện tài chính, đầu tư, đối với nhiều người nghe vẫn còn cảm thấy rất mới mẻ. Thậm chí là với những sinh viên chuyên ngành kinh tế thì vẫn luôn là vấn đề rất ít người đào sâu và quan tâm ở mức “đầy đủ”. Trong khi đó, hiện nay các vấn đề tài chính và đầu tư đang ở thời kỳ nóng hổi và trẻ hóa hơn bao giờ hết. Ví dụ như chuyện vay ngân hàng và bài toán lãi suất (và cả những bài toán trả góp), các gói bảo hiểm, đầu tư, tiết kiệm,...
Nhưng với R.Save (1992, blogger chuyên chia sẻ về chuyện tiết kiệm và đầu tư), một người đã có nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, thì anh chàng luôn quy bài toán này quay về điểm xuất phát. Kiểu như giải 1 bài toán: “Nếu kiếm được 10 triệu, thì xài bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu và mục đích của từng khoản tiền này là gì?”
Để trả lời cho bài toán “10 triệu” này, R.Save đã ứng dụng nó vào cuộc sống của chính bản thân mình và có những góc nhìn như sau:
Con số lạm phát trung bình 1 vài năm gần đây của Việt Nam rơi vào khoảng hơn 5%, tức là cứ sau 1 năm số tiền bạn đang có sẽ mất đi 5% giá trị. Vậy nếu bạn cất tiền trong két cũng tức là bạn đang gián tiếp “tiêu xài” nó.
Vậy nếu bạn gửi hết số tiền đó vào ngân hàng, với lãi suất trung bình là 8-10%/năm, giá trị sẽ tăng lên thêm 3-5% và có thể hơn tùy vào mức chi trả lãi suất của ngân hàng.
Còn nếu mang số tiền đó để kinh doanh hoặc đầu tư, có thể 1 vốn 4 lời, tăng mấy trăm %, nhưng cũng có nguy cơ mất trắng. Và theo những trải nghiệm của mình, hầu hết chúng ta đều không giỏi kinh doanh. Với nhiều người, câu chuyện kinh doanh đôi khi còn được xem là “trò chơi đánh cược”, cược tất cả những gì đang có vào 1 “mối ngon”. Chính điều này đã làm tăng rủi ro trong kinh doanh, dù nắm chắc đến 99,99% thì vẫn dễ bị phá sản bởi 0,01% còn lại!
Câu chuyện tiền đẻ ra tiền không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh. Rất ít người có thể thành công nhờ kinh doanh, nhưng tiết kiệm và đầu tư thì lại khác. Đây là điều có thể học, và chắc chắn có thể làm được, chỉ trừ khi bạn không muốn làm. Và giả sử, với mức lương khởi điểm 10 triệu VND, mình làm gì để đồng tiền không bị mất giá theo thời gian?
Mục đích chính của việc tiết kiệm là để có thêm thu nhập - không phải là giữ lại phần thu nhập đó sau khi chi tiêu xong. Tức là bạn có thể hiểu, việc bạn tiết kiệm được 1 đồng, được tính vào phần “thêm” chứ không phải phần “dư”.
Công thức tiết kiệm VAT: Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến thuế giá trị gia tăng (VAT). Dành cho những ai chưa nghe, thì đây là một loại thuế đánh lên giá trị gia tăng của các mặt hàng tiêu dùng, đơn cử có thể dễ thấy trên các loại hóa đơn điện tử khi mua hàng ở các cửa hàng tiện lợi hoặc trung tâm mua sắm. Thuế giá trị gia tăng (VAT) là một ví dụ rất dễ cho chúng ta thấy được cách tiết kiệm như thế nào:
Khi bạn mua 1 món hàng giá 10 đồng, bạn sẽ phải bỏ thêm ít nhất là 1 đồng cho thuế VAT. Tức là phải trả 11 đồng cho một chi tiêu giá trị 10 đồng.
Vậy bạn có thể tiết kiệm dựa trên nguyên tắc hoạt động của loại thuế này: Mỗi khi bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì, hãy trích “thêm” số phần trăm mà bạn muốn tiết kiệm để riêng ra. Vậy thì sau mỗi lần mua sắm, số tiền tiết kiệm của bạn cũng sẽ dần được tăng lên. Đặc biệt phải tuân thủ nguyên tắc, khi tiêu hết số tiền trong túi, tuyệt đối không được lấy tiền tiết kiệm ra để xài đâu nhé!
Ví dụ cụ thể từ mình: Với mức lương 10 triệu, mình sẽ chi 30% cho nhu cầu thiết yếu, trong đó có cả việc mua sắm. Vậy áp dụng cách hoạt động của thuế VAT, mình sẽ chỉ dành 20% để chi tiêu thực tế, và trích 10% còn lại để đưa vào quỹ tiết kiệm. Cứ sau 1 lần mua sắm, là tài khoản tiết kiệm được tăng lên. Đơn giản có thể hiểu, bạn đang chuyển dần số tiền chi tiêu mua sắm sang số tiền tiết kiệm. Làm như vậy sẽ khiến bạn chi tiêu có mức độ hơn, và sau mỗi lần “quẹt thẻ” vẫn có cảm giác đang tiết kiệm.
Với số tiền tiết kiệm được tích lũy dần theo thời gian như thế, đây chính là hình thức “chờ thời”, tích lũy đủ vốn rồi thì nên đầu tư thôi, khiến tiền đẻ ra tiền một cách thụ động. Vậy nên đầu tư vào việc gì?
- Đầu tư vào sự nghiệp: Tiền học thêm, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ,... gọi chung là sự nghiệp đầu tư vào bản thân. Số tiền này chắc chắn không dừng ở vài nghìn hay vài trăm nghìn đồng, mà là số tiền triệu đồng hay thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Vì thế, quay lại bước đầu, tiết kiệm nhiều nhất có thể.
- Đầu tư để tăng thu nhập: Đây là mới là vấn đề cần giải quyết của câu chuyện tài chính. Nên đầu tư vào dự án A 100 đồng, sau 1 năm có lợi nhuận 20 đồng, năm 2 là 20 đồng,... Hay đầu tư vào dự án B 100 đồng, sau 3 năm thu lại được 100 đồng? Đấy là những điều mình học được trên lý thuyết. Còn thực tế thì sao?
Câu hỏi bây giờ đặt ra là: Nếu mỗi tháng bạn để dành được 100 đồng, khi số tiền đủ lớn, bạn có thể đầu tư vào đâu, hay lựa chọn mua vàng, gửi ngân hàng? Thế 2 hình thức này lời lãi được bao nhiêu, và làm cách nào để đưa “lãi kép” vào khiến số lãi này tiếp tục sinh sôi nảy nở?
Và lời khuyên của mình là hãy chia nhỏ số tiền thành nhiều phần. Kể cả khi lương 10 triệu, mình vẫn áp dụng được công thức này “ngon ơ”, chỉ cần bạn tuân thủ nguyên tắc đã đặt ra.
- Tiêu khiển, giải trí (10%): Dành khoản tiền “nhỏ” này vào việc thư giãn. Nhiều người cho rằng cần phải nghiêm khắc với bản thân trước, khi có thành quả rồi mới được nghỉ ngơi. Nhưng với mình, điều này nên ngược lại. Chỉ khi tâm lý và sức khỏe ở trạng thái tốt, thoải mái và giải tỏa được áp lực, mình mới có thể làm việc nhiều hơn, kiếm tiền nhiều hơn. Tuy nhiên, những kiểu giải trí mình lựa chọn cần phải có ích: chơi thể thao vừa tốt cho sức khỏe lại giúp giải tỏa áp lực rất tốt, mua thiết bị lập trình hoặc phục vụ cho công việc mình đam mê,...
- Đầu tư mạo hiểm (15%): Đây là khoản tiền có rủi ro mất rất lớn, nhưng cũng có thể đem lại lợi nhuận cực cao. Và đây là khoản chi tiêu chỉ những người có tâm lý vững và kiến thức tốt mới nên thử.
- Đầu tư tích lũy dài hạn (30%): Đây là khoản đầu tư mình luôn khuyên mọi người xung quanh mình làm. Mua nhà đất để đầu tư, mua căn hộ để chuyển nhượng hoặc cho thuê, vàng. Tất cả số tiền được quy đổi vào khoản này sẽ là tài sản bạn nắm chắc trong tay, và có khả năng sinh lời theo thời gian, ít nhất là so với tiền mặt.
- Đầu tư an toàn (10%): Các loại quỹ bảo hiểm. Cơ chế vận hành của bảo hiểm thường có lãi suất cao hơn ngân hàng và tương đối an toàn.
- Thiết yếu chiếm 30%: Đây sẽ là khoản riêng dành cho những chi tiêu thiết yếu. Nếu không có số tiền này, bạn làm sao sống tiếp để mà tiết kiệm hay đầu tư?
- Và 5% còn lại trên tổng thu sẽ được dành để dự trù trong những trường hợp khẩn cấp.
Trong suốt những năm đi làm, kiếm tiền, để rồi lại tiết kiệm và đầu tư, mình luôn tuân thủ những nguyên tắc tài chính đã đặt ra. Chỉ có kỷ luật với bản thân mình, thì mới có thể quản lý được tài chính cá nhân hiệu quả. Không chỉ lương 10 triệu, mà khi mức lương cao lên, mình vẫn luôn nghiêm khắc với bản thân như thế: Tiết kiệm trước, chi tiêu sau và học đầu tư càng sớm càng tốt.