Câu chuyện về người đàn ông Nhật Bản sống sót qua hai thảm họa bom nguyên tử

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 18:56 09/08/2015

Ông Tsutomu Yamaguchi, người đã hai lần vượt qua ải tử thần vào năm 1945 kể về kí ức kinh hoàng của cuộc đời mình.

Nếu tính tổng cộng số người thiệt mạng sau hai vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, con số có thể lên đến 250.000. Thế nhưng, có một người đàn ông, người đã hai lần vượt qua lưỡi hái tử thần hạt nhân để tiếp tục sống thêm 70 năm nữa.

Tên ông là Tsutomu Yamaguchi, người đàn ông có thể coi là may mắn nhất, cũng như bất hạnh nhất khi sống sót qua cả hai quả bom nguyên tử Little Boy và Fat Man. Ông qua đời năm 2010, hưởng thọ 93 tuổi, với 70 năm sống trong đau đớn, bệnh tật vì bị ảnh hưởng phóng xạ.

Ông Yamaguchi sinh ngày 16/03 năm 1916 tại Nagasaki, Nhật Bản. Năm 1945, ông vào làm việc tại tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi với vị trí kỹ sư đóng tàu.

yamag-53073
Chân dung Tsutomu Yamaguchi, người sống sót qua hai thảm họa bom nguyên tử năm 1945.

Thảm kịch bắt đầu vào ngày 06/08/1945, khi ấy Yamaguchi chỉ là một anh kỹ sư 28 tuổi đang đi công tác tại Hiroshima. Sáng hôm đó, Yamaguchi tới bến tàu để chia tay các đồng nghiệp tại công ty, chuẩn bị về nhà với vợ con sau 3 tháng xa gia đình.

"Ngày hôm ấy là một ngày rất đẹp, trong xanh, chẳng có điều gì bất thường cả. Tôi lúc ấy đang trong tâm trạng vô cùng tốt. Nhưng khi đang đi bộ, tôi chợt nghe thấy tiếng động cơ máy bay, sau đó tôi nhìn lên bầu trời. Đó là một chiếc B-29, nó thả hai chiếc dù xuống, tôi vẫn đứng đấy ngó lên trời. Bất chợt, một quầng sáng lóe lên trên bầu trời và tôi bị thổi bay ngay lập tức.", trích hồi tưởng của ông Yamaguchi năm 2005.

Đó chính là lúc lực lượng không quân Mỹ thả xuống Hiroshima quả bom nguyên tử Little Boy, cũng chính là vũ khí nguyên tử đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh thời bấy giờ. Yamaguchi cũng miêu tả với tờ ABC cảnh tượng kinh hoàng ấy giống như "mặt trời rụng xuống khỏi bầu trời".

Yamaguchi tỉnh dậy ở khoảng cách hơn 3km so với tâm vụ nổ, bị bỏng nặng, tóc tai cháy hết và bị điếc bán phần do tiếng nổ quá lớn. Khắp trên dòng sông là những cơ thể cháy đen của những người đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ, nổi trên mặt nước. Cuối cùng, người đàn ông xấu số phải dành một đêm trong lều trú ẩn, để rồi ngày hôm sau ông lại trở về thành phố Nagasaki và đối mặt với thảm kịch lịch sử thứ hai.

hirosh-53073
Cảnh tượng đổ nát sau khi quả bom nguyên tử Little Boy đáp xuống thành phố Hiroshima.

Ngày 09/08, Yamaguchi trở lại nhà máy với thương tích và sự phơi nhiễm phóng xạ để báo cáo với cấp trên về việc xảy ra ở Hiroshima, rằng cả một thành phố bị nuốt gọn chỉ với một quả bom. Trong lúc ông đang kể chuyện, đồng thời bị người giám sát viên mắng là "điên, hồ đồ", một luồng sáng khác lại xuất hiện, quét thẳng vào văn phòng nơi Yamaguchi đang đứng. Quả bom nguyên tử thứ 2, mang tên Fat Man vừa được thả tiếp xuống thành phố Nagasaki.

"Tôi nghĩ rằng luồng khói hình nấm ấy đã từ Hiroshima theo tôi về tận Nagasaki.", Yamaguchi chia sẻ.

Thần kỳ thay, Yamaguchi không hề bị thương sau vụ nổ thứ hai ấy mặc dù cũng chỉ cách tâm chấn hơn 3 km. Kì diệu hơn, dù nhà cửa bị phá hủy trong vụ nổ nhưng vợ và con ông vẫn may mắn thoát chết. Cả tuần ấy gia đình Yamaguchi phải ở trong lều trú ẩn.

Sau khi 2 thảm họa hạt nhân dữ dội xảy ra thì Thế chiến thứ 2 cũng kết thúc không lâu sau đó, ông Yamaguchi với cơ thể đầy thương tích vì bỏng, phóng xạ ngấm đầy trong cơ thể trở thành nhân viên phiên dịch cho hải quân Mỹ tại Nhật Bản, sau đó ông chuyển qua làm giáo viên ngoại ngữ, rồi cuối cùng trở lại làm việc cho Mitsubishi cho đến lúc về hưu.

Trong suốt quãng đời "hậu hạt nhân" ông Yamaguchi, người đàn ông này sống với một bên tai điếc, mắc phải các căn bệnh do phóng xạ gây ra như đục thủy tinh thể, bạch cầu cấp tính, nhưng may mắn là ông vẫn duy trì được sức khỏe ổn định gần như suốt cuộc đời.

nagasai-53073
Thành phố Nagasaki hoang tàn sau vụ nổ bom nguyên tử Fat Man.

Câu chuyện của người đàn ông hai lần sống sót qua thảm họa bom nguyên tử lần đầu tiên được công khai vào năm 2005, trường hợp của ông cũng được Chính phủ ghi nhận. Yamaguchi chính là minh chứng sống cho thế hệ trẻ biết về thảm kịch xảy ra trong lịch sử. Cả ông và gia đình đều mắc những chứng bệnh do ảnh hưởng phóng xạ, tương tự như những người sống sót khác và được gọi là các "hibakusha", tức những kẻ may mắn thoát chết sau thảm họa bom nguyên tử.

Năm 2010, ông Yamaguchi qua đời ở tuổi 93 do ung thư dạ dày, vợ ông cũng mất cùng năm vì ung thư thận và ung thư gan. 2 con đầu (một trai một gái) của người đàn ông "hibakusha-kép" này cũng không thoát khỏi bệnh tật vì phóng xạ, chỉ riêng cô con gái út sinh năm 1948 thoát được khỏi số phận nghiệt ngã của các nạn nhân thảm họa nguyên tử Hiroshima và Nagasaki.

Trong ký ức của cô con gái út, thì bố mình phải quấn băng khắp cho đến khi cô 12 tuổi (năm 1960) thì bố mới không phải thay băng gạc mỗi ngày nữa.

"Tôi đã hai lần đi qua địa ngục, đáng ra tôi phải chết rồi, nhưng số phận vẫn bắt tôi sống tiếp.", Yamaguchi trả lời đài ABC trong những ngày cuối đời.

( Nguồn: IBTtimes/Wikipedia)