Rối bời
Một trong những băn khoăn của phụ huynh là nộp lệ phí đăng kí xét tuyển theo kênh của Bộ GD&ĐT hay kênh của trường. Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, một số trường thu lệ phí để kiểm tra, xác nhận tính hợp lệ của các chứng chỉ phục vụ phương thức xét tuyển riêng (xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với điểm thi tốt nghiệp, xét kết hợp chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT) với điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT…). Hoạt động này độc lập với hoạt động lọc ảo trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Ghi nhận cho thấy, nhiều trường ĐH thu lệ phí xét tuyển các phương thức riêng. Như vậy, thí sinh muốn được xét tuyển vào trường, phải nộp 2 lần lệ phí. Một lần cho trường và một lần trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT từng lí giải việc này, lệ phí được tính cho từng hoạt động xét tuyển riêng lẻ.
Năm nay, tuyển sinh ĐH có nhiều điều chỉnh. Việc bỏ xét tuyển sớm nhưng các trường vẫn mở cổng đăng kí sớm khiến phụ huynh, thí sinh băn khoăn. Một giáo viên của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ băn khoăn của học sinh: Cách đặt nguyện vọng theo thứ tự ở trường và ở hệ thống của Bộ có buộc phải trùng nhau? Thí sinh có được đăng kí thêm/bớt nguyện vọng (so với đã đăng kí với trường trước đó) trên hệ thống của Bộ không? Thí sinh có được xét tuyển thẳng vào một trường ĐH (do quyết định của trường), có bắt buộc phải đăng kí nguyện vọng xét tuyển thẳng đó là nguyện vọng 1 hay có thể đặt sau một số nguyện vọng khác mà thí sinh yêu thích hơn nhưng không được tuyển thẳng?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, thí sinh bắt buộc phải đăng kí trên hệ thống của Bộ và là quyết định cuối cùng của thí sinh trong mùa xét tuyển năm nay. Trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng so với thứ tự khi đăng kí ở trường, có thể thêm, bớt số nguyện vọng. Trường hợp thí sinh được xét tuyển thẳng (do quyết định của một trường), nhưng thí sinh muốn ưu tiên các nguyện vọng khác, có thể xếp trước nguyện vọng được tuyển thẳng. Trường hợp không đỗ các nguyện vọng yêu thích, thí sinh vẫn trúng tuyển bằng nguyện vọng tuyển thẳng.
Chị Nguyễn Phương Thanh (Ninh Bình) cho biết, con đang băn khoăn không biết nên lựa chọn ngành yêu thích hay trường yêu thích. Chị Thanh chia sẻ, con rất thích học ngành công nghệ thông tin và rất yêu ĐH Bách khoa Hà Nội vì có anh đang theo học. Nhưng điểm thi của con không đủ để vào ngành học này. TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng, ngành học sẽ đi theo thí sinh suốt quãng thời gian còn lại của cuộc đời. Bà khuyên thí sinh và gia đình nên định hướng chọn ngành học yêu thích trước. Bởi chỉ có yêu thích mới giúp thí sinh vượt qua các rào cản sau này.
Còn cơ hội xét chứng chỉ ngoại ngữ
Một số phụ huynh, thí sinh cũng thắc mắc hệ thống của Bộ hiện đang còn thời hạn, cho phép thí sinh đưa chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ liên quan lên hệ thống. Nhưng các trường thí sinh đăng kí nguyện vọng lại từ chối cho thí sinh nộp bổ sung chứng chỉ. Chẳng hạn, đối với ĐH Kinh tế Quốc dân, thí sinh muốn đăng kí xét tuyển kết hợp đều phải nộp trên hệ thống của trường từ 11/6-11/7. TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, sau thời gian trên, nếu thí sinh không nộp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ không xét tuyển vào trường.
Sắp hết hạn đăng kí nguyện vọng, thí sinh vẫn bối rối, băn khoăn. Ảnh: NHƯ Ý
Các chuyên gia cho biết, trước khi đăng kí lên hệ thống của Bộ, thí sinh cần quan tâm tới thời hạn đăng kí và cập nhật minh chứng liên quan do trường quy định. Có những trường khi qua thời hạn này sẽ từ chối nhận bổ sung. Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiên cứu đo lường và đánh giá, Viện đào tạo số (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, có trường thành viên của ĐH này vừa tiếp tục mở cho thí sinh nộp chứng chỉ bổ sung cho các trường hợp xét tuyển kết hợp. PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, thí sinh có thể đăng kí chứng chỉ ngoại ngữ lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT cùng với thời gian đăng kí nguyện vọng nếu chưa kịp đăng kí về trường. Nhà trường chấp nhận xét tuyển cả hai tình huống để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
ĐH Bách khoa Hà Nội lưu ý thí sinh hạn đăng kí quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ ngày 25/7. Thí sinh có thể đăng kí đồng thời trên hệ thống tuyển sinh của trường và của Bộ GD&ĐT. Với chứng chỉ ngoại ngữ, khi xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội thí sinh được cộng điểm thưởng ở phương thức xét tuyển tài năng tối đa 7/100 điểm; được cộng điểm thưởng khi xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy (tối đa là 7/100 điểm); quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ tương ứng khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc tương đương mới có thể đăng kí vào các chương trình tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; miễn bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào (đối với các chương trình chuẩn), nếu trúng tuyển; miễn các học phần ngoại ngữ (tùy cấp độ của chứng chỉ); xét các loại học bổng dành cho sinh viên.
GS. Nguyễn Tiến Thảo lưu ý, hệ thống của Bộ chỉ cho phép thí sinh đưa lên hệ thống các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, còn các loại chứng chỉ khác (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) thí sinh nộp cho trường trên hệ thống tuyển sinh của trường vào thời hạn trường quy định.
Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, Bộ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đào tạo tải kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (nếu có), thi năng khiếu lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ, cùng điểm xét tốt nghiệp. Thí sinh chỉ đăng kí ngành, trường ĐH, hệ thống sẽ lựa chọn phương thức, tổ hợp tối ưu nhất để lọc ảo cho thí sinh.