Nhiều đồ chơi ngoại lai không rõ nguồn gốc xuất hiện tại chợ đồ chơi trẻ em
Đa dạng mẫu mã
Tâm lý chung của trẻ em là thích đồ chơi. Đặc biệt, sắp đến Tết Trung thu, đồ chơi có mặt khắp các đường phố. Thậm chí, các chợ vùng quê cũng bày bán nhiều loại đồ chơi với sắc màu và kiểu loại rất hấp dẫn.
Dãy nhà tập thể đối diện cổng số 2, Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy khá sầm uất bởi các quán đồ chơi, kéo dài hàng trăm mét. Chủ nào kinh doanh vốn lớn thì thuê cả nhà để mở shop, còn vốn ít hơn, họ thuê mặt bằng vài mét vuông làm kế sinh nhai.
Tại Thủ đô Hà Nội, bán tập trung đồ chơi Trung thu nhiều nhất phải kể đến phố Lương Văn Can, Hàng Mã. Dọc hai bên phố, người qua lại lóa mắt bởi màu sắc của các loại đồ chơi như đầu sư tử, đèn kéo quân chạy pin hoặc cắm điện, cá chép trông trăng, búp bê, súng, kiếm phát sáng…
Chủ cửa hàng Thắng Thủy trên phố Hàng Mã cho hay: Quanh quẩn năm nào cũng như năm nào, đồ chơi Trung thu của trẻ em, vẫn chủ yếu là các loại mặt nạ, đèn lồng, vương miện, cây phát sáng, các bộ siêu nhân... Những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống ế ẩm, các cửa hàng chủ yếu bán hàng nhập từ Trung Quốc.
Thực tế, đồ chơi nhập từ Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, nhiều màu sắc, đặc biệt là phát ra âm thanh, ánh sáng rất sống động, nên trẻ con rất thích. Giá bán cũng rẻ nên bán chạy. Đầu sư tử của Trung Quốc khi được lắp pin, sẽ phát ra âm thanh, đồng thời hai mắt cũng phát sáng, có đuôi vải dài gần 1m, giá 200.000 đồng - 250.000 đồng/1 chiếc, tùy thuộc loại to hay nhỏ. Đèn kéo quân của nội có giá vài chục nghìn, nhưng hàng Trung Quốc loại lắp pin giá bán 220.000 đồng/1 chiếc, loại dùng điện là 320.000 đồng - 350.000 đồng/chiếc, tùy thuộc loại to hay nhỏ.
Biết chọn mua đồ chơi cho con
Chủ cửa hàng nào cũng giới thiệu với khách hàng nào là hàng Nhật, hàng Thái hàng Trung Quốc cao cấp. Song, khi đọc kỹ nhãn mác, hầu hết các món đồ chơi là hàng do Trung Quốc sản xuất. Đây là những loại đồ chơi dễ mua, dễ sử dụng, rất hợp với thị hiếu của trẻ em, đáp ứng tâm lý ham rẻ của phụ huynh.
Trước thực trạng, nhiều trẻ em bị thương tích và ngộ độc từ đồ chơi. Tiến sĩ Trần Đức Hữu, giảng viên Học viện Y học cổ truyền Việt Nam cho biết: Trên các phương tiện truyền thông lâu nay cảnh báo người dân không nên cho con dùng dép gắn chíp, phát sáng, hay đồ chơi phát sáng. Những âm thanh, ánh sáng này sẽ ảnh hưởng xấu tới thị giác và thính giác của trẻ. Nhất là ánh sáng thay đổi liên tục, không kiểm soát được mức độ. Đồ chơi thường được sản xuất từ nhựa tái sinh, sử dụng chất làm bóng, sử dụng lâu ngày sẽ trở thành những ổ vi khuẩn. Trẻ nhỏ hay đưa vào mồm gặm, không tốt cho sức khỏe.
Thử nghiệm viên Nguyễn Yên của Trung tâm Chứng nhận phù hợp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng chỉ ra rằng: Để giá bán ra rẻ nhất, đáp ứng số đông, người ta thường sử dụng phẩm màu công nghiệp, hạt nhựa, phụ gia, kim loại nặng. Những chất này độc hại đối với cơ thể trẻ em khi tiếp xúc. Những khẩu súng bắn đạn nhựa cũng có thể dễ dàng gây thương tật. Vì thế, bố mẹ phải là nhà thông thái, biết chọn và hướng con cái mua và chơi đồ chơi không độc hại.