Thời đại TUNA và Giáo dục Khai phóng: Tư duy liên ngành trong kỷ nguyên số

Quang Vũ, Theo Phụ nữ số 08:00 16/05/2025
Chia sẻ

Trong kỷ nguyên TUNA, những gì hiệu quả hôm qua có thể không còn hiệu quả vào ngày mai. Vậy thầy cô sẽ dạy gì, dạy như thế nào? Từ góc nhìn Giáo dục Khai phóng, ThS. Võ Đình Văn - Giám đốc Trung tâm ONE UMT, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) chia sẻ một phần giải pháp.

Khái niệm TUNA được hình thành năm 2016 tại Oxford Scenarios Programme, một chương trình đào tạo giúp các nhà lãnh đạo "định vị" trong thế giới hiện tại, bao gồm các đặc điểm nhiễn loạn (Turbulence), bất ổn (Uncertainty), khó lường (Novel) và mơ hồ (Ambiguity). Khái niệm VUCA xuất hiện từ đầu những thập niên 90 nhằm mô tả về thế giới hậu Chiến tranh lạnh: Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ).

Thời đại TUNA và Giáo dục Khai phóng: Tư duy liên ngành trong kỷ nguyên số- Ảnh 1.

Chế tạo mô hình bay lượn với môn Khoa học trong đời sống, thuộc Bộ môn Khai phóng, thông qua việc mô phỏng các đặc tính của động - thực vật. Ảnh: UMT

Chào Thầy, những sự kiện như dịch bệnh, chiến tranh, trí tuệ nhân tạo, làn sóng sa thải... đang làm thay đổi bức tranh thế giới trong chớp mắt. Vậy việc học có ý nghĩa gì trong kỷ nguyên này?

Có là kỷ nguyên VUCA hay TUNA thì cuộc sống vẫn sẽ vận động, nhanh hoặc chậm, đặt mỗi người vào hoàn cảnh phải tự đặt câu hỏi về tính đúng đắn, phù hợp của tri thức đã biết.

Tuy nhiên, một công việc hiện nay có thể đòi hỏi kỹ năng và kiến thức của nhiều lĩnh vực. Vì vậy, tư duy liên ngành giúp giải quyết vấn đề tốt hơn. Nền móng cho tư duy liên ngành là óc tò mò, sáng tạo, kỹ năng kết nối ý tưởng và tự nghiên cứu. Đó là những giá trị cốt lõi của Giáo dục Khai phóng (Liberal Education) - một triết lý giáo dục vẫn thường bị hiểu lầm là "chương trình học cho giới tinh hoa" (elite curriculum). Tại UMT, tri thức không độc quyền. Các thầy cô nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục khai phóng kết hợp với nền tảng chuyên môn dành cho các sinh viên yêu tri thức, muốn phát triển bản thân, dưới sự hỗ trợ tài chính của những suất học bổng toàn phần, bán phần mỗi năm.

Được biết, sinh viên năm nhất tại UMT học các môn như Tỉnh thức và đời sống, Văn chương và cuộc sống hiện đại, Cảm thụ âm nhạc... Liệu sinh viên Công nghệ hay Logistics học âm nhạc để làm gì?

Chúng ta thường đặt nặng tính thực dụng của các loại tri thức. Học để làm gì, có lợi ích gì? Tuy nhiên, một mục tiêu quan trọng của học tập là "gieo trồng" năng lực tò mò, tự tìm tòi, khám phá, phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, để mỗi người tự tìm hiểu sâu sắc, đa chiều về từng vấn đề trong công việc, cuộc sống. Học âm nhạc giúp sinh viên tiếp xúc với mỹ học, vật lý âm thanh, chế tác nhạc cụ... Trong thời đại "cá hồi", những phẩm chất trên sẽ hỗ trợ đắc lực cho tư duy liên ngành, giải quyết vấn đề và tối ưu nguồn lực.

Thời đại TUNA và Giáo dục Khai phóng: Tư duy liên ngành trong kỷ nguyên số- Ảnh 2.

Thi kết thúc môn Giao tiếp liên văn hóa, thuộc bộ môn GDKP, 13 nhóm sinh viên trở thành hướng dẫn viên du lịch qua 13 quốc gia với những nét văn hóa độc đáo. Ảnh: UMT.

Khi AI xuất hiện, chưa rõ là công cụ hay đối thủ của người lao động, người trẻ cần làm gì để thích nghi và phát triển?

Đằng sau sự xuất hiện của AI là nhu cầu tối ưu hóa nguồn lực. Thị trường là như vậy. Liệu chúng ta sẽ tối ưu chính mình như thế nào? Cần học gì để phát triển bản thân? AI xuất hiện cũng đặt ra thử thách mới cho giáo dục. Chúng ta đã lồng ghép các môn học về chuyển đổi số, AI vào chương trình, nhưng đa phần là phương án tạm thời mà chưa giải quyết nỗi sợ lâu bền hơn: Dạy gì, dạy như thế nào? Cách kiểm tra, đánh giá, phản hồi sinh viên ra sao? Sinh viên được dạy sẽ trở thành người thế nào?

Nhìn ở góc độ rộng mở hơn, thay vì nghĩ AI thay thế con người, hãy tìm hiểu cách AI vận hành, hỗ trợ mỗi người tự học. AI dường như giúp chúng ta bớt phụ thuộc vào một chân lý, một người thầy cố định. Nhưng AI cũng cần được dùng theo cách tối ưu, phù hợp cho các mục tiêu khác nhau. Với tư duy khai phóng, sinh viên UMT đủ tự tin, thấu đáo để đánh giá toàn diện các thách thức và cơ hội.

Giáo dục Khai phóng nên được thiết kế ra sao để phù hợp với bối cảnh đại học hiện nay?

Tại UMT, không gian giáo dục khai phóng được xây dựng từ năm nhất. Đó không chỉ là môn học độc lập mà còn là cách tiếp cận giáo dục xuyên suốt trong văn hóa giảng dạy tại Trường. Giáo dục khai phóng giúp "gỡ trói" sinh viên khỏi giáo điều, khuôn mẫu, giúp các em tự theo đuổi chân lý, tư duy độc lập, rộng và mở, không dễ bị lũng đoạn hay thành kiến. Thay vì thuyết giảng (lecture), thầy cô đồng hành với sinh viên học thông qua dự án (project-based learning) để trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, học tập liên ngành để có góc nhìn toàn diện, kết nối với các dự án xã hội để phát triển tinh thần phục vụ cộng đồng.

Cảm ơn Thầy Võ Đình Văn đã chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày