Việc vun vén thu chi trong gia đình sao cho khéo léo luôn là vấn đề "đau đầu" của các cặp vợ chồng. Nhiều trường hợp thu nhập cả 2 vợ chồng không cao, chỉ ở mức cơ bản nhưng nếu "vén khéo" vẫn đảm bảo cuộc sống gia đình, có một khoản tiết kiệm phòng ngừa ốm đau. Tuy nhiên, không ít người có mức thu nhập cao, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng một tháng vẫn rơi vào cảnh... nhẵn túi cuối tháng.
"Vén khéo" là group trên MXH Facebook - nơi chia sẻ những câu chuyện thu chi, tiết kiệm, đầu tư của mọi người. Mới đây, một bài viết của người đàn ông ẩn danh đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ mọi người.
Theo đó, anh chồng chia sẻ, 2 vợ chồng anh mới cãi nhau vì vấn đề tiền bạc. Vợ chồng anh có nhà ở thành phố Hải Phòng. Anh hiện đang làm công việc nhà nước với mức lương tầm 8 triệu đồng/tháng, nhiều tháng phát sinh nên sẽ nhận được khoảng gần 10 triệu đồng/tháng. Còn vợ anh làm công việc tự do với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Hàng tháng, anh chuyển hết tiền lương cho vợ để lo sinh hoạt gia đình. Anh chỉ giữ lại 1 triệu đồng cho 2 bố con đi ăn sáng, đổ xăng xe, tiền điện thoại. Anh không có bất kỳ thú vui, sở thích nào, cũng không hút thuốc, đi cà phê. Gia đình anh được ông bà nội hỗ trợ bữa trưa. Con trai lớn đang học trường công cùng học thêm tốn khoảng gần 2 triệu đồng/tháng, con trai bé học Mầm non công hết 1,5 triệu đồng/tháng (đã bao gồm ăn sáng).
Anh chồng tiếp tục chia sẻ các khoản chi tiêu gia đình: Tiền điện nước < 500.000 VNĐ, Internet không đóng vì dùng 4G, bữa tối trong ngày dưới 150.000 VNĐ/ngày, 1 tháng hết khoản 4 triệu đồng tiền ăn và tổng hết khoảng 9 triệu đồng/tháng. Gia đình anh gần như không tham gia liên hoan, cưới xin.
(Ảnh minh họa)
Anh chồng trong câu chuyện tâm sự: "Tháng nào vợ mình cũng bảo không đủ tiền sinh hoạt nên nợ, tháng sau đập vào tháng trước. Hôm nay vừa lĩnh lương xong thì vợ bảo chuyển tiền để trả nợ. Mình mới hỏi là sao nhà mình tháng nào cũng nợ thế, vậy là vợ ca bài ca lương 3 cọc 3 đồng mà đòi đủ chi tiêu.
Mình bảo nếu khó quá thì đưa lương anh chi tiêu cho thì vợ gào lên rằng chẳng có nhà nào, đàn ông chi tiêu cả, hóa ra anh cho rằng tôi tiêu hoang phí, tiêu cho bản thân, tôi còn không dám ăn sáng,... Chẳng hiểu nhà khác thế nào chứ mình áp lực quá, đã vừa sống kham khổ lại còn là gánh nặng cho ông bà, cũng nhiều lần nghĩ đến ly hôn nuôi 1 bé cho đỡ áp lực nhưng lại thương con, không nỡ.
Có hôm đến chỗ làm ho nổ cổ ra, đồng nghiệp nói đi mua thuốc uống đi. Ho quá mà trong túi có đúng 50.000 VNĐ, xin mẹ thì xấu hổ, nghĩ về vợ thì chán. Mình ngồi cả buổi uống nước ấm mong cho đỡ ho. Nghĩ mà chán!".
Câu chuyện khiến nhiều người không khỏi xót xa. Có lẽ 2 bé nhà anh chẳng tháng nào được uống sữa, ăn sữa chua, đi chơi cuối tuần, đi sinh nhật bạn. Rồi có khi các bé cũng không được uống những loại thuốc bổ như các bạn, đó là một thiệt thòi lớn khi bố mẹ không có kinh tế, sống kiểu "giật gấu vá vai".
Nhiều người khuyên anh chồng trong câu chuyện thay vì nghĩ đến ly hôn thì nên xem xét chi tiêu, kiếm thêm thu nhập. Bởi các con càng học lên cao càng tốn kém, với thu nhập như vậy sẽ không đảm bảo được cuộc sống gia đình. Ngoài ra, thay vì ăn sáng ở ngoài, 2 vợ chồng có thể bảo nhau nấu đồ ăn ở nhà sẽ tiết kiệm hơn. Điều quan trọng nhất là cả 2 cùng ngồi lại, xem cách hoạch định chi tiêu và làm công việc tay trái để gia tăng thu nhập.
Một số bình luận đáng chú ý mà CĐM để lại như sau:
- Chung quy phần lớn mâu thuẫn trong gia đình đều do tiền bạc mà ra. Con bạn rồi sẽ lớn hơn, chi tiêu nhiều hơn, giờ lo tăng thu nhập thôi.
- Tháng nào cũng âm thì cũng cần xem lại cách chi tiêu của chị vợ. Hay anh thử một lần nào "tay hòm chìa khóa" xem sao.
- Đọc xong thấy tội anh chồng. Đúng là vợ chồng túng thiếu tiền bạc là hục hặc ngay. Chị vợ mà như này thật thì anh chồng nào cũng áp lực.