Dù qua hai thảm họa khủng bố, nước Mỹ vẫn không kì thị người Hồi Giáo

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/12/2015
Chia sẻ

Sau thảm họa khủng bố Mỹ 11/9, khủng bố Paris 13/11 và mới đây nhất là vụ xả súng tại bang California làm 14 người chết, người Hồi Giáo tại Mỹ giờ đây sẽ ra sao?

Đã 2 ngày trôi qua kể từ khi một cặp đôi người Hồi Giáo đã xả súng vào trung tâm y tế thành phố San Bernardino, California làm chết 14 người và 21 người bị thương. Đây là sự kiện đau lòng tiếp theo kể từ ngày tổ chức Hồi Giáo cực đoan IS tấn công khủng bố tại Paris làm 130 người thiệt mạng.

Nhằm lấy ý kiến người dân Mỹ về vấn đề người Hồi Giáo sau những vụ việc kinh hoàng trên, Reuters đã mở thăm dò về cách mà người Mỹ nhìn nhận về cộng đồng luôn phải hứng chịu cái nhìn thiếu thiện cảm này.

 Người Hồi Giáo tại Mỹ rồi sẽ ra sao?

Bất ngờ, 51% người Mỹ cho rằng người Hồi Giáo đang sống tại Mỹ cũng không khác gì những người dân bình thường, chỉ 14.6% là tỏ ra sợ hãi và muốn bài trừ. Tương tự với kết quả bỏ phiếu giữa các Đảng phái chính trị: 60% trong số Đảng dân chủ không có bất cứ ý kiến gì về người Hồi Giáo, so với con số chỉ 30% ở Đảng cộng hòa.

Người Mỹ sẽ đối xử với dân Đạo Hồi, kể cả cộng đồng đang sinh sống ở nước này và những người tới đây theo đường tị nạn như thế nào đang là chủ để gây tranh cãi suốt thời gian qua. Theo Amaney Jamal, một giáo sư môn chính trị tại Đại học Princeton, việc người Mỹ vẫn giữ cái nhìn tích cực dành cho dân Hồi Giáo là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên con số người đang tỏ ra run sợ trước sự tàn ác của IS cũng rất đáng báo động.

"Nếu như khủng bố được tạo ra để nhắm đến việc tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa người Hồi Giáo và người Phương Tây thì thật không may là chúng đang bắt đầu thành công. Chống lại khủng bố là công cuộc lâu dài của cả người Hồi Giáo và người không theo đạo này, chúng ta cần nhìn thấy khoảng cách đó được rút ngắn lại để mọi người cùng nhau hợp tác và không hề run sợ", Jamal cho hay.

Người Mỹ vẫn giữ cái nhìn thiện cảm với người Hồi Giáo. 

Trong khoảng 1067 người tham gia bình chọn trong ngày thứ 5 và thứ 6 vừa rồi, khoảng 34.7% phát biểu rằng họ cảm thấy sợ trước một số phe phái độc lập trong cộng đồng người Hồi Giáo. Chứng tỏ số đông vẫn còn cảm tình với cộng đồng này. Bằng chứng là khi Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo nêu quan điểm muốn xóa sổ các nhà thờ Hồi Giáo trên lãnh thổ nước Mỹ, ông này đã vấp phải vô cùng nhiều sự chỉ trích.

 Đây có lẽ là tin vui đối với cộng đồng người Hồi Giáo tại Mỹ.

Tuy nhiên, trong số những người tham gia bình chọn, rất nhiều người đã cho rằng người Hồi Giáo thường không chịu hòa nhập với xã hội so với các nhóm di dân khác. Người Mỹ nghĩ là người Hồi Giáo luôn đặt quan điểm tôn giáo của họ cao hơn là luật pháp quốc gia. Nhất là ở vấn đề tố giác trường hợp những kẻ cực đoan, dường như người Hồi Giáo vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc này.

Ibrahim Hooper, phát ngôn viên của Trung tâm Hồi Giáo nước Mỹ cho biết ông cảm thấy rất hài lòng về việc phần lớn người Mỹ vẫn giữ cái nhìn lạc quan về dân Hồi Giáo. Dù sao, qua thảm họa như khủng bố 11/9 rồi lại tới khủng bố Paris 13/11, những tưởng người Hồi Giáo sẽ không còn chốn dung thân tại đất nước đa sắc tộc thì kết quả bỏ phiếu lần này thực sự là một niềm an ủi lớn dành cho cộng đồng Hồi Giáo Mỹ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày