(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
Mùa giải Oscar đến gần cũng là lúc người ta dồn sự chú ý của mình tới những bộ phim trong danh sách đề cử cho giải Phim xuất sắc nhất. Trong đó Three Billboards outside Ebbing, Missouri của đạo diễn Martin McDonagh (In Bruges) gây ấn tượng cho giới chuyên môn cũng như một bộ phận không nhỏ khán giả Mỹ vì một chủ đề khá gần gũi với đời sống của người dân đất nước này: Một người phụ nữ chống lại cả thế giới vì nỗi đau mất con.
Midred Hayes (Frances McDormand) đến từ thị trấn Ebbing, Missouri, Mỹ, đặt cọc tiền cho một hãng quảng cáo để thuê ba tấm biển bỏ không trên đoạn đường vắng ngay vùng ngoại ô với một câu hỏi duy nhất: "Bị hiếp dâm khi đang chết. Nhưng không có ai bị bắt. Tại sao hả cảnh sát trưởng Willoughby?" Con gái của bà đã bị tấn công tình dục và sát hại dã man bằng cách hỏa thiêu từ 7 tháng trước, nhưng sở cảnh sát cũng như cảnh sát trưởng Bill Willoughby (Woody Harrelson) vẫn không thể tìm ra được manh mối nào về thủ phạm của vụ án.
Oái oăm thay, khi ba tấm biển được dựng lên cũng là lúc cả thị trấn nhận được tin Bill sắp qua đời vì căn bệnh ung thư. Và Mildred đã phải đối mặt với những phản đối của người dân thị trấn về những tấm biển của mình khi cảnh sát trưởng Bill tự kết liễu đời mình. Cái chết của ông đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của Dixon (Sam Rockwell), một sĩ quan cảnh sát dưới quyền Bill, một kẻ có xu hướng bạo lực, kỳ thị chủng tộc, giới tính.
Three Billboards outside Ebbing, Missouri mang trong mình một câu chuyện đầy cay đắng về những con người bị bỏ lại trần thế sau cái chết của người thân. Mildred được xây dựng như một nhân vật "chính diện" của phim, đại diện cho "công lý" của dân chúng, dũng cảm đối mặt với sự lủng củng của hệ thống công quyền sau khi con gái bà qua đời trong đau đớn. Trong khi đó, Dixon là "phản diện" chính, đại diện cho tất cả những mặt trái của người Mỹ, bảo thủ và cực đoan. Nhưng bằng một cách kỳ lạ nào đó, họ có nhiều điểm chung hơn bất cứ ai.
Tan nát cõi lòng vì cái chết của con gái mình dần trôi vào dĩ vãng qua từng ngày, Mildred bị cuốn vào một vòng xoáy của sự oán hận và thái độ ngang ngạnh, bất cần đối với toàn bộ thế giới xung quanh. Bà đã nói rất nhiều điều, và làm rất nhiều thứ gây tổn thương cho cả thị trấn vì sự giận giữ của mình. Mặc dù tỏ ra gân guốc và mạnh mẽ, và không còn gì không dám làm. Nhưng tất cả những điều đó đều đến từ một sự yếu đuối trong tầm hồn bà.
Nếu bỏ đi lý trí, Mildred có "quyền" đặt ba tấm biển đó, có quyền gây gổ với mọi người, có quyền ích kỷ và cay nghiệt. Bà xứng đáng được thả cho bản thân trôi vào một "biển lửa" đang nhấn chìm tinh thần bà. Vì bà là một người mẹ mất con, và khó có thể tưởng tượng nổi trên đời này có nỗi đau nào bỏng rát và tàn khốc hơn cái cảm giác đó. Đứa con do mình mang nặng đẻ đau 9 tháng nay đã chỉ còn là một nắm tro tàn, và những lời cuối cùng giữa hai mẹ con lại là những lời miệt thị, ghét bỏ nhau.
Cơn giận của bà được khởi đầu bởi một ngọn lửa, và nó đã bùng lên giận dữ, thiêu cháy cả thế giới trong mắt bà. Ở một khía cạnh nào đó, đám cháy đã thiêu trụi cả ba tấm biển của bà đã được gián tiếp châm lửa từ chính sự hằn học đó. Trường đoạn độc thoại bà mỉa mai và nhục mạ ngài mục sư chính là giây phút tỏa sáng của Frances McDorman trong vai Mildred, khi bà truyền tải được hàng loạt những tầng lớp cảm xúc khác nhau ồ ạt tràn ra từ sâu bên trong trái tim đã nát bấy của mình, để rồi bà nhận ra cuộc đời mình đã tuột dốc đến đâu khi chứng kiến Dixon nhảy ra khỏi ngọn lửa thù hận do chính bà gây nên đang thiêu cháy sở cảnh sát thị trấn.
Ở phía bên kia của câu chuyện là Dixon, không chỉ có một lối sống buông thả, nông cạn, thiếu tôn trọng, và đầy định kiến, mà còn tiềm ẩn một nỗi uất ức tới từ cái chết của cha hắn. Hắn hiện lên trong phim thực sự là một gã đàn ông đáng khinh về mọi mặt: Sống phụ thuộc người mẹ già lẩm cẩm, kỳ thị người đồng tính, kỳ thị người lùn, kỳ thị người da màu, có xu hướng bạo lực, ngập tràn sự hằn học, và không có khả năng kiểm soát bản thân. Đây là một nhân vật mà theo lẽ thông thường sẽ không thể nào nhận được bất cứ sự cảm thông nào từ khán giả.
Để "đổ thêm dầu vào lửa", cái chết của cảnh sát trưởng Willoughby càng đẩy Dixon sâu hơn vào hố đen của sự thù hận. Anh chàng quản lý của hãng quảng cáo Red Welby (Caleb Landry Jones) chính là nạn nhân đầu tiên của "con quái vật" Dixon vừa bị "xổng chuồng". Có lẽ chính sự nuông chiều mà Willoughby từng dành cho hắn đã khiến gã cảnh sát càng trở nên lạc lối với cuộc đời của mình.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Willoughby có ý nghĩa thế nào đối với Dixon khi chứng kiến những giọt nước mắt của hắn khi nghe tin. Cái chết của cảnh sát trưởng thực sự đã nuốt chửng hắn, và biến hắn thành một con người hoàn toàn khác. Hình ảnh Dixon ngồi đọc thư mà "người cha tinh thần" để lại cho hắn trong trụ sở cảnh sát đang chìm vào màu đỏ rực của ngọn lửa đang liếm trọn tòa nhà thực sự đem đến những cảm xúc vô cùng ám ảnh. Đây chính là giây phút mà hắn thực sự "giác ngộ" con đường thực sự cho bản thân, thực sự chịu ảnh hưởng từ sự qua đời của Willoughby.
Mildred sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng Dixon sẽ lại là người liều mình cứu bộ hồ sơ vụ án của con gái bà ngay giữa biển lửa độc địa. Cũng như Dixon sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ Welby sẽ là người đầu tiên đón chào mình trong bệnh viện, và mời hắn cốc nước cam. Có lẽ chính thời điểm đó, hắn đã hiểu được những lời mà Willoughby để lại về quyền năng của "sự yêu thương" so với sự "thù hằn", về sức mạnh của sự "bình thản" và "kiên nhẫn".
Bởi vì chỉ có những điều đó mới cho hắn đủ dũng cảm đối mặt với một kẻ tình nghi trong vụ án của con gái Mildred, trong khi những vết bỏng trên khuôn mặt hắn còn chưa thực sự hồi phục. Hắn đã cắn răng chịu đựng những cú đánh của hai gã lạ mặt, tất cả từ một động lực duy nhất là "sự yêu thương", và niềm tin vào chính bản thân mình.
Three Billboards outside Ebbing, Missouri từng gặp phải rất nhiều những chỉ trích vì "chuộc tội" cho một nhân vật kỳ thị chủng tộc và giới tính như Dixon trong phim. Trong khi đó nhân vật của Mildred đã phóng hỏa đốt nhà, gây nguy hiểm cho tính mạng người khác. Còn nhân vật James của Peter Dinklage thường xuyên bị lấy ra làm trò đùa. Bản thân Bill Willoughby cũng không thực sự là một người tốt, trong khi con trai của Mildred đã sẵn sàng rút dao định cắt cổ cha đẻ của mình.
Bộ phim thậm chí còn kết thúc ở giây phút mang tính gợi mở về con đường mà hai nhân vật chính đã chọn cho mình. Có thật là Dixon đã hoàn lương hay không, và việc lên kế hoạch săn lùng và giết một người xa lạ ở đây có thể nhìn nhận là việc tốt vì hắn đang trả nợ cho Mildred, hay thật ra chỉ là cái cớ cho hành vi tội ác? Còn Mildred, cuộc đời của một phụ nữ lương thiện đã đi đến đâu khi bà lựa chọn giải tỏa cho bản thân bằng việc đi giết người, bất chấp việc hắn có phải là thủ phạm giết con gái bà hay không?
Đạo diễn McDonagh bắt chúng ta phải chấp nhận những cay đắng và nhức nhối trong suốt chiều dài bộ phim. Chúng ta phải chứng kiến hàng loạt những lời nói và hành động trái với luân thường đạo lý từ những nhân vật mà lẽ ra chúng ta phải có sự thông cảm. Và mỉa mai hơn, chúng ta lại cảm thông với những kẻ đáng khinh bỉ nhất trong xã hội Mỹ. Tất cả những điều này đã làm nên một trải nghiệm cảm xúc phức tạp lập thể, nghiệt ngã giống như cuộc đời vậy.
Chẳng có người nào là anh hùng hoàn hảo, chẳng có kẻ xấu hoàn toàn đê tiện đáng khinh đến chết. Chẳng có ai kiên cường, bất khuất mà không có những góc tối mong manh, yếu đuối. Cũng không có ai hành xử khốn nạn, vô lối, mà không có một tâm lý rối bời bên trong. Vì giống như cuộc sống ngoài đời thật, Three Billboards đầy cay đắng và sẽ chẳng bao giờ cho chúng ta một câu trả lời thật sự cho những hoang mang, băn khoăn về những nỗi oan ức mà chúng ta phải trải qua. Cũng giống như câu hỏi của Mildred trên ba tấm biển quảng cáo chẳng bao giờ có lời giải đáp cuối cùng, ngoài việc liệu hai con người đó sẽ có quyết định như thế nào với số phận của gã du thủ du thực lạ mặt, hay quan trọng hơn, với số phận của chính họ.