1. Thói quen xếp hàng
Dù không có quy tắc nào yêu cầu phải xếp hàng khi đi thang cuốn nhưng người Nhật tự giác xếp hàng và đứng gọn sang một bên. Con người nơi đây luôn cố gắng tạo sự thuận tiện nhất cho người khác. Đặc biệt khi bạn đang rất vội vã, bạn có thể vượt lên trên bằng khoảng trống phía bên cạnh dòng người đi thang cuốn.
Ngoài ra, khi vào thang máy, người Nhật có quy tắc khách vào trước, chủ nhà vào sau, người già vào trước, người trẻ vào sau. Nếu khách không cần tiễn xuống khi về thì chủ nhà sẽ cúi đầu chào cho đến khi cửa thang máy đóng lại.
Từ người già cho đến trẻ nhỏ, khi đi mua bất cứ thứ gì cũng đều phải xếp hàng. Họ xếp hàng ở ngã tư sang đường, trạm xe buýt hay tàu điện ngầm….nhưng không ai cảm thấy khó chịu khi phải chờ đợi vì đây là thói quen thường nhật và người dân đã coi nó như một phần của cuộc sống.
2. Ngay cả khi "di tản", nhận đồ cứu trợ, người Nhật vẫn xếp hàng
Bạn đừng biện minh cho việc chen lấn xô đẩy của mình là do đang vội, do hoàn cảnh khách quan "đưa đẩy". Với người Nhật, thói quen xếp hàng, chờ đợi tới lượt của mình dường như đã thấm nhuần, ngay cả trong tình huống cấp bách nhất, họ vẫn giữ được sự bình tĩnh và tuân thủ nguyên tắc: "Muốn nhanh thì phải từ từ".
Giữa khung cảnh tang thương, chết chóc, nhà cửa tan nát, đói lạnh và cả sự đau đớn, tuyệt vọng... của những trận thảm họa, người dân Nhật Bản vẫn giữ vững "tinh thần Nhật Bản", cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn. Nhiều người nhận xét quả thực không hề sai khi dùng 2 từ "vĩ đại" để nói về xứ sở hoa anh đào.
Người dân Nhật xếp hàng trong vụ thảm họa kép năm 2011.
3. Mang rác theo người cho đến khi tìm được chỗ vứt
Ở Nhật, rất khó để tìm thấy thùng rác trên đường, vì vậy họ có thói quen giữ rác trong túi mình cho đến khi tìm được chỗ vứt. Chỉ khi dùng bữa tại nhà hàng, đến trạm tàu điện ngầm họ mới lấy rác trong túi ra bỏ vào thùng rác ở đó. Trong trường hợp không tìm thấy chỗ vứt rác, họ sẽ mang rác về nhà và bỏ chúng vào thùng rác nhà mình.
Một điều đặc biệt nữa là người Nhật Bản mỗi buổi sáng thức dậy ra khỏi cửa đều một tay xách cặp một tay xách túi rác. Trước khi đến cơ quan, nhiệm vụ của người đàn ông trong nhà là vứt rác vào thùng rác cố định hoặc máy thu gom rác đặt ở tầng 1. Thế nên người Nhật Bản mới nói đùa với nhau rằng, "ông xã chính là một cái máy vứt rác".
Ở Nhật Bản, mỗi ngày thu loại rác nào cũng không giống nhau. Vào đầu mỗi năm, các trạm trung chuyển rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường. Trong tờ lịch này ghi rõ, mỗi ngày gom và vận chuyển loại rác nào, tuần nào chỉ thu giấy, tuần nào thu rác có thể đốt...
Các hộ dân trong khu vực quản lý chỉ cần theo đúng tờ lịch này để vứt rác. Như vậy việc thu hồi và phân loại rác thải một cách khoa học được thực hiện rất dễ dàng.
4. Không nhận tiền "típ"
Ở Nhật Bản, con người không chấp nhận văn hóa "típ tiền" bởi vì họ luôn tâm niệm việc phục vụ khách hàng với chất lượng hoàn hảo là điều hiển nhiên. Ngoài ra, giá của một sản phẩm hay dịch vụ phản ánh đầy đủ giá trị của nó, và bạn được đối đãi ân cần không đồng nghĩa với việc bạn phải chi thêm tiền boa.
Tại các trung tâm thương mại và siêu thị, các nhân viên không căn cứ vào khả năng kinh tế để phục vụ khách hàng. Dù bạn là người có tiền hay không, bạn cũng sẽ được họ phục vụ rất nhiệt tình.
5. Tôn trọng sự riêng tư của nhau nơi công cộng
Khi đi tàu điện hay xe buýt, bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh tĩnh lặng tuyệt đối bởi người Nhật tôn trọng quyền riêng tư của nhau nơi công cộng. Họ thường đọc sách, ngủ, nghe nhạc và hạn chế tối đa việc tạo ra tiếng ồn. Điện thoại luôn được đặt ở chế độ im lặng, nếu ai gọi đến họ sẽ nói rất nhanh chứ không buôn chuyện dài dòng. Họ làm vậy vì cho rằng tôn trọng người khác là cách hành xử văn minh.
6. Tạo lối đi riêng cho người khuyết tật hay khiếm thị
Khi xây dựng các công trình công cộng, người Nhật thường tạo ra những kí hiệu nổi nhằm chỉ dẫn cho người khiếm thị và giúp họ tự tin hơn khi bước đi. Họ khắc chữ nổi trên các tay vịn của lối đi để người khiếm thị có thể tự định hướng.
7. Hoa được cài trên rào chắn công trình xây dựng
Những bông hoa rực rỡ được gắn trên các rào chắn tại các công trường đang thi công. Điều này giống như một lời xin lỗi cho việc đã làm phiền người đi đường.
8. Văn hóa đúng giờ của người Nhật Bản
Khi sống ở Nhật Bản, điều quan trọng là bạn phải học cách đúng giờ. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng với người khác mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Do đó, các chuyến xe buýt, tàu điện ngầm hay xe điện đều chính xác đến từng giây. Khi đi tàu siêu tốc, bạn chỉ cần đến trễ giờ tàu chạy 1 phút thậm chí là 30 giây rất có thể bạn sẽ phải mua vé lượt sau. Ngoài ra, người Nhật luôn đúng giờ trong công việc hằng ngày như giờ đi làm, giờ họp hay giờ hẹn.
Bên cạnh đó, người Nhật có thói quen rất văn minh là giữ gìn sự sạch sẽ nơi công sở. Các trường học ở Nhật có chủ trương dọn dẹp phòng học và kí túc xá. Toàn thể mọi người từ giáo viên đến học sinh, thậm chí hiệu trưởng đều tham gia phong trào. Rác thải được nhặt sạch, bàn ghế, bảng, sàn nhà được lau chùi sạch sẽ. Do tham gia vào vệ sinh nên các học sinh đều có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung, đồng thời tự hào về ngôi trường của mình.
Tại các công sở của Nhật cũng vậy, không có suy nghĩ kiểu: Tình trạng bừa bộn, bẩn thỉu này đã có sẵn rồi, mình không phải dọn. Do đó, các nhân viên ở Nhật rất chịu khó nhặt rác hành lang hoặc sắp xếp lại bàn ghế lộn xộn. Tâm trạng làm việc được cải thiện rất nhiều.
9. Hành động của các em nhỏ khi qua đường
Khi một nhóm học sinh cùng nhau băng qua đường trong lúc đèn đỏ và một chiếc ô tô dừng lại trước vạch đi bộ. Khi sang bên kia đường, các em đều quay lại và cúi đầu chào để cảm ơn những chiếc ô tô đã nhường đường cho mình dù đây là việc họ phải làm vì theo luật giao thông.
10. Dù nghèo đói cũng không bao giờ ăn xin
Nhật Bản dù nổi tiếng là quốc gia có người dân cần cù, chịu khó nhưng cũng không thiếu những người vô gia cư, thiếu ăn từng bữa. Dù vậy, khi ở Nhật bạn sẽ chẳng bao giờ thấy cảnh người tàn tật ra đường ngửa tay xin tiền hay trẻ em ăn xin vì họ cảm thấy làm vậy sẽ mất đi lòng tự trọng hay nhân phẩm của mình và thà chết đói chứ không xin của bố thí.
Những người vô gia cư ở Nhật thường đã cao tuổi cũng có một số ít người không có nhà ở ở tuổi trung niên Nhưng tuyệt đối không có người trẻ tuổi, những người này trước đây thường là ông chủ nhỏ vì một biến cố nào đó, sa cơ lỡ vận nên mới phải lang thang như vậy. Tuy nhiên họ không bao giờ cầu xin sự giúp đỡ của người khác, thậm chí của chính quyền. Bởi lẽ chính phủ Nhật Bản có chính sách trợ cấp cho những người vô gia cư khá tốt nhưng họ lại từ chối nhận trợ cấp để giữ thể diện cho bản thân. Họ làm nhiều công việc để có thể kiếm bữa ăn hàng ngày, hoặc nếu họ không tìm được việc làm thì họ sẽ nhịn đói chứ nhất quyết không chịu xin ăn.