* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh hiện là giáo viên Toán và là quản lý 1 trường liên cấp ở TP.HCM. Là người đứng đầu của một trường, đi đến đâu cũng được nhiều đồng nghiệp và học sinh yêu quý, nhưng ít ai biết rằng thầy đã từng chuyển việc tới 3 trường trong vòng 6 năm.
Mọi người cho rằng thầy "không có tâm với học trò" nhưng thực tế, thầy lại có lý do riêng của mình. Một lý do ai nghe xong cũng phải nể phục, đó là để đồng hành cùng con.
Chúng tôi xin chia sẻ lại tâm sự của thầy như sau:
Có phụ huynh học sinh thấy trong vòng 6 năm, mình chuyển qua 3 trường khác nhau, tưởng là mình đứng núi này trông núi nọ, nói mình là không có tâm với học trò, rồi này nọ...
Nhưng biết sao được, mình chuyển trường là để đồng hành cùng con mình đúng nghĩa đen luôn.
Hồi nhóc nhà mình từ cấp 1 lên cấp 2, phải đi học cách nhà 3km, mình phải xin chuyển trường từ chỗ cách nhà 8km về cách nhà 4km để mỗi buổi trưa chạy về nhà "đồng hành xe bus" cùng nhóc đến trường. Chiều cũng thế mình "đồng hành xe bus" cùng con khi nhóc tan học. Ròng rã cả tháng cho đến khi nhóc hết say xe.
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh trong 6 năm đã chuyển việc tới 3 trường để đồng hành cùng con
Rồi khi nhóc chuyển qua học trường Phổ thông Năng khiếu, mình lại chuyển qua làm ở một cái trường gần trường nhóc học - cách nhà có 13km chứ mấy - để sáng chiều bố con đồng hành cùng nhau. Mục đích của mình chỉ nhằm để nghe nhóc kể về chuyện ở trường của nhóc, và trao đổi cùng nhóc về những vấn đề nhóc đang bí, khi 2 bố con chạy xe trên đường đi về.
Rồi những buổi tối, ngồi cả giờ đồng hồ chỉ để nghe nhóc trình bày một ý tưởng về việc gì đó mà nhóc và đám bạn dự kiến làm trên lớp: những chuyến thiện nguyện, những trò nghịch ngợm, những bức xúc về bản nội quy dài 4 trang A4 của trường, cách bọn nhóc tìm kẽ hở của bản nội quy để phản kháng...
Từ năm nhóc lên lớp 3, đến khi nhóc rời khỏi Việt Nam đi du học ở châu Âu với học bổng toàn phần, mình chấp nhận bỏ tất cả những buổi dạy thêm của một giáo viên Toán đắt show, chỉ để mỗi tối ngồi HỌC cùng nhóc chứ không phải DẠY nhóc học.
Trong suốt những năm đồng hành đó, mình nhận ra chuyện HỌC cùng con trong mọi lĩnh vực của nhóc thực sự là một công việc cực kỳ khó khăn.
Nếu đồng hành để DẠY, dễ vô cùng, đơn giản vô cùng thì đồng hành để HỌC cùng con khó gấp ngàn lần.
Vì sao khó?
Vì phải chấp nhận việc suy nghĩ như nhóc, học cách cảm nhận âm nhạc EDM như nhóc, học cách để hiểu được vì sao bọn nhóc thích Hip hop, vì sao bọn nhóc lại làm những điều mà người lớn nghĩ là ngu ngốc, đặt mình là nhóc để cảm nhận được bài tập đó dễ thế mà sao nhóc làm không ra...
Đồng hành như một người ngang tuổi của nhóc, đồng thời lại phải tìm ra ngàn cách thức khác nhau để nói sao cho nhóc nghe và hiểu một cách tâm phục khẩu phục. Rằng có những điều không nên làm để nhóc và nhóm bạn tự đưa ra kết luận stop chứ không phải áp đặt bằng mệnh lệnh hoặc bằng quyền uy của người lớn.
Thế nên bây giờ, mình ngạc nhiên quá trời khi thấy các lớp dạy con nở rộ như nấm sau mưa, ai cũng có thể lên lớp, lên mạng to tiếng về dạy con thế nào: Dạy con thành đại bàng, dạy con thành siêu sao, dạy con thành người vĩ đại...
Mà nhìn kỹ thì thấy gì, nhiều người đang cao giọng giảng dạy về cách thức dạy con lại chính là người thất bại thảm hại trong việc đồng hành cùng con. Hoặc có những người chưa hề có con để hiểu dạy con là gì cũng ôm một mớ lý thuyết, sách vở ra và phán như thánh.
Mình thì không dám dạy ai khác làm thế nào để dạy con thành người hoành tráng.
Mình chỉ dám nói rằng, nếu bạn KHÔNG ĐỒNG HÀNH THỰC SỰ cùng con thì có theo học 1001 khóa học dạy con, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được thực sự chính đứa con của mình cả.
Chỉ mong mọi cha mẹ hiểu rằng, đứa con của mình là một thực thể sống, là một vũ trụ riêng, nên không có phép màu nào - kiểu mì ăn liền - gõ một cái biến đứa con trở thành thiên tài ngay và luôn đâu ạ.