Thu nhập 25 triệu đồng/tháng, nên vay ngân hàng bao nhiêu tiền để mua nhà?

Châu Anh/VTC News, Theo VTC News 17:00 05/08/2024
Chia sẻ

Theo chuyên gia, những cặp vợ chồng thu nhập 25 triệu đồng/tháng, khi mua nhà cần xem việc kiếm tiền, quản lý tiền và bảo vệ tiền sẽ được thực hiện cụ thể ra sao.

Độc giả Phan Hoàng Nam, 27 tuổi, sinh sống và làm việc tại Hoàng Mai (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Vợ chồng tôi mới cưới, có mức thu nhập là 25 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này có thể mua được nhà ở Hà Nội không và nếu muốn vay tiền ngân hàng thì nên vay bao nhiêu?".

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, vợ chồng trẻ, thu nhập 25 triệu đồng/tháng bắt buộc phải vay ngân hàng mới có thể mua nhà Hà Nội. Nhưng vay ngân hàng thế nào để đảm bảo tài chính gia đình là chuyện cần suy tính kỹ.

Mức khuyến nghị mà ông Dũng đưa ra là chỉ nên vay 700 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Nếu vay nhiều hơn, áp lực trả lãi ngân hàng hằng tháng là rất lớn. Ngoài ra, nên ưu tiên vay từ gia đình người thân, bạn bè trước khi vay ngân hàng, bởi những nguồn lực này thường không phải trả lãi hoặc nếu có là rất ít.

Sau khi huy động các nguồn lực gồm: tiền tiết kiệm của hai vợ chồng (khoảng 500 - 600 triệu đồng chẳng hạn), các khoản trợ giúp từ gia đình và các khoản vay không tính lãi của người thân, bạn bè (khoảng 500 - 600 triệu đồng nữa) thì có thể bắt đầu vay thêm ngân hàng để mua nhà.

Ngoài ra, nên chọn nhóm ngân hàng Big4 (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và một số ngân hàng nước ngoài vì thường có mức lãi suất vay mua nhà ổn định, không biến động quá lớn sau thời gian ưu đãi ban đầu.

Thu nhập 25 triệu đồng/tháng, nên vay ngân hàng bao nhiêu tiền để mua nhà?- Ảnh 1.

Vợ chồng trẻ phải tính toán kỹ trước khi mua nhà. (Ảnh minh họa: Cafeland)

Theo ông Dũng, có hai trường hợp và 3 tiêu chí trong việc lên kế hoạch mua nhà với thu nhập 25 triệu đồng/lượng. Trường hợp thứ nhất, nếu chưa có đủ nguồn lực như trên, hãy lùi thời gian mua nhà xuống vài năm sau nữa. Không nên quá sức vì lúc đó áp lực tài chính với người có thu nhập thấp là rất lớn.

Còn nếu đã đạt được các điều kiện thì vẫn cần có một kế hoạch tài chính cụ thể, toàn diện, bao gồm ba tiêu chí đó là: Kiếm tiền - quản lý tiền - bảo vệ tiền.

Kiếm tiền là nguồn tiền đều đặn được kiếm về từ công việc của cả vợ và chồng. Kiếm tiền phải song song với việc tăng trưởng thu nhập. Bản thân người vợ hoặc người chồng cần nâng cấp bản thân, nâng cao năng lực trong công việc để được tăng lương, hoặc cũng có thể nhận thêm các công việc làm thêm để gia tăng thu nhập.

Thu nhập 25 triệu đồng/tháng, nên vay ngân hàng bao nhiêu tiền để mua nhà?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Ví dụ hiện tại lương 15 triệu đồng/tháng/người, 10 năm sau lương vẫn 15 triệu đồng/tháng thì đó là sự thất bại trong việc tăng trưởng thu nhập. Nếu giữ nguyên mức thu nhập này trong tương lai thì rất khó mua nhà vì cuộc sống gia đình sẽ đòi hỏi thêm các khoản chi phí trong tương lai ”, ông nói.

Đối với quản lý tiền , có thể áp dụng phương pháp 50 - 30 - 20. 50% thu nhập cho các chi tiêu thiết yếu - 30% thu nhập cho các chi tiêu hưởng thụ - 20% thu nhập cho tiết kiệm và đầu tư.

Khi thực sự muốn sở hữu một căn nhà, hai vợ chồng trong tình huống này phải hết sức thắt chặt chi tiêu,  cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết để tập trung cho tiết kiệm, thậm chí là tăng tiết kiệm lên cao nhất có thể. Chúng tôi khuyến cáo tối thiểu là tiết kiệm từ 20-30% thu nhập để phục vụ cho kế hoạch mua nhà. Ví dụ tổng thu nhập 25 triệu đồng, bắt buộc phải tiết kiệm tối thiểu 5-8 triệu đồng và đây sẽ là nguồn tiền để trả lãi ngân hàng hằng tháng ”, ông Dũng phân tích.

Bên cạnh sự kỷ luật, cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm là khoản tiền đầu tiên cặp vợ chồng trẻ nên nghĩ đến khi nhận lương. Nếu chi tiêu thiết yếu và không thiết yếu xong rồi mới nghĩ đến tiết kiệm thì rất khó đạt được mục tiêu quản lý tài chính để mua nhà nếu vướng phải lạm phát lối sống.

Bảo vệ tiền được thực hiện bằng cách lập các quỹ dự phòng khẩn cấp hay quỹ bảo vệ tài chính. Quỹ này dùng trong trường hợp thiên tai, bệnh hoạn hoặc những biến cố không ngờ tới trong công việc. Khoản dự phòng khẩn cấp này khoảng từ 3-6 tháng chi tiêu thiết yếu của cả gia đình. Nếu đã có bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tài chính thì quỹ này cần phải đảm bảo được 3 tháng chi tiêu thiết yếu.

Càng có ít tiền thì càng cần phải có bảo hiểm tài chính bởi nó sẽ tránh cho mình những thất thoát tài chính khi xảy ra những biến cố liên quan đến sức khỏe. Nếu không có bảo hiểm, một sự cố về sức khỏe có thể cuốn trôi toàn bộ tích lũy, lúc này lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng? ”. Do đó, bảo hiểm được ông Dũng khuyến nghị ở mức gần như bắt buộc phải có.

Tiếp đến, quỹ dự phòng cho việc sinh con cũng là quỹ rất cần thiết. Phần quỹ dự phòng này phải được lập với ngân sách khoảng 100 - 200 triệu đồng tùy nơi muốn sinh và chất lượng muốn đem đến cho mẹ và con trong quá trình thai sản từ lúc bầu, cho đến khi con lên 1 tuổi.

Trong trường hợp chưa mua nhà ngay, khoản tiết kiệm và đầu tư trong hạng mục quản lý tiền cần được xem xét để gửi tiền hoặc đầu tư vào kênh đầu tư nào an toàn và có hiệu suất sinh lời cao hơn tốc độ tăng giá của bất động sản.

FIDT khuyến nghị các kênh đầu tư chứng chỉ quỹ đang có tiềm năng tương đối tốt và không khó đối với những nhà đầu tư không chuyên. Đây là kênh có thể được lựa chọn làm kênh đầu tư tích sản khi lợi nhuận trung bình hàng năm là từ 10-15% ”, ông Dũng chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày