Vụ khủng bố ngày hôm ấy đã trở thành tin chấn động trên toàn thế giới, với số thương vong lên đến gần 3000 người, trong đó có 19 kẻ khủng bố. Người dân Mỹ không thể nào quên được cảnh tượng hàng trăm người chết vì khói lửa trong TWC, những người vì quá tuyệt vọng đã liều mạng nhảy ra khỏi tòa tháp đôi, rơi xuống đường phố, hứng chịu cái chết thảm khốc. 11/9 trở thành sự kiện đau thương nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng chính là mồi lửa châm ngòi những cuộc chiến chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan, kẻ được cho là thủ phạm gây ra cuộc tấn công.
Cũng bắt đầu từ ngày này, cuộc sống của những người Hồi Giáo tại Mỹ rẽ sang một hướng mới, chông gai và khó khăn hơn rất nhiều. Bộ phận người này thường xuyên bị cô lập, xa lánh, bị chỉ trích, bị ngăn cản việc thờ phụng vì những gì mà lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra.
Nhân dịp 14 năm vụ khủng bố ngày 11/09, một người dùng mạng Reddit đã mở chủ đề, kêu gọi những người Hồi giáo Mỹ vào chia sẻ về cuộc sống của họ sau sự kiện lịch sử nước Mỹ này.
QwertyNovelty: "Gia đình tôi sống tại Đảo Staten, New York khi sự kiện 11/09 xảy ra. Người ta phỉ nhổ vào mẹ tôi khi bà xuống phố, và một lần khi khu nhà tôi mất điện, cảnh sát đã tới. Tất cả hàng xóm nói chuyện với cảnh sát, chỉ tay về phía căn hộ của chúng tôi. Lúc ấy tôi còn nhỏ, vì thế tôi chỉ biết những gì mà bố mẹ kể với mình mà thôi."
Sau đó thành viên AG3287 đã chia sẻ với QwertyNovelty: "Tôi cũng sống ở Đảo Staten khi ấy. Gia đình tôi theo đạo Hindu, không phải Hồi giáo nhưng mẹ của bạn thân nhất của tôi vẫn bảo cậu ấy không được chơi với tôi nữa ( điều này thực sự rất đau lòng bởi mẹ bạn ấy đã biết gia đình tôi từ khi tôi mới 4,5 tuổi và tôi thường xuyên qua chơi, ngủ lại nhà cậu ta, tôi chưa bao giờ nhận ra bà ấy lại là người như vậy). Cảnh sát thường xuyên ghé qua nhà tôi mà không thông báo trước, chỉ để "kiểm tra một chút". Chúng tôi sống ở khu nhà đó lâu hơn bất cứ ai tại đó, nhưng mọi người cứ cố tình báo cảnh sát về chúng tôi."
Thành viên ragelover97 viết: "Các bạn của tôi đối xử với tôi và gia đình tôi rất khác. Chúng tôi không còn được mời tới những buổi tiệc sinh nhật hay các sự kiện khác nữa. Đây là một vấn đề lớn, bởi ở khu nhà cũ, nếu đó là sinh nhật bạn, mọi người trong khu sẽ cùng đến chúc mừng bạn. Chúng tôi đã từng là bạn bè. Khi anh em tôi tới một buổi tiệc của bạn, chúng tôi ngay lập tức bị mời rời đi. Ba mẹ tôi đã cãi cọ với họ vì thái độ thù địch tôn giáo sau đó.
Một số thanh thiếu niên khác ở trường của anh trai tôi đã ném trứng, phun vẽ hình bọn khủng bố lên lối đi nhà tôi. Bọn ngốc ấy bị bắt 1 tuần sau đó bởi hàng xóm nhà tôi là cảnh sát. Cảm ơn Chúa, đó là người hàng xóm duy nhất vẫn thân thiết với gia đình tôi, bởi chúng tôi cảm thấy vô cùng cô độc và sợ hãi."
Chú tôi đã mất việc phi công. Những người bạn hàng xóm của tôi không còn nói chuyện với tôi nữa, bố mẹ các bạn ấy cảm thấy sợ hãi vì mẹ tôi mặc hijab. Những hàng xóm người Châu Á, người Mỹ gốc Phi khá thẳng thắn khi hỏi tôi về tôn giáo của gia đình mình và họ thấy thương chúng tôi trong khoảng thời gian ấy.
Tôi sống ở Nam California, nơi tập chung nhiều chủng tộc và người dân rất biết thông cảm. Trong vài tuần đầu mọi chuyện khá khó khăn, và lúc ấy tôi còn quá nhỏ để nhận ra tại sao bạn bè tôi không muốn tôi tới nhà họ, hoặc bố của bạn tôi không cho tôi đến gần con trai ông.
Một số thành viên khác chia sẻ rằng người thân của họ nhận thư đe dọa, bị đuổi việc, bị hành hung vì bị tưởng nhầm là người Hồi Giáo sau sự kiện 11/09 vì đội khăn turban truyền thống của người theo đạo Sikh.
Thật chẳng hay chút nào khi ghét bỏ người nào đó chỉ vì tôn giáo của họ, nhưng thật tệ hại khi người ta biến nỗi sợ người Hồi Giáo của họ trở thành tính phân biệt chủng tộc chống lại toàn bộ những người da nâu.
Tôi là người Ấn Độ không theo Đạo Hồi, nhưng tôi đã bị người ta nói rằng mình đang phá hủy nước Mỹ và là đồ khủng bố, bị gọi bằng nhiều cái tên bẩn thỉu khinh miệt khác. Nếu họ nói với người Hồi giáo như vậy thì cũng thật không thể tha thứ, nhưng sự thiếu hiểu biết thật phiền phức quá.
Kể cả tôi có nói rằng mình là người Ấn Độ đi nữa thì họ cũng chả thèm quan tâm. Đối với họ ai da nâu cũng như nhau hết.
Tôi là một người Scotland da trắng, đang hẹn hò với một anh Pakistan gốc Ý. Kể cả khi chúng tôi nắm tay nhau ở nơi công cộng, anh ấy cũng bị sỉ nhục vì là "khủng bố" nhiều hơn là vì chúng tôi là một cặp gay đa sắc tộc.
Bạn có thắc mắc tại sao người ta thấy một anh da nâu nắm tay một anh da trắng và nghĩ rằng "thằng kia kiểu gì cũng là một tên Hồi giáo cực đoan".
Người ta ném đã vào tôi khi tôi đang trên đường về nhà, có người còn hỏi rằng tôi có đang mang bom hay không, thậm chí còn có những kẻ đi theo tôi về nhà với vẻ mặt hầm hầm giận dữ. Tôi bị một người nói rằng "chúng mày cần phải chết hết, chúng mày biết mà", sau đó tôi không dám ra khỏi nhà trong 3 tháng.
Tất cả bạn bè trong lớp không nói chuyện với tôi, cười nhạo tôi, những người họ hàng không theo Đạo Hồi nói gia đình chúng tôi là những kẻ phản bội. Nhưng bây giờ mọi chuyện tốt hơn rồi, tuần trước tôi vừa tới tham dự buổi tiệc BBQ với một gia đình, vui lắm.
Có những người nói rằng họ bị kiểm tra gắt gao, nhiều lúc vô lý khi ra sân bay chỉ vì là người Hồi giáo.
Khi sự việc xảy ra tôi mới chỉ lớp 6. Một trong các giáo viên nói rằng tôi và những "đồng loại" của mình không xứng đáng được tồn tại ở quốc gia này ( trong khi tôi sinh ra ở đây). Không ai trong khu dân cư nói chuyện với chúng tôi, có người còn phá xe của mẹ tôi. Một giáo viên khác sau đó nói rằng tôi không xứng đáng với chất lượng giáo dục mà mình đang được nhận.
Mặc dù 14 năm đã trôi qua, nhưng những đau thương và ám ảnh trong lòng mỗi người dân Mỹ về sự kiện 11/9 vẫn chưa thể phai nhạt, và những người phải chịu áp lực lớn nhất từ sự mất mát này, chính là cộng đồng Hồi giáo tại quốc gia tự do nhất thế giới.