Sự thật đằng sau "truyền thống" tắm máu hươu tại Nga

Hương Cherry, Theo Trí Thức Trẻ 14:53 28/08/2015

Bị nhốt trong “căn phòng tra tấn” chật chội. Bị trói chặt và bị cắt gạc. Đó là số phận của những chú hươu Maral đực tại Nga trước khi bị lấy máu làm “nước tắm" cho các khách hàng giàu có tại Nga, Trung Quốc và UAE.

Mới đây, những bức ảnh kinh hoàng về loài hươu Maral đực được nuôi nhốt để lấy máu tại vùng núi Altai hẻo lánh ở Siberia, Nga đã được công bố khiến cộng đồng mạng trên thế giới không khỏi rùng mình. Có thể thấy, những chú hươu đến tuổi trưởng thành đã tỏ ra vô cùng sợ hãi khi bị đưa vào một căn phòng chật chội, bị giữ trên không rồi bị cưa mất chiếc gạc nhung tuyệt đẹp bằng cưa máy mà không sử dụng bất cứ loại thuốc gây tê nào. Máu từ vết cắt sẽ được để cho chảy ra từ từ và lấy làm “nước tắm bổ dương tự nhiên” cho những người đàn ông trung niên.

1-c41f6
Những con hươu được nuôi để lấy gạc.

Cụ thể, những chú hươu đáng thương sẽ bị đưa vào một căn phòng đặc biệt, bị kẹp chặt từ hai phía, sau đó sàn nhà sẽ tự hạ xuống khiến chúng bị kẹp lơ lửng. Sau đó, 4 tới 5 người đàn ông bắt đầu giữ chặt chú hươu, một người dùng dây thừng buộc vào gạc rồi kéo xuống để giữ chặt đầu chú hươu vào chiếc đe, một người khác dùng hai tay giữ hai chiếc gạc trong khi dùng chân ấn vào mũi nhằm đè chặt đầu chú hươu xuống, một người khác thì cầm cưa máy để cắt gạc hươu. Đồng thời, để dọa dẫm con vật tội nghiệp, đủ những từ ngữ thô bỉ nhất sẽ được họ "tận dụng" triệt để với âm lượng lớn nhất có thể.


5-c41f6
Bị kẹp chặt để chuẩn bị cưa sừng lấy gạc.

1-bcbb2
Người ta còn dẫm lên đầu hươu ngăn không cho nó quẫy đạp trong quá trình cưa sừng.

9-c41f6
Sự đau đớn mà những con hươu bị cắt sừng có thể so sánh với việc "bị cắt rời cánh tay" trong lúc tỉnh táo.

3-9ba5b
Người ta thu hoạch máu chảy ra từ gạc hươu sau khi bị cưa.

11-c41f6
Mỗi con hươu cho tới 3 lít máu mỗi lần.

12-c41f6
Cặp gạc hươu "thành phẩm" sau khi thu hoạch.

Quá trình cắt gạc tuy chỉ kéo dài vài giây nhưng hoàn toàn không sử dụng thuốc mê, khiến những chú hươu phải chịu nỗi đau “ngang với một người bị cắt đi cánh tay” và kêu lên một cách thảm thiết. Sau khi đã cắt được chiếc gạc, những người đàn ông này tiếp tục rạch vào tĩnh mạch cảnh trên gạc hươu để lấy được số máu hươu quý giá. Tiếp đến, người ta xử lý hai chiếc gạc nhung theo phương pháp cổ truyền bằng cách liên tục nhúng chúng vào nước nóng để bảo quản trước khi bán sang nước ngoài. Cuối cùng, vết thương của chú hươu mới được cầm máu bằng một hỗn hợp đất sét xen lẫn bột làm đông. Những chiếc gạc này sẽ mọc lại sau một năm và những chú hươu sẽ phải tiếp tục trải qua quy trình khủng khiếp thêm nhiều lần nữa. 


13-c41f6
1 năm sau, cặp gạc mọc lại, những chú hươu lại một lần nữa phải chịu cảnh đau đớn.

Được biết, chất chiết xuất chính từ những chiếc gạc nhung này là Pantocrin - một thành phần hoạt tính của nhiều loại “thuốc” và được sử dụng cả trong các loại đồ uống có cồn. Bởi vậy, nhung hươu cùng máu của chúng thường xuyên được bán sang các quốc gia châu Á (đặc biệt là Hàn Quốc) để dùng trong các phương thuốc Đông Y, nhưng chủ yếu vẫn là thuốc bổ dương. Bên cạnh đó, máu hươu cũng trở thành một loại “thần dược” có khả năng làm chậm sự lão hóa ở phụ nữ. Thậm chí, người Nga còn tin rằng, tắm trong máu lấy từ gạc hươu sống ở vùng núi Altai hẻo lánh sẽ là phương thuốc tăng cường testosterone vô cùng hữu hiệu để họ níu giữ nét đẹp tuổi thanh xuân.


15-c41f6

14-c41f6
Khu vực tiêu thụ gạc hươu nhiều nhất thế giới là Châu Á, trong đó Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng.

16-c41f6
Tắm máu hươu được cho là sẽ đem lại sự tươi trẻ cho làn da.

Theo bà Irina Novozhilova - giám đốc Trung tâm bảo vệ động vật Nga 'Vita' thì những hành động trên là “hết sức tàn nhẫn, dã man, dựa trên niềm tin cổ hủ từ thời Trung cổ và hoàn toàn không phù hợp với thế kỷ 21”.


17-c41f6
Hươu được nuôi theo đàn lớn để phục vụ cho việc lấy gạc tại các trang trại thuộc vùng Siberia, Nga.

Tuy nhiên, việc nuôi hươu này vẫn diễn ra hoàn toàn hợp pháp ở Nga. Tại một trang trại ở miền nam Siberia cách thành phố Novosibirsk 600 km, hơn 4000 chú hươu Maral đang được nuôi dưỡng để lấy gạc. Hàng năm, trang trại này bán ra khoảng 3000 chiếc gạc được bảo quản với giá khoảng 300 USD một cân, chủ yếu là sang thị trường Hàn Quốc. Những chiếc gạc này mọc với tốc độ rất nhanh, lên tới 2,5 cm một ngày, và tới kích thước tối đa khoảng 71 cm, trong một số trường hợp có thể lên tới 115 cm. Hiện tại, gạc hươu được coi là một nguồn tài nguyên “tái tạo được” – bởi một chú hươu khỏe mạnh có thể nuôi lấy gạc trong hơn 15 năm.