Việc nuôi dạy con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Dù tốn bao nhiêu tiền của, họ cũng sẵn lòng đầu tư để con có một nền tảng vững chắc từ sớm.
Thế nhưng, trong bối cảnh sinh viên tốt nghiệp ngày càng nhiều, thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh khốc liệt, không ít bạn trẻ ra trường mấy tháng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Nhiều người chọn cách ôn thi cao học để kéo dài thời gian, dù ai cũng biết rằng tỉ lệ cạnh tranh vào cao học giờ đây không hề dễ dàng.
Điều đáng nói là có những bạn trẻ không hẳn vì mục tiêu học tập mà quyết định "thi lại lần 2, lần 3", chỉ đơn giản là để... khỏi phải đi làm. Và từ đây, một kiểu "ăn bám cha mẹ" mới, tinh vi hơn, khó nhận biết hơn đang dần trở thành hiện tượng.
Khi con cái còn là trẻ nhỏ, việc cha mẹ chu cấp là điều đương nhiên. Nhưng khi đã tốt nghiệp đại học, đã trưởng thành thì bản thân mỗi người cần học cách tự chịu trách nhiệm tài chính cho mình.
Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều bạn sau tốt nghiệp vẫn không chịu đi làm, chỉ ở nhà ăn bám cha mẹ. Đáng chú ý là không ít bạn trẻ lại lựa chọn cách "ăn bám biến tướng" này một cách không công khai, không ồn ào, thay vào đó, họ che đậy bằng những cái cớ tưởng như rất hợp lý, khiến cha mẹ không mảy may nghi ngờ, thậm chí còn tự hào khoe con đang "học tiếp", đang "phấn đấu".
Ảnh minh họa
Một ví dụ điển hình là trường hợp của một sinh viên tên L.. L. đã tốt nghiệp đại học năm ngoái và thi lên cao học nhưng trượt. Vì học đại học ở một trường không quá nổi bật, lại chọn ngành không phù hợp với thị trường lao động nên L. quyết định ôn thi lại để có thêm cơ hội. Lần đầu ôn thi, nữ sinh học hành khá nghiêm túc, thâu đêm suốt sáng nhưng vẫn không đỗ.
Sau đó, L. bàn với gia đình tiếp tục "thi lại lần hai". Nhưng lần này, tinh thần học tập của L. đã giảm rõ rệt, cô đi chơi nhiều hơn, ôn thi hời hợt, không có động lực. Dù vậy, cha mẹ của L. vẫn nghĩ con rất cố gắng, còn động viên con nếu thi lần ba thì vẫn được tiếp tục hỗ trợ.
Thực tế, không ít sinh viên đang "đóng kịch" trước mặt bố mẹ như L., họ lấy việc ôn thi để che giấu sự lười biếng hoặc nỗi sợ ra đời đi làm. Lúc nào cũng có lý do: "Thi tiếp lần nữa", "Ngành này cần bằng thạc sĩ mới xin được việc", "Bây giờ ai cũng thất nghiệp"… Những lời đó khiến cha mẹ tin rằng con mình vẫn đang trên hành trình cố gắng.
Thậm chí, có bạn còn dùng đạo đức để "trói buộc" cha mẹ, cho rằng khi mình chưa có việc làm thì cha mẹ phải tiếp tục nuôi dưỡng là điều đương nhiên. Vậy nên, việc ở nhà "nằm dài", tiêu tiền bố mẹ lại trở thành điều hiển nhiên, không hề thấy áy náy.
Nhưng nếu đã là người trưởng thành, đã tốt nghiệp đại học thì có một điều quan trọng là phải hiểu rõ cha mẹ không còn nghĩa vụ phải gồng gánh bạn mãi mãi. Ở nhiều nước phát triển, sinh viên sau 18 tuổi đã phải tự đi làm thêm để chi trả học phí, sinh hoạt phí. Không ai được phép coi việc ăn bám cha mẹ là quyền lợi.
Ảnh minh họa
Việc học hành là để tự lập, để tạo dựng giá trị của bản thân. Dù môi trường việc làm có khó khăn, vẫn cần nỗ lực tìm kiếm và nắm bắt cơ hội trong khả năng có thể. Chỉ khi đó, công sức học hành và sự kỳ vọng của cha mẹ mới không trở nên vô nghĩa.
Dù là "nằm im chờ sung rụng" hay "ăn bám kiểu mới", cả hai đều là biểu hiện không lành mạnh trong tâm thế người trẻ. Sinh viên cần học cách độc lập trong suy nghĩ và hành động. Và chính các bậc phụ huynh cũng nên học cách buông tay đúng lúc bởi đôi khi, sự nghiêm khắc lại là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm để giúp con trưởng thành.
Theo Aboluowang