Nhiều chuyên gia kỳ vọng đổi mới việc thi trên máy tính nhiều lần là phương án có lợi cho thí sinh. Ảnh: Như Ý
Thay vì 1 đợt thi trên giấy như hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức thi nhiều đợt trên máy tính ở các trung tâm khảo thí độc lập. Thí sinh sẽ được lấy kết quả đợt thi cao nhất để xét công nhận tốt nghiệp THPT và các trường ĐH, học viện, CĐ dùng kết quả này để tuyển sinh nếu có nhu cầu.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, ủng hộ phương thức thi mới nhưng đặt câu hỏi: Điều quan trọng Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện việc này vào thời điểm nào là phù hợp? TS Tùng cho rằng, trước khi thực hiện, cần phải thí điểm từ chạy thử phần mềm, kiểm tra tính bảo mật…
Theo ông Tùng, để thúc đẩy nhanh việc tổ chức kỳ thi nhưng cũng lường trước được tất cả các tình huống, trước mắt Bộ GD&ĐT cần có một nhóm chuyên gia làm đề án liệt kê các vấn đề và đưa ra giải pháp. Còn hiện tại, mới chỉ thống nhất là sẽ thi trên máy tính khi đủ điều kiện.
Để chuẩn bị điều kiện thi trên máy tính, trước mắt là làm thế nào để thúc đẩy việc thành lập một số trung tâm khảo thí độc lập. Ít nhất, 3 miền Bắc, Trung, Nam thì mỗi miền sẽ thành lập một trung tâm để so sánh, đối chứng chất lượng lẫn nhau. Các trung tâm này sẽ làm ngân hàng câu hỏi, đề thi, chuẩn bị hệ thống máy tính… Bộ GD&ĐT chỉ giám sát trung tâm đó làm thế nào cho tốt.
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên Sư phạm, ủng hộ việc đổi mới thi cử vì đó là quy luật tất yếu, nhất là khi phương thức thực hiện lâu nay đã bộc lộ nhiều khuyết điểm.
Thầy Công cho rằng, nhiều người băn khoăn, học sinh nhà nghèo, vùng sâu vùng xa không có máy tính để làm quen trước khi thi. Nhưng theo ông, đây không phải vấn đề lo lắng vì hệ thống giáo dục phổ thông có môn tin học và học sinh đều được dạy kỹ năng sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, không có lý do gì mà các em không sử dụng được máy tính. Ngoài ra, khi thi trên máy tính, kết thúc bài thi, thí sinh biết ngay điểm thi, sẽ hạn chế được tiêu cực trong khâu chấm thi.
Làm gì để hạn chế tiêu cực?
TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục, khẳng định, phương án thi trên máy tính rất khả thi. Học sinh ở tất cả các vùng miền đều đã được phổ cập tin học, do đó, khi thi trên máy cũng sẽ không gặp khó khăn. Ông cũng cho rằng, tính nhân văn của đổi mới thi cử lần này là kết quả thi đánh giá năng lực học sinh đã đạt trình độ nhất định nào đó hay chưa nên học sinh sẽ phải học nghiêm túc để tham gia.
Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là chất lượng câu hỏi thế nào. Theo TS Lâm, hiện chưa có hội đồng đánh giá bộ câu hỏi trắc nghiệm, vì vậy, câu hỏi có đảm bảo rèn tư duy, năng lực học sinh thật không hay lại yêu cầu học sinh học thuộc sách giáo khoa sẽ không hiệu quả trong dạy học bởi lẽ đổi mới kỳ thi những năm sau 2020 gắn liền với đổi mới dạy học.
TS Lâm thừa nhận: “Khi giao việc tổ chức kỳ thi cho các trung tâm khảo thí độc lập thì việc tổ chức nghiêm túc đến đâu cũng do con người thực hiện. Không có phương án tối ưu để đảm bảo yếu tố minh bạch nhưng nếu không làm nghiêm túc, để xảy ra tiêu cực, trung tâm sẽ bị đánh sập, người ta không tin tưởng”.
Theo TS Lê Trường Tùng, giải pháp thi trên máy tính cũng không khẳng định được sẽ hạn chế tiêu cực vì mỗi phương án đưa ra sẽ có người nghĩ cách “lách luật”, tìm kẽ hở trong đó. Do đó, điều quan trọng là phải có giải pháp xử phạt nặng để răn đe.
Ngoài ra, khi thực hiện đổi mới này, học sinh học xong lớp 12 sẽ được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Chỉ những học sinh có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THP sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia thay vì tất cả học sinh tham dự 1 kỳ thi như hiện nay.
TS Tùng phân tích, về nguyên tắc, sau 12 năm học phổ thông, học sinh hoàn thành các môn học có nghĩa là đủ điều kiện tốt nghiệp. Vì vậy, việc cấp giấy hoàn thành chương trình THPT với bằng tốt nghiệp phổ thông là rối rắm. Nếu học sinh nào không đăng ký thi tốt nghiệp, chỉ được cấp giấy hoàn thành chương trình học THPT tức là học xong chương trình nhưng chưa tốt nghiệp.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bước tiến trong phân luồng, định hướng nghề nghiệp. Những học sinh không có nhu cầu học lên ĐH, CĐ sẽ không nhất thiết phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia mà vẫn đủ điều kiện để đi học nghề.