Thời sinh viên có giá nào cũng phải cố mua 1 chỉ vàng: 10 năm sau bán lấy tiền mua nhà, cưới chồng

Nguyệt - Design: Trường Dương, Theo Nhịp sống thị trường 00:01 18/04/2024

Những người trẻ này đã nhận về thành quả gì khi bắt đầu mua vàng từ sớm?

Nhiều người trẻ bắt đầu tích lũy vàng từ thời sinh viên, khi mới kiếm được những đồng tiền lương đầu tiên. Họ quan niệm vàng có mức sinh lời ổn định, giữ giá tốt và tương đối an toàn trong nền kinh tế biến động.

Mua vàng hàng tháng suốt 10 năm, giờ dư tiền lấy chồng và mua nhà

Cách đây 10 năm, khi còn là sinh viên năm 2 Đại học, Thu Ngọc (SN 1994) đã bắt đầu xây dựng thói quen mua vàng hàng tháng. Khi đó, cô mua vàng từ tiền làm gia sư và chạy bàn.

Vì ở nhà người thân nên Thu Ngọc không mất chi phí thuê trọ, tiền ăn uống và điện nước đã có mẹ lo. Chính bởi lẽ đó, cô nàng mới có thể dùng đến số tiền làm thêm để mua vàng.

Là sinh viên, nhiều người nếu kiếm được chút tiền thì thường nghĩ đến đóng học phí hoặc học thêm ngoại ngữ. Có người lại tiêu tiền vào phấn son, váy vóc, hay đi chơi, hiếm có ai lại nghĩ tới việc mua vàng như Thu Ngọc. Và người có tác động lớn đến thói quen mua vàng của Thu Ngọc, không ai xa lạ mà là bà ngoại của cô.

Thời sinh viên có giá nào cũng phải cố mua 1 chỉ vàng: 10 năm sau bán lấy tiền mua nhà, cưới chồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Mình ở với bà từ hồi lớp 1 đến tận lớp 12. Suốt những năm tháng ấy, mình không nhớ nổi số lần bà ngồi đếm từng chiếc nhẫn vàng. Mình chỉ nhớ có lần bà đếm được 12 chiếc nhẫn, rồi vài tháng sau, bà lại ngồi đếm tiếp thì con số đã lên tới 14 chiếc rồi.

Lúc đó mình chẳng biết 5 phân, 1 chỉ hay 1 cây vàng khác nhau như thế nào, nhưng nhìn bà đếm vàng thấy ham lắm. Có lẽ vì thế nên ngay khi kiếm được tiền là mình muốn đi mua vàng, chứ cũng không nghĩ tới chuyện ăn chơi. Còn tiền học phí thì bố mẹ vẫn lo cho mình, miễn sao mình học tốt, không phải học lại là được" - Thu Ngọc bộc bạch.

Những năm đầu, do ít tiền nên cô chỉ mua 5 phân vàng. Qua thời gian, đi làm lâu hơn và được tăng lương, Thu Ngọc vui mừng khi đã có thể mua được 1-1,5 chỉ vàng hàng tháng.

Cứ đều đặn như thế suốt 10 năm, đến tháng 12/2023, Thu Ngọc quyết định bán hết số vàng đã tích lũy trong 1 thập kỷ để lấy tiền chuẩn bị làm đám cưới và mua nhà.

Dù không tiết lộ tổng số tiền kiếm được từ việc bán vàng, nhưng Thu Ngọc cho biết số vàng tích lũy suốt 10 năm đủ để cô phụ giúp bố mẹ một phần chi phí làm đám cưới cho bản thân và cùng chồng mua được nhà mà không phải vay ngân hàng.

Thời sinh viên có giá nào cũng phải cố mua 1 chỉ vàng: 10 năm sau bán lấy tiền mua nhà, cưới chồng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chơi vàng từ khi mới ra trường, cố gắng tích góp mua nhà trước khi lấy chồng

Nguyễn Nguyên (SN 1996) mua vàng từ năm cuối Đại học. Thời điểm đó, mức lương văn phòng của cô chỉ 8 triệu đồng nhưng tháng nào cũng cố sắm 5 phân vàng.

“Năm 2018, chi tiêu cho sinh hoạt của mình là 5 triệu đồng/tháng, bao gồm tất cả chi phí là tiền nhà, tiền ăn uống, đi lại giao lưu, tiền mỹ phẩm và quần áo. Thời điểm đó, mình nhận được trợ cấp xăng xe và tiền ăn trưa tại công ty nên đỡ đần được phần nào chi phí sinh hoạt. Tính ra hàng tháng mình dư được 3 triệu đồng và bỏ hết vào vàng”, cô nàng cho hay.

Những ngày đầu, Nguyễn Nguyên mua vàng chỉ với hy vọng cất tiền đỡ mất giá và hình thành thói quen tích lũy lương hàng tháng. Tuy nhiên khi thu nhập tăng dần và nhận thấy lãi từ mua vàng tăng cao, cô bắt đầu dồn nhiều tiền hơn vào tài sản này.

“Nguyên tắc quản lý tài chính của mình đơn giản thôi. Cứ có tiền dư là mình nghĩ đến mua vàng. Nhưng mua vàng nhiều hay ít, thời điểm thế nào còn tùy thuộc vào giá cả thị trường. Nếu giá vàng giảm thì mình sẽ mua nhiều, còn giá tăng thì mình chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng hay gửi tiết kiệm”.

Mua vàng từ 6 năm trước nên giờ Nguyễn Nguyên không còn nhớ đã trải qua bao nhiêu lần mua bán vàng trên thị trường. Với nguyên tắc luôn bán vàng khi thấy sinh lời 10-15%, chứ không đu đỉnh thì đến hiện tại, cô nàng đã góp đủ 2/3 tiền cọc mua nhà nhờ tài sản này.

“Với mình, tự đứng tên 1 tài sản lớn trước khi lấy chồng rất quan trọng. Do đó, nếu không thể mua nhà từ vàng thì mình sẽ chuyển sang mua đất. Tài sản lớn giúp mình giảm rủi ro tài chính trước khi bước vào hôn nhân”, Nguyễn Nguyên cho biết.

Thời sinh viên có giá nào cũng phải cố mua 1 chỉ vàng: 10 năm sau bán lấy tiền mua nhà, cưới chồng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Lưu ý gì khi mua vàng tích lũy?

Về phía Nguyễn Nguyên, vàng là lựa chọn đầu tư tốt nhưng cần xem giá thường xuyên để không mua vào thời điểm đỉnh. Cô thường mua vàng nhẫn tại các cửa hàng uy tín.

Khi còn ít tiền, cô nàng thường mua 1 chỉ. Đến khi đi làm có tiền nong dư dả hơn, cô lại chuyển sang mua 5 chỉ vàng/lần.

Nguyễn Nguyên nói thêm: “Giờ mình không mua vàng theo tháng nữa mà khi nào giá giảm sẽ mua vào số lượng lớn. Nói cách khác, thay vì trích tiền lương hàng tháng rồi chạy ra tiệm vàng thì mình chuyển một phần thu nhập vào quỹ mua bán vàng riêng. Khi mua vàng số lượng lớn với mức giá rẻ thì nếu sau đó thị trường đi xuống, mình cũng đỡ tiếc tiền và không vướng bận suy nghĩ để còn làm việc khác”.

Trong khi đó, Thu Ngọc chia sẻ luôn chỉ mua vàng nhẫn và nói không với vàng trang sức đã qua chế tác.

"Mình mua vàng không phải để đeo, cũng không phải để đầu tư mà là để tiết kiệm cho những việc lớn trong đời. Thế nên mình nghĩ đơn giản là cứ loại vàng nào ít bị mất giá nhất thì mình mua thôi. Bà ngoại mình cũng toàn mua vàng nhẫn, rồi đến khi đủ thì bà đem đổi sang vàng miếng/vàng thỏi và mình cũng áp dụng cách này. Khi đổi thì mình cũng phải trả thêm một khoản tiền, nhưng cũng không đáng kể", Thu Ngọc bày tỏ.