Nỗi lòng người 25 tuổi: Đi làm nhiều năm lương chỉ 12 triệu, ước mơ mua nhà xa vời nhưng chỉ muốn bám trụ ở thành phố đắt đỏ

Nguyệt , Theo Nhịp sống thị trường 15:00 18/07/2024
Chia sẻ

Dù cuộc sống ở thành phố lớn xô bồ, chi phí đắt đỏ thế nhưng có những người trẻ vẫn nhất quyết không chuyển về quê sinh sống.

25 tuổi, lương thấp, loay hoay tìm con đường mua nhà ở Hà Nội: Có nên bỏ phố về quê?

Ở tuổi 25 - độ tuổi chẳng còn trẻ để bạn dễ dàng mắc lỗi rồi tự nhủ mình còn nhiều thời gian mà, tuy nhiên cũng không quá trưởng thành để bạn xác định được trọn vẹn con đường tương lai. Ở độ tuổi này, thật may mắn khi bạn đã biết được bản thân nên làm gì, đi đến đâu song sẽ thật khó khăn nếu ai đó còn đang loay hoang với mức lương không cao và sự nghiệp còn mờ mịt. Với những người sống xa quê, họ còn có thêm một câu hỏi: Có nên về quê sinh sống hay cố gắng bám trụ lại thành phố mà cái gì cũng đắt đỏ?

Mới đây, tâm sự của một cô gái trong hội nhóm  về chủ đề này đã nhận được nhiều đồng cảm. Cô gái chia sẻ bản thân 25 tuổi, là người từ tỉnh khác đến Hà Nội sinh sống và làm việc. Thu nhập hàng tháng của cô dao động khoảng 12 triệu đồng/tháng, đang có khoản tiết kiệm 150 triệu đồng.

Thời gian gần đây, nhiều bạn bè của cô đã bỏ Hà Nội về quê làm việc, khiến cô ít nhiều dao động về lựa chọn sống ở thành phố của mình. Cô gái xét thấy bản thân muốn tiếp tục sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Song cô nhìn triển vọng tương lai thì dù mai này có đạt được mức lương 20-30 triệu đồng/tháng cũng khó mua được nhà. Hiện, cô cũng không có người yêu và "đau đầu" để tìm được người yêu cùng cố gắng.

Càng nghĩ, cô nàng thấy mình càng rơi vào vòng luẩn quẩn. Do đó, cô muốn xin lời khuyên và kinh nghiệm về câu hỏi "đau đầu" của nhiều người trẻ: Có nên bỏ phố về quê hay ở lại Hà Nội làm việc?

Nỗi lòng người 25 tuổi: Đi làm nhiều năm lương chỉ 12 triệu, ước mơ mua nhà xa vời nhưng chỉ muốn bám trụ ở thành phố đắt đỏ- Ảnh 1.

Lời tâm sự của cô gái 25 tuổi nhận được nhiều đồng cảm

Câu chuyện của cô gái này cũng là tâm sự của nhiều người trẻ khi bước sang tuổi 25. Cũng vì thế, dưới bài đăng của cô gái, nhiều người đã bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ câu chuyện của mình:

Bạn N.T cho hay: "Lâu lắm mới có bài viết đồng cảm đến vậy. Mình bằng tuổi bạn, mức lương chỉ hơn bạn có 1 xíu. Mình kém bạn ở chỗ hiện tại mình không có khoản tiết kiệm nào, mấy năm đi làm gom được bao nhiêu mình gửi về đỡ bố mẹ hết. Giờ cuộc sống khó khăn hơn, không còn kiếm dễ như những năm trước. Mình cũng muốn kiếm thêm công việc khác để thêm khoản nọ khoản kia còn tiết kiệm tiền sau này lấy chồng mà không biết phải bắt đầu từ đâu và đi như nào...

Bạn bè mình đa số cũng về quê lập gia đình. Vài đứa ở Hà Nội thì nhà chồng đều mua nhà sẵn cho hai vợ chồng nên không phải lăn tăn chuyện nhà cửa".

Bạn M.T.V tâm sự: "Ở tuổi 25, mình cũng đã từng có lo lắng như bạn. Hồi đó mình còn thảm hơn là mình đi làm 3 năm rồi, mà lương cũng chỉ 9-10 triệu đồng năm 2012, và chẳng để dành được mấy đồng. Vì từ lúc mình đi làm, em trai lên học Đại học và 2 chị em ở cùng nhau, mình chi toàn bộ tiền sinh hoạt.

Bố mẹ bảo về quê có thể xin được việc ổn định, tốn khoảng trăm triệu mà mình không có tiền để dành, cũng tiếc tiền của bố mẹ vì với mình, lúc đó là số tiền lớn. Thế nên mình mới ở Hà Nội dù không biết tương lai sẽ có gì mới, cứ cố gắng học tập, làm việc thôi. Cũng hên là mình có người yêu, rồi anh ấy hỏi cưới.

Không phải mình ủng hộ các bạn kết hôn sớm đâu nhưng thực sự nếu đó là người đáng tin cậy, có thể tin tưởng, quan tâm, chăm lo cho mình thì nên kết hôn. Các bạn thời Đại học của mình đều thế. Kết hôn rồi thuê nhà, rồi 2 vợ chồng cày cuốc để dành rồi có con, rồi 10 năm thì đều mua nhà cả (có người mua xong hẳn, có người trả góp). Nên quan trọng nhất vẫn là lựa chọn tốt nhất tại thời điểm đó, chọn rồi thì không hối hận. Cứ tiến lên thôi".

Nỗi lòng người 25 tuổi: Đi làm nhiều năm lương chỉ 12 triệu, ước mơ mua nhà xa vời nhưng chỉ muốn bám trụ ở thành phố đắt đỏ- Ảnh 2.

Ở tuổi 25, nhiều người trẻ băn khoăn với lựa chọn: Có nên rời bỏ thành phố lớn để về quê sinh sống không?

Tuổi 25, lương thấp, sự nghiệp mãi chưa đến đâu: Còn bám trụ ở thành phố để làm gì?

Hiện nay, đã có nhiều người trẻ bỏ phố về quê vì nhận thấy chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi mức lương và khả năng sở hữu bất động sản lại quá ít ỏi. Điều này đã hình thành xu hướng "bỏ phố về quê" để tìm kiếm cơ hội mới cho riêng mình. Thế nhưng trái ngược với xu hướng này, có nhiều người trẻ vẫn kiên quyết ở lại thành phố lớn. Dẫu cho khi chuyển về quê thì chi phí sinh hoạt thấp và giảm bớt áp lực thành thị, họ vẫn có những lý do riêng để "bám trụ" lại ở Hà Nội và TP.HCM.

Phương Anh (26 tuổi, quê gốc ngoại thành Hà Nội) chia sẻ cách đây 1 năm, cô bạn cũng từng tính toán đến chuyện bỏ phố về quê. Vì lúc đó, mức lương của Phương Anh dưới 15 triệu đồng.

Với thu nhập này, cô nàng cho rằng chỉ vừa vặn nuôi bản thân và trả tiền thuê nhà, chứ không thể tính đến chuyện sở hữu bất động sản. Cô tính toán, nếu chuyển về quê sinh sống, Phương Anh có thể để dành được vài ba triệu, thậm chí cả tháng lương. Bởi ở đó, cô không mất tiền thuê nhà, trong khi chi phí sinh hoạt lại rẻ gấp rưỡi so với thủ đô.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh cuộc sống tinh thần và khả năng phát triển sự nghiệp thì ở quê lại quá ít ỏi so với thành phố.

"Mình gọi khoảng cách giữa chi phí sinh hoạt ở quê và thành phố là 'chi phí đánh đổi' cho sự thoải mái, không gò bó và cơ hội kiếm tiền ở thành phố lớn.

Mình vẫn còn ở những năm đầu đi làm, tiền lương hầu hết dành cho chi phí sinh hoạt và nâng cấp bản thân. Dù giờ chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng nhưng mình tin cơ hội để nhân hai, nhân ba thu nhập vẫn có, nếu mình tìm thấy hướng đi đúng đắn", Phương Anh cho hay.

Nỗi lòng người 25 tuổi: Đi làm nhiều năm lương chỉ 12 triệu, ước mơ mua nhà xa vời nhưng chỉ muốn bám trụ ở thành phố đắt đỏ- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Tuấn Đức (25 tuổi, graphic designer) đang làm việc tại một công ty ở Hà Nội với mức lương 20 triệu đồng. Với mức thu nhập khá ổn này, anh chàng vẫn cho rằng bản thân vẫn còn cách ước mơ mua được nhà ở thủ đô quá xa vời. Tuy nhiên, từ khi ra trường cho đến khi đi làm, suốt mấy năm trời, Tuấn Đức từng thấy áp lực với mức chi tiêu nơi thành thị song anh chàng chưa bao giờ có ý định bỏ về quê sinh sống.

"Đầu tiên, công việc của mình mà về quê thì gần như hết đất sống. Ngoài ra, mình cũng tiếc công sức ăn học biết bao năm ở thành phố, giờ về quê thì mình cảm thấy chúng bị lãng phí, 'đổ sống đổ bể'. Một lý do quan trọng khác là cuộc sống ở quê khá tù túng, không phù hợp với người ham chơi như mình.

Mình biết vẫn có những người phát triển được ở quê cũng như tích luỹ, tuy nhiên đó không phải trường hợp của mình. Dù đôi lúc vẫn nhớ nhà, cảm thấy mệt mỏi, mình nhận ra làm việc ở thành phố lớn vẫn là quyết định đem lại nhiều tiềm năng hơn trong tương lai”, Tuấn Đức bày tỏ.

Ở diễn biến khác dù lương thấp, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, thế nhưng số đông người trẻ vẫn không muốn về quê vì sợ không thể sống theo mong muốn ở thành phố lớn. Khi ở thành phố, họ có thể thoả thích đưa ra quyết định từ nhỏ chẳng hạn như ăn mặc và chọn kiểu tóc, xa hơn nữa lựa chọn to lớn như bao giờ kết hôn, làm công việc gì,.. Đây là điều mà nhiều người trẻ khó có thể tự mình quyết định sau khi trở về quê, vì lúc này cuộc sống sẽ không hoàn toàn thuộc về họ.

" Mình ở lại thành phố, không chỉ vì muốn lập nghiệp hay tăng lương. Mình chỉ sợ khi về quê, người thân sẽ bắt mình sống theo cách mà họ muốn", Thuý Anh (25 tuổi, một nhân viên văn phòng ở TP.HCM) tâm sự.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày