6 tuổi đã định hình não bộ của trẻ, nhưng 4 thói quen sau có thể âm thầm hủy hoại tất cả

Dương, Theo Đời sống & Pháp luật 07:41 16/05/2025
Chia sẻ

Có 4 thói quen xấu gây tổn hại nghiêm trọng đến não bộ của trẻ, dù có khó đến mấy, cha mẹ cũng nên giúp con loại bỏ.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng kỹ thuật chụp ảnh não để vẽ ra biểu đồ phát triển não bộ của trẻ em từ 1 đến 6 tuổi.

Kết quả cho thấy: Đến năm 6 tuổi, các cấu trúc như độ dày vỏ não và thể tích chất trắng đã gần đạt đến mức của người trưởng thành. Những vùng quan trọng của não như vỏ não trán (chịu trách nhiệm điều hành hành vi), hồi đai (liên quan đến điều tiết cảm xúc) và hồi hải mã (gắn liền với trí nhớ) đều có sự phát triển rõ rệt trong giai đoạn này.

Điều đó chứng tỏ, đây là thời kỳ cốt lõi cho sự phát triển về nhận thức, trí tuệ, cảm xúc và khả năng giao tiếp xã hội. Não bộ trẻ nhỏ phát triển nhanh chóng thông qua việc hình thành và chọn lọc các khớp thần kinh (synapse), từ đó tạo nên hệ thống thần kinh hiệu quả.

Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển não bộ của con trong giai đoạn này, đồng thời đưa ra những định hướng tích cực kịp thời.

Tuy nhiên, có 4 thói quen xấu gây tổn hại nghiêm trọng đến não bộ của trẻ, dù có khó đến mấy, cha mẹ cũng nên giúp con loại bỏ.

1. Thiếu vận động

Trong thời đại "cuộc đua khốc liệt" hiện nay, vận động dường như trở thành một điều xa xỉ, không chỉ với người lớn mà cả với trẻ em.

Trước đây, tuổi thơ của chúg ta gắn liền với những hoạt động thể chất phong phú. Còn hiện nay, nhiều trẻ sống như những chú chim cảnh được “nuôi nhốt”: ăn uống đầy đủ, sống trong điều kiện lý tưởng, nhưng lại thiếu sự vận động cần thiết và ngày càng mất hứng thú với việc hoạt động thể chất.

Từ góc nhìn khoa học thần kinh, điều này rất bất lợi cho sự phát triển não bộ. Vận động giúp kích thích cơ thể tiết ra dopamine, serotonin và adrenaline - những chất quan trọng điều chỉnh cảm xúc, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.

6 tuổi đã định hình não bộ của trẻ, nhưng 4 thói quen sau có thể âm thầm hủy hoại tất cả- Ảnh 1.

Vận động giúp kích thích cơ thể tiết ra dopamine, serotonin và adrenaline - những chất quan trọng điều chỉnh cảm xúc, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung (Ảnh minh hoạ).

Một nghiên cứu tại một trường trung học ở Chicago (Mỹ) cho thấy: Sau khi vận động ở mức độ vừa phải, khả năng đọc hiểu của học sinh được cải thiện khoảng 10%. Hình ảnh não cho thấy hồi hải mã và vùng vỏ trán hoạt động mạnh hơn - đây là hai vùng then chốt trong việc điều khiển hành vi và ghi nhớ.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng: Thiếu vận động làm giảm lưu lượng máu lên não, kéo theo lượng oxy và dinh dưỡng tới não cũng suy giảm, ảnh hưởng đến sự kết nối giữa các tế bào thần kinh, từ đó cản trở quá trình phát triển của não.

Vì vậy, cha mẹ cần giám sát và tạo điều kiện để con duy trì thói quen vận động, đồng thời chính mình cũng nên làm gương để trẻ cảm nhận được niềm vui khi vận động.

2. Lười biếng, ngại tư duy

Bộ não con người có một quy luật nổi tiếng là "Use it or lose it" - dùng thì còn, không dùng thì mất. Trẻ em không thường xuyên tư duy sẽ dần trở nên phản ứng chậm chạp hơn so với những đứa trẻ thường xuyên rèn luyện trí não.

Nguyên nhân là khi não không được hoạt động, các chức năng của vùng vỏ trán sẽ suy yếu, các kết nối thần kinh không sử dụng đến sẽ bị loại bỏ.

Nhà khoa học thần kinh nổi tiếng của Trung Quốc – bà Hồng Lan – từng chỉ ra rằng: những đứa trẻ không có thói quen suy nghĩ độc lập thường có sự phát triển vỏ não trán chậm, kéo theo năng lực lập kế hoạch và điều tiết cảm xúc bị ảnh hưởng.

Ví dụ, những trẻ chỉ chăm chú học thuộc lòng mà không chịu tư duy chủ động sẽ có mật độ khớp thần kinh ở vỏ trán giảm rõ rệt, điều này trực tiếp dẫn đến khả năng học tập bị sa sút.

Cha mẹ nên định hướng cho con cách học đúng đắn, khuyến khích các phương pháp như: ghi nhớ theo bối cảnh, sử dụng sơ đồ tư duy… Những phương pháp tư duy đa chiều và phân tán này giúp tăng mật độ khớp thần kinh và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của não bộ.

3. Nghiện điện thoại

Internet mang lại sự tiện lợi và hiệu quả chưa từng có, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự phụ thuộc tinh thần nguy hiểm, điển hình là hiện tượng “hiệu ứng hạt dưa” (Melon seed effect).

Khái niệm này trong tâm lý học chỉ sự kích thích khoái cảm tức thì và có chi phí thấp, khiến con người lặp lại hành vi một cách vô thức mà không thể dừng lại, như việc ăn hạt dưa liên tục mà không để ý.

Các ứng dụng video ngắn và trò chơi trên điện thoại chính là những công cụ được thiết kế để tạo ra hiệu ứng này. Ngay cả người lớn còn khó kiểm soát, huống chi là trẻ nhỏ.

Tần suất kích thích cao của những nội dung này, kết hợp với cơ chế phần thưởng nhanh, đã thay đổi một phần cấu trúc và tính dẻo của não bộ.

Nhà thần kinh học Thụy Điển Anders Hansen trong cuốn Bộ não điện thoại từng chỉ ra: Những đoạn video ngắn có thể kích thích não tiết ra lượng dopamine gấp 2–5 lần so với các phần thưởng tự nhiên.

Trẻ em nghiện video ngắn lâu dài sẽ bị suy giảm mật độ khớp thần kinh ở vỏ não trán tới 15%, khả năng tư duy và ghi nhớ thấp hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa – và điều đáng lo hơn là tổn thương này có thể không thể phục hồi.

6 tuổi đã định hình não bộ của trẻ, nhưng 4 thói quen sau có thể âm thầm hủy hoại tất cả- Ảnh 2.

Trẻ em nghiện điện thoại có thể gặp ảnh hưởng đến tâm lý (Ảnh minh hoạ).

4. Áp lực tâm lý kéo dài

Trẻ nhỏ không hề thua kém người lớn trong việc cảm nhận cảm xúc. Khi bị đặt trong môi trường áp lực kéo dài, các em dễ phát sinh vấn đề tâm lý.

Một nghiên cứu sinh lý thần kinh tại Mỹ cho thấy: Trẻ sống trong môi trường căng thẳng có thể bị teo vùng hạch hạnh nhân (amygdala) và hồi hải mã - hai khu vực then chốt kiểm soát cảm xúc và trí nhớ.

Những tổn thương này khiến trẻ dễ suy giảm trí nhớ, mất khả năng điều tiết cảm xúc, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não.

Hơn nữa, áp lực kéo dài còn khiến mức cortisol trong não tăng cao, ức chế sự phát triển của tế bào thần kinh và đẩy nhanh tốc độ chết tế bào ở hồi hải mã, từ đó không chỉ cản trở phát triển não mà còn làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu.

Vì vậy, khi nhận thấy con có dấu hiệu bất thường về cảm xúc, cha mẹ nên quan tâm đúng cách, kịp thời hỗ trợ tinh thần và tự soi lại chính môi trường gia đình – như việc vợ chồng cãi vã thường xuyên hay sử dụng phương pháp giáo dục hà khắc.

Theo Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày