Một thay đổi QUAN TRỌNG khiến học sinh chuyên TOÀN QUỐC phấn khởi: Như "hổ mọc thêm cánh"

Hiểu Đan, Theo Đời sống & Pháp luật 01:06 22/07/2025
Chia sẻ

Đây là bước tiến quan trọng để khẳng định vai trò, vị thế của trường chuyên trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, học sinh các trường THPT chuyên trên toàn quốc sẽ có một chương trình giảng dạy riêng được chuẩn hoá thống nhất, thay vì tự xây dựng và triển khai như trước. Đây là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Thông tư Chương trình giáo dục nâng cao môn chuyên trong trường chuyên vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Theo dự thảo này, chương trình nâng cao sẽ được áp dụng cho 15 môn học: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Địa lý, Lịch sử, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật và Tiếng Trung. 

Nội dung các môn được xây dựng theo nguyên tắc nâng cao từ chương trình hiện hành, tiếp cận với các nội dung mà quốc gia và quốc tế đang quan tâm, phục vụ mục tiêu đào tạo mũi nhọn, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, cũng như chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế.

Một thay đổi QUAN TRỌNG khiến học sinh chuyên TOÀN QUỐC phấn khởi: Như "hổ mọc thêm cánh"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đào sâu kiến thức, tăng cường kỹ năng

Chương trình nâng cao sẽ không chỉ dừng lại ở việc bổ sung kiến thức học thuật, mà còn giúp học sinh chuyên phát triển năng lực tư duy logic, khả năng phản biện, năng lực nghiên cứu và trình bày học thuật, đồng thời định hướng rõ hơn cho nghề nghiệp tương lai.

Chẳng hạn, ở môn Ngữ văn, học sinh được học tới 21 chuyên đề sâu trong 3 năm THPT, với nhiều nội dung vượt ra ngoài chương trình đại trà. Một trong những phần học đáng chú ý là chuyên đề về văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới sau 1986 - nội dung vốn không xuất hiện trong chương trình phổ thông thông thường.

Ở môn Lịch sử, học sinh chuyên sử sẽ được tiếp cận với 9 chuyên đề đặc biệt và có tính thực tiễn cao, bao gồm các chủ đề đang rất được quan tâm như: vấn đề Biển Đông, quan hệ Việt Nam – ASEAN, đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh…

Không chỉ có nội dung sâu sắc, chương trình còn quy định thời lượng học cụ thể cho từng môn chuyên. Theo đó, các môn như Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ sẽ có 70 tiết/năm học; các môn còn lại như Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học sẽ học 52 tiết/năm học. Mỗi chuyên đề sâu kéo dài khoảng 18-20 tiết, đảm bảo đủ thời gian để đi vào chiều sâu, không học kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".

Đáng chú ý, đối với các môn thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường thực hành, thí nghiệm và tích hợp công nghệ thông tin, định hướng khai thác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập.

Ngoài ra, chương trình cũng sẽ có phần nội dung bắt buộc và phần lựa chọn bắt buộc, với tỷ lệ khoảng 20% thời lượng toàn chương trình, cho phép các trường và học sinh có sự linh hoạt, cá nhân hóa việc học, đồng thời vẫn đảm bảo chuẩn chung.

Từ lâu, trường chuyên được xem là nơi phát hiện, nuôi dưỡng tài năng và định hướng phát triển nhân lực chất lượng cao cho quốc gia. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại nhiều năm qua là việc xây dựng chương trình môn chuyên chưa có sự thống nhất trên toàn quốc. Các trường chủ yếu tự biên soạn tài liệu, dẫn đến chất lượng không đồng đều, thiếu tính định hướng chiến lược và khó kiểm soát chất lượng đầu ra.

Lý giải về sự ra đời của chương trình này, Bộ GD&ĐT cho biết Luật Giáo dục năm 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều xác định giáo dục chuyên là một bộ phận quan trọng của hệ thống giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể chương trình nâng cao dành riêng cho học sinh chuyên.

Việc ban hành một chương trình chuẩn hoá sẽ giúp đảm bảo tính đồng bộ, công bằng trong tổ chức dạy học giữa các địa phương và nhà trường, đồng thời tạo nền tảng để phát triển giáo dục mũi nhọn một cách bài bản, bền vững.

Bệ phóng cho học sinh tài năng

Không chỉ là một văn bản hành chính, chương trình nâng cao còn được kỳ vọng tạo động lực học tập mới cho học sinh chuyên trên cả nước. Với lộ trình học tập rõ ràng, kiến thức được mở rộng và chuyên sâu theo hướng hiện đại, cập nhật, học sinh sẽ có cơ hội khám phá sâu hơn lĩnh vực mình yêu thích, xác định sớm ngành nghề tương lai và chuẩn bị sẵn sàng cho các kỳ thi học thuật đỉnh cao.

Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như nghiên cứu, thuyết trình, học tập tự chủ, và cả kỹ năng khai thác công nghệ sẽ được rèn luyện ngay từ cấp THPT. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và nhiều thay đổi trong thị trường lao động.

Trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đang trong quá trình hoàn thiện và thực thi, việc có một chương trình nâng cao dành riêng cho trường chuyên được ví như "hổ mọc thêm cánh". Không chỉ học sâu, học sinh chuyên giờ đây còn được học đúng và học đủ, có một khung chương trình bài bản, định hướng lâu dài, thống nhất trên toàn quốc.

Đây là bước tiến quan trọng để khẳng định vai trò, vị thế của trường chuyên trong hệ thống giáo dục Việt Nam, không chỉ là nơi tập hợp học sinh giỏi, mà còn là cái nôi đào tạo nhân tài thực sự.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày