Một nhóm nhà khoa học Trường ĐH Yale (Mỹ) gần đây thông báo họ có thể giữ bộ não heo sống được suốt 36 giờ sau khi tách rời khỏi cơ thể - một thành tựu được cho là có thể làm thay đổi nhận thức về cái chết.
Phản ứng trái chiều
Công trình nghiên cứu trên vừa được trình bày tại một hội nghị ở Viện Y tế quốc gia, bang Maryland - Mỹ. Tại đây, nhà khoa học thần kinh Nenad Sestan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết đã thực nghiệm trên 100-200 bộ óc heo lấy từ lò mổ và khôi phục hoạt động tuần hoàn của chúng bằng cách bơm một dung dịch giàu ôxy đi qua các cơ quan trong não.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một hệ thống máy bơm, máy sưởi, túi máu nhân tạo được làm ấm ở nhiệt độ cơ thể, gọi là BrainEx. Nhờ hệ thống này, máu nhân tạo có thể mang ôxy đến thân não, động mạch tiểu não và những khu vực nằm sâu trong trung tâm não.
Dù không có bằng chứng nào cho thấy những bộ não heo nêu trên có khả năng nhận thức trở lại, các nhà nghiên cứu cho biết hàng tỉ tế bào trong đó vẫn khỏe mạnh và có thể hoạt động bình thường - một kết quả khiến họ không khỏi bất ngờ và thấy khó tin. Công trình này được cho là có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách hoạt động của bộ não và hỗ trợ nghiên cứu những phương cách điều trị thử nghiệm nhiều căn bệnh. Chưa hết, nghiên cứu còn có thể làm thay đổi cách chúng ta nhận thức về cái chết, ý thức và những điều khác liên quan đến tư duy. Ông Sestan cho rằng kỹ thuật này nhiều khả năng được áp dụng với bất kỳ loài nào, kể cả động vật linh trưởng. Dù vậy, trước khi áp dụng nó, cần phải xem xét vấn đề đạo đức - điều mà nhóm nghiên cứu vẫn quan ngại.
Phát hiện trên - được tạp chí Technology Review của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) công bố - đã nhận được phản ứng trái chiều trong cộng đồng khoa học. Nhà khoa học thần kinh Anna Devor tại Trường ĐH California (San Diego - Mỹ) cho rằng kỳ công này có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sự kết nối giữa các tế bào não, cho phép họ xây dựng một "bản đồ não".
Bà Frances Edwards, chuyên gia về thần kinh ở Anh, cũng nhận định với tờ Guardian rằng công trình trên có thể hữu dụng đối với giới nghiên cứu. Tuy nhiên, bà cho rằng nó ít khả năng được tái dựng ở con người, đồng thời bác bỏ suy nghĩ cấy ghép cơ thể là chuyện có thể thực hiện được. "Tất cả chỉ là chuyện thần tiên" - bà Edwards kết luận.
Nhà khoa học thần kinh Nenad Sestan và công trình nghiên cứu duy trì sự sống cho bộ óc heo bên ngoài cơ thể Ảnh: STD
Chỉ là chuyện thần tiên
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh kết quả cuộc nghiên cứu không có nghĩa là con người chẳng bao lâu nữa có thể đánh lừa được tử thần khi lưu ý rằng hiện chưa thể cấy ghép não vào một cơ thể mới.
Ông Steve Hyman, nhà khoa học tại MIT, cho rằng sự tương đồng với kỹ thuật dùng để lưu giữ những cơ quan dùng cho cấy ghép, như tim hoặc phổi, có thể khiến một số người lầm tưởng công nghệ này là cách chạy trốn cái chết. Theo ông Hyman, những kỳ vọng như thế đã đặt không đúng chỗ, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, bởi việc cấy ghép não vào một cơ thể mới vẫn còn là chuyện xa vời.
Theo đánh giá của Tạp chí TechnologyReview, thành tựu trên mang đến cho giới khoa học một phương cách mới để nghiên cứu chi tiết những bộ não còn nguyên vẹn trong phòng thí nghiệm. Nó cũng mở ra một khả năng kỳ lạ trong việc kéo dài tuổi thọ nếu bộ não người được hỗ trợ sự sống bên ngoài cơ thể. Có ý kiến cho rằng các thử nghiệm trên có thể dọn đường cho các ca cấy ghép não, một ngày nào đó có thể giúp con người trở nên bất tử bằng cách kết nối trí óc với các hệ thống nhân tạo sau khi cơ thể tự nhiên đã chết đi.
Ông Sestan thừa nhận các chuyên gia phẫu thuật tại Trường ĐH Yale đã hỏi ông công nghệ bảo tồn não có thể được ứng dụng trong y học hay không. Theo ông, bộ não được lấy từ người chết có thể được sử dụng để thử nghiệm các phương thức trị bệnh ung thư và chứng Alzheimer vốn quá nguy hiểm nếu được thử trên người sống. Tuy nhiên, một viễn cảnh như thế chắc chắn gây ra những vấn đề về đạo đức và pháp lý nghiêm trọng.
Chẳng hạn, khi não của một người được duy trì hoạt động bên ngoài cơ thể, liệu người đó sẽ thức giấc trong tình trạng bị tước đoạt các giác quan cơ bản - không tai, mắt hoặc phương thức giao tiếp - hay không? Liệu có ai còn ký ức, danh tính hoặc các quyền pháp lý? Về mặt đạo đức, liệu các nhà nghiên cứu có thể làm việc trên một bộ não như vậy hay không?
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Nature gần đây, 17 nhà khoa học thần kinh và nhà đạo đức sinh học, trong đó có ông Sestan, lập luận rằng những thử nghiệm trên mô não người đòi hỏi những biện pháp bảo vệ và quy định đặc biệt.