Thể thao Việt Nam làm sao để có Hoàng Xuân Vinh thứ 2?

Lê Việt, Theo Trí Thức Trẻ 11:38 22/08/2016

Tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016 là cột mốc quan trọng của TTVN, nhưng làm sao để có được những Hoàng Xuân Vinh lại là cả một bài toán lớn và quá trình dài của nền thể thao nước nhà.

Aoti Sport Center (Quảng Châu, Trung Quốc) là nơi tổ chức 9 môn thi đấu trong đó có môn bắn súng tại ASIAD 2010. Ngày thi đấu thứ ba, các phóng viên Việt Nam dồn về khu vực bắn súng khá đông do chúng ta hy vọng có huy chương ở nội dung 10m súng trường hơi di động đồng đội nữ. 

Khi Thu Hằng bắn xong loạt cuối cùng của đợt bắn nhanh, cả VĐV lẫn các PV đều hồi hộp chờ VĐV cuối cùng của Triều Tiên thi đấu. Nếu xạ thủ này thi đấu tốt, chúng ta sẽ mất HCB vì lúc ấy thành tích 2 đội đang ngang nhau. 

 HLV Nguyễn Thị Nhung nói về Hoàng Xuân Vinh.

Cánh PV nhìn HLV Nguyễn Thị Nhung ngồi chép từng điểm của đối thủ với bàn tay run bắn mà thấy thương cho cô. Vào lúc VĐV Triều Tiên bất chợt bắn 1 viên chỉ được điểm 6 và sau đó xuống tinh thần bắn rất tồi, HLV nhà ta mới lau mồ hôi trán và... không thèm ghi chép nữa vì lúc ấy cộng điểm lại thì chúng ta đã chắc chắn có HCB. Bạc nhưng quý như vàng ròng...

Thể thao Việt Nam làm sao để có Hoàng Xuân Vinh thứ 2? - Ảnh 2.

VĐV Nguyễn Thị Thu Hằng (giữa) mang về tấm HCB cho bắn súng Việt Nam năm 2010, một giải đấu không thực sự thành công của Bắn súng.

Đó là kỳ thi đấu cuối cùng của thể thao Việt Nam với quan điểm "đi tắt đón đầu". Sau thời gian đầu giành được một số thành tích nhất định với các môn "đón đầu" như wushu hay cầu mây, nền thể thao nước nhà chững lại, thất bại ở hầu hết các môn thể thao nằm trong nội dung thi đấu chính thức tại Olympic và đành ngậm ngùi nhìn các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore có những bước tiến vượt bậc ở đấu trường châu lục và Olympic. 

Với chỉ vỏn vẹn 1 HCV (môn karatedo), ASIAD Quảng Châu 2010 được coi là giải đấu thất bại của thể thao Việt Nam và hệ quả là việc các chuyên gia của ngành thể thao nước nhà phải xây dựng lại chiến lược phát triển thể thao có tầm nhìn 2020, với thay đổi quan trọng là tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn Olympic. Vào thời điểm ấy, không mấy người tin rằng thể thao Việt Nam có thể nhanh chóng hái quả ngọt, bởi bản chiến lược mới đã loại bỏ hầu hết môn được coi là thế mạnh, dễ lấy huy chương, ra khỏi danh sách đầu tư trọng điểm.

Thể thao Việt Nam làm sao để có Hoàng Xuân Vinh thứ 2? - Ảnh 3.

Với chỉ 1 HCV của Bích Phương ở môn Karatedo tại Asiad 2010, được xem là thất bại của TTVN, và 2 năm sau đó chúng ta tiếp tục thất bại ở Olympic... một giai đoạn buồn của thể thao nước nhà.

Giống như cơn mưa mát lành cho vùng đất khô, các thay đổi đúng hướng của chiến lược phát triển thể thao đem lại thành công ngoài dự kiến. Chỉ 5 năm sau, thể thao Việt Nam đạt được bước nhảy về chất tại SEA Games 28 với 73 HCV, trong đó các môn Olympic chiếm tới 85% tổng số HCV. 

Đây là bàn đạp quan trọng để chúng ta thi đấu ở những đấu trường khó khăn hơn là châu lục và Olympic. Trên thực tế, nhờ được đầu tư trọng điểm nên một số môn đã đạt được tiến bộ rất lớn, như các huy chương đẳng cấp thế giới của Hà Thanh, Phước Hưng (thể dục dụng cụ), thành tích tiệm cận huy chương châu lục của Ánh Viên (bơi lội) hay thậm chí Xuân Vinh đã suýt nữa có huy chương ngay từ Olympic London 2012 khi chỉ thua đối thủ đoạt HCĐ vỏn vẹn có 0.1 điểm.

Thành công thần kỳ của Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 cho thấy bên cạnh niềm tin VĐV Việt Nam có thể thi đấu tranh chấp huy chương một cách sòng phẳng với các cường quốc thể thao thì yếu tố lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể chất người Việt sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong việc chúng ta có giành huy chương tại đấu trường Olympic hay không. 

Thể thao Việt Nam làm sao để có Hoàng Xuân Vinh thứ 2? - Ảnh 4.

Thành công của Hoàng Xuân Vinh sẽ tạo nên nguồn cảm hứng cho TTVN, nhưng để có được 1 Hoàng Xuân Vinh thứ 2 là cả một quá trình dài.

Nếu những môn thể thao đòi hỏi sức bật mạnh mẽ của cơ bắp như điền kinh chẳng hạn, trước mắt chỉ đủ lực giành thành tích tại tầm châu lục trong khi chờ Đề án Phát triển Thể lực Tầm vóc người Việt phát huy hiệu quả, thì những môn khác như bắn súng, thể dục dụng cụ hay đấu kiếm hoàn toàn có thể giành huy chương Olympic nếu được đầu tư chăm chút hơn nữa nhằm tận dụng khả năng khéo léo cũng như phản xạ nhanh nhẹn của người Việt. 

Nói cách khác, thành công của Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 rất nên là một điểm mốc để chúng ta một lần nữa chỉnh sửa chính xác hơn chiến lược đầu tư trọng điểm cho thể thao để có thêm nhiều Xuân Vinh, mang về thêm nhiều huy chương Olympic cho Tổ Quốc.