Mới đây, trong một cộng động chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cô vợ đã bày tỏ nỗi lòng của mình. Câu chuyện của cô có thể tóm tắt như sau: Trong vòng 5 năm qua, thu nhập của 2 vợ chồng là 65 triệu/tháng - Một con số không quá lớn nhưng cũng là mơ ước của nhiều gia đình.
Dẫu vậy, vợ chồng cô vẫn không có tiền tiết kiệm, cũng chưa mua được nhà. Với mức thu nhập 65 triệu/tháng, tài sản hiện có của gia đình này chỉ là 2 cây vàng mua vào các dịp lễ thần tài.
Nguyên văn chia sẻ của cô vợ
Không khó để nhận ra sai lầm chí mạng khiến cô vợ này không tiết kiệm được tiền dù thu nhập cũng ở mức khá: Không ghi chép chi tiêu mà chỉ định hình trong đầu các khoản chi hàng tháng.
Chúng ta đều biết ghi chép chi tiêu không phải là cách duy nhất để quản lý dòng tiền cá nhân. Khối người chẳng cần ghi chép vẫn có tiền tiết kiệm, còn mua được vàng hàng tháng. Tuy nhiên, ghi chép chi tiêu vẫn là điều nên làm, vì đó là cơ sở để chúng ta rà soát và nhận ra đâu là các khoản chi không thực sự cần thiết, nên cắt giảm để tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Ảnh minh họa
Chiều qua đi làm thấy chan chán, quyết định order cốc trà sữa 55k, uống cho tâm trạng phấn khởi; hôm nay trời mưa như vũ bão, đành phải bắt taxi làm; ngày mai tự nhiên đơn hàng đặt từ nửa tháng trước mới về, lại mất thêm một khoản để nhận đơn,... tất cả những khoản chi này, nếu không ghi chép lại, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái chẳng hiểu mình đã tiêu cái gì mà hết cả tiền. Vì chúng đột xuất, lắt nhắt và không phải các khoản cố định như tiền thuê nhà, tiền trả nợ hay tiền trong sổ tiết kiệm - đã gửi vào là không thể bất chợt rút ra trước ngày đáo hạn.
Áng chừng hay định hình chi tiêu trong đầu thay vì ghi chép là phương án không hiệu quả, đặc biệt với những người thiếu kỷ luật trong việc chi tiêu, là vì thế.
Chưa kể, việc kết hôn đã 5 năm nhưng không có tài sản gì ngoài 2 cây vàng còn cho thấy gia đình này gần như không có tư duy tiết kiệm, tích sản. 2 cây vàng ở thời điểm này có giá trị không nhỏ, nhưng đặt nó trong bối cảnh một cặp vợ chồng đã kết hôn 5 năm, có mức thu nhập 65 triệu/tháng, rõ ràng, 2 cây vàng lại là hơi ít.
Để biết cách quản lý tài chính của mình có đang hiệu quả hay không, hãy nhìn vào số dư sổ tiết kiệm và những tài sản mình đang sở hữu. Nếu mọi thứ tròn trĩnh bằng 0, đừng cố chấp an ủi bản thân là mình biết chi tiêu, tiết kiệm nữa.
Ảnh minh họa
Thừa nhận mình đang quản lý tiền bạc sai cách, nhưng vẫn không muốn ghi chép chi tiêu để có cơ sở dữ liệu mà nhìn vào? 3 gợi ý dưới đây có thể là giải pháp cho bạn.
1 - “Trả lương cho mình trước”
Hiểu đơn giản là tiền về tài khoản thì ưu tiên thanh toán các chi phí cố định (tiền thuê nhà, trả nợ,...), rồi sau đó là tiền gửi tiết kiệm hoặc tiền để dành để phục vụ các mục tiêu lớn, dài hạn như mua nhà, tậu xe.
Nếu chưa tự tin với khả năng giữ mình trước những cám dỗ khiến tiền bay khỏi túi, tốt nhất là hãy chọn các hình thức gửi tiết kiệm không cho phép rút tiền trước kỳ hạn. Trong trường hợp có nhiều mục tiêu khác ngoài tiết kiệm để phòng thân, bạn có thể mở nhiều tài khoản/sổ tiết kiệm cho từng mục đích.
2 - Đặt ngân sách chi tiêu theo tuần
Sau khi “trả lương cho bản thân” và thanh toán hết các chi phí bắt buộc, với số dư còn lại, hãy chia nó cho 4 để tìm ra mức ngân sách chi tiêu cho 1 tuần. Mức ngân sách này nên bao gồm 4 đầu mục chính với mức độ ưu tiên giảm dần, như dưới đây:
- Tiền ăn/mua thực phẩm. - Tiền xăng. - Tiền mua sắm phục vụ các nhu cầu thiết yếu (nước giặt, nước xả, sữa tắm, dầu gội, gia vị, gạo,...). - Tiền mua sắm phục vụ các nhu cầu cá nhân (mua quần áo, giày dép, đồ trang điểm,...).
3 - Đừng để hết tiền trong một tài khoản
Lý do rất đơn giản: Để hết tiền trong 1 tài khoản khiến bạn khó kiểm soát mức độ chi tiêu cũng như mức ngân sách đã đặt ra từng tuần, cho từng khoản chi cụ thể.
Ảnh minh họa
Việc đặt ngân sách chi tiêu cho từng khoản chi có thể sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn cứ để tiền ở hết trong 1 tài khoản.
Ngân sách của khoản này “nhập nhằng” với ngân sách của khoản kia, tựu trung rất khó để quản lý các khoản chi, nhất là khi bạn còn lười chẳng muốn ghi chép.
Bí quyết là hãy mở thêm ít nhất 1 tài khoản ngân hàng, để riêng tiền ăn/tiền mua thực phẩm vào đó. Còn chi phí phục vụ việc đi lại, tốt nhất là rút ra thành tiền mặt. Tiền mua sắm có thể để trong ví điện tử, đỡ phải mở thêm tài khoản ngân hàng mà thanh toán online hay offline đều tiện.
Rạch ròi từng khoản chi, không để chúng lẫn vào nhau, mới dễ quản lý.