Vì sao các nước giàu có Vùng Vịnh không chịu tiếp nhận người tị nạn?

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/09/2015

Trong lúc vấn đề khủng hoảng tị nạn đang là chủ đề nóng bỏng nhất, Đức, Áo đã mở cửa tiếp nhận người tị nạn thì các nước Vùng Vịnh lại vẫn giữ nguyên lập trường, không tiếp nhận bất cứ trường hợp nào vào tị nạn.

Cho đến thời điểm này, đã có hơn 4 triệu người Syria buộc phải rời khỏi đất nước để trốn thoát khỏi cuộc chiến không hồi kết giữa lực lượng quốc gia và những kẻ khủng bố man rợ. Hàng loạt những trại tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập với cảnh tượng người dân các nước loạn lạc vạ vật, sống khổ sở từng ngày nhưng vẫn phải chịu nguy hiểm rình rập từ lực lượng IS, chỉ với mục đích tìm đường tiến vào Châu Âu, làm lại một cuộc đời mới.

Và trong lúc các ông lớn Châu Âu đang tranh cãi nảy lửa, rằng nước mình nên nhận bao nhiêu trong số 4 triệu người tị nạn ấy, thì những hàng xóm sát bên họ, các nước Vùng vịnh Ba Tư giàu có, lại không mảy may quan tâm, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar, Kuwait và Bahrain, chẳng một quốc gia nào tiếp nhận dù chỉ một người tị nạn. Hành động này của các nước Vùng Vịnh đã được Sherif Elsayed-Ali, lãnh đạo của Hội bảo vệ quyền người di cư và tị nạn quốc tế mô tả là "đáng xấu hổ".

2BEDD9AE00000578-3222405-This_image_made_a_political_point_about_how_few_Syrian_refugees_-a-68_1441378782983-7c947
Các nước Vùng Vịnh bị chỉ trích vì có thái độ quay lưng với khủng hoảng tị nạn.

"Thái độ của các nước vùng vịnh thật đáng sợ, đáng ra họ phải góp sức hoặc chia sẻ trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng này chứ... Thật đáng xấu hổ", Elsayed-Ali phát biểu.

Không còn gì để mất, những người tị nạn băng qua hàng nghìn cây số, từ Trung Đông xuyên qua trung tâm Châu Âu, vượt qua Địa Trung Hải để tới các quốc gia như Đức, Áo, nơi sẵn sàng tiếp nhận và che chở họ. Một số khác chọn phương thức liều lĩnh hơn, lẻn lên tàu thuyền, xe tải, hoặc tệ hơn là dùng thuyền cao su không đủ an toàn, băng qua đại dương nhằm tìm cách lọt vào Châu Âu. Ít nhất đã có 2000 người chết trên hành trình tìm tới vùng đất mới, trong đó có hàng trăm trẻ em đi theo bố mẹ mỗi đêm. 

2BF0413000000578-3222405-Sanctuary_Although_the_vast_majority_of_Syrian_refugees_live_in_-m-73_1441380822991-7c947
Những người tị nạn buộc phải tìm đến những biện pháp mạo hiểm nhất để tìm được vùng đất mới.

Bi kịch "Cậu bé Syria" Aylan Kurdi, chết chìm trong lúc cùng gia đình và 19 người khác sử dụng thuyền cao su băng qua Địa Trung Hải tới đảo Kos, Hi Lạp là một minh chứng cho những hiểm nguy mà người tị nạn phải đối mặt mỗi ngày. Tổng cộng có 313.000 người tị nạn đã đến được với Châu Âu, còn lại hàng triệu người trôi nổi rải rác, chết hay sống không biết. Nhưng có một điều chắc chắn, không ai trong số họ được phép tiến vào các nước Vùng Vịnh, những quốc gia luôn có tên trong danh sách top 50 GDP của thế giới cùng với quỹ quân sự lên tới 65 tỷ Bảng Anh.

2BE7BD2500000578-3222405-image-a-67_1441376773736-7c947
Bi kịch Aylan Kurdi trở thành biểu tượng cho sự tàn khốc của khủng hoảng tị nạn.

Năm 1951, cũng không có quốc gia nào thuộc hiệp hội những nước Vùng Vịnh đặt bút ký tên vào Công ước về vị thế của người tị nạn. Các nước này lo sợ rằng việc chấp nhận một số lượng lớn người tị nạn vào nước mình sẽ đe dọa tới môi trường sống của công dân, bởi những kẻ khủng bố rất có thể sẽ trà trộn trong cộng đồng này, gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các công dân Syria vẫn có thể tiến vào các nước Vùng Vịnh theo đường visa du lịch, mặc dù phí tổn rất lớn và không có nhiều xác suất thành công.

Cũng đừng vội chê trách các nước này là vô tâm, họ đã và đang tài trợ tiền, thức ăn, trang thiết bị để giúp đỡ những người tị nạn không có chỗ ăn chỗ ở. Theo thống kê của ReliefWeb, các tiểu vương quốc Ả Rập đã cho xây cả một trại tị nạn ở Jordan, che chở tới 10.000 người Syria. Ả Rập Saudi và Qatar cũng gây quỹ, đóng góp thực phẩm, xây dựng khu tập trung và quần áo cho người Syria tại Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan. 

2BF712B200000578-3222405-Only_the_United_States_has_given_more_to_the_humanitarian_effort-a-106_1441381469223-7c947
Top 20 những nước chi nhiều tiền nhất cho việc cứu trợ dân tị nạn, trong đó có nhiều nước Vùng Vịnh.

Tổng cộng, các nước Vùng Vịnh, dù không chấp nhận cho người tị nạn vào quốc gia mình, vẫn dốc sức để giúp đỡ những con người khốn khổ theo cách riêng của họ, và bằng thứ mà họ sẵn có nhất- kinh tế. Các quốc gia này đã rót hơn 589 triệu Bảng Anh vào quỹ cứu trợ tị nạn, nhưng con số này vẫn còn kém 4 lần số tiền mà Mỹ đã vung ra, và kém gần 2 lần so với Anh. Thủ tướng Anh David Cameron ngày hôm nay cũng công bố rằng nước này sẵn sàng nâng số tiền cứu trợ lên đến 1 tỷ Bảng Anh  nhưng chỉ có thể tiếp nhận khoảng "vài nghìn người" vào lãnh thổ nước này.