Học sinh, giáo viên Văn nói về việc giảng bài thơ Sóng thành bí kíp tán gái: Sáng tạo nhưng đừng quá lố!

Vân Trang - Vũ Trịnh, Design: Hà Mĩ, Theo Trí Thức Trẻ 14:30 21/04/2020
Chia sẻ

Xuất hiện trên sóng truyền hình, thầy giáo dạy Văn gây tranh cãi khi lời giảng lan man, cố gán suy nghĩ chủ quan cá nhân vào ý thơ của cố thi sĩ Xuân Quỳnh.

Thầy giáo Phạm Minh Nhật là một trong những giáo viên dạy Văn nổi tiếng nhất thời điểm hiện tại khi sở hữu trang fanpage hơn 500.000 lượt thích và hàng ngàn bạn trẻ đang theo học tại các lớp luyện thi. Tất nhiên sự nổi tiếng luôn đi kèm bảo chứng chất lượng dạy học, nhưng không ít bạn trẻ cho rằng cách dạy của thầy nhiều khi hơi hoa mỹ, đi lạc đề khiến bài văn rất khó cảm thụ ý tứ của tác giả.

Điển hình như lời giảng 2 đoạn đầu bài thơ Sóng của thi sĩ Xuân Quỳnh đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng và những người yêu thích văn học khi xuất hiện trên sóng truyền hình.

Nhiều người cho rằng thầy giáo không tập trung vào giảng dạy mà chỉ đi xoáy sâu vào chi tiết nhỏ lẻ, cố biến bài thơ "Sóng" thành bí kíp tán gái cho nam sinh. Hình ảnh cao đẹp trong tình yêu của thi sĩ thế hệ trước Xuân Quỳnh cũng bị thầy gán bằng những quan điểm yêu đương của giới trẻ hiện đại như "yêu phải phóng khoáng", "con gái khi yêu phải chủ động", "tình yêu chưa chắc đi kèm với sự chung thủy"...

Thầy giáo dạy Văn bị chỉ trích ở bài giảng được phát trên sóng truyền hình. (Nguồn: On Edu)

Học sinh, giáo viên Văn nói về việc giảng bài thơ Sóng thành bí kíp tán gái: Sáng tạo nhưng đừng quá lố! - Ảnh 2.

2 khổ đầu bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Kiểu giảng dạy mới lạ hay đang cố tầm thường hóa văn học?

Khi phân tích bài thơ "Sóng", thầy Nhật cũng thừa nhận cách giảng của mình sẽ khác một chút so với những gì các bạn học sinh từng học. Thầy lồng ghép rất nhiều câu chuyện bên lề như chuyện chia tay của người nổi tiếng, quan điểm "chung thủy chỉ là khi chúng ta chưa tìm được 'mối' nào ngon hơn'"... hẳn nhiên rất lôi cuốn học trò, những người vốn dĩ quá quan tâm vấn đề đời sống thay vì chuyện học. Nhưng vô hình chung, điều đó lại khiến bài giảng trở nên lan man, không đánh vào trọng tâm và làm lệch đi ý đồ của tác giả.

Cô Hồ Ái Linh (giáo viên trường THCS - THPT Đào Duy Anh) chia sẻ: "Dưới góc nhìn chuyên môn và góc nhìn của cộng đồng yêu văn học thì những lời giảng của thầy Nhật làm giảm đi tính nghệ thuật và ý nghĩa thông điệp nhà thơ. Thơ ca là biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm mà nhà thơ muốn truyền tải. Cho nên khi bình giảng phải làm cho học sinh cảm nhận được cái hay của nhà thơ chứ không phải cái hay theo quan điểm cá nhân của mình".

Là một trong những người theo dõi trang của thầy Minh Nhật từ những ngày đầu, nữ du học sinh Minh Huyền (Đại học Yonsei) cho biết phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng trước bài Sóng vì nó được truyền tải rất khác so với những gì từng được dạy, bên cạnh đó phong cách diễn đạt của thầy cũng hết sức nặng nề, giọng nhấn nhá như đang dạy công thức ngữ pháp.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất mà Minh Huyền thấy bài giảng có vấn đề là nội dung mà thầy giáo muốn truyền tải: "Biến nó thành bí kíp tán gái cho các bạn nam, thầy đã tầm hướng hóa tác phẩm và gần như đưa ra cái nhìn sai lệch hoàn toàn về bài thơ. Ví dụ như 2 câu đầu nói về tình yêu mãnh liệt của người phụ nữ thì thầy lại giảng đó là tính khí nắng mưa thất thường của con gái. Và con trai phải lạnh lùng, quan tâm khi cần thiết mới chinh phục được con gái. Vậy có khác gì một sự đỏng đảnh không hơn không kém?".

Học sinh, giáo viên Văn nói về việc giảng bài thơ Sóng thành bí kíp tán gái: Sáng tạo nhưng đừng quá lố! - Ảnh 3.

Thầy giáo Phạm Minh Nhật - người đang phải nhận nhiều ý kiến trái chiều xung quanh bài giảng.

Phân tích văn học quan trọng nhất là phải truyền tải được nguyên vẹn ý đồ và cái hay gửi gắm của tác giả. Bởi dù tốt xấu, hay dở thế nào cũng là ý tứ của người viết. Việc phân tích nguyên vẹn ý tác phẩm cũng thể hiện sự trân trọng với công sức tác giả. Điều này phải được đặt trong bối cảnh sinh thời của nhà thơ, rồi mới được phép sáng tạo liên hệ đến chính mình. Tuy vậy, nhiều người cho rằng thầy giáo đang gán cho tác giả những suy nghĩ hiện đại của giới trẻ thời nay như "con gái phải chủ động", "yêu phải phóng khoáng"... dù Xuân Quỳnh là thi sĩ chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng thế hệ trước.

Bạn Minh Anh (học sinh lớp 12 chuyên Văn) chia sẻ: "Đồng ý với thầy là các quan điểm trong tình yêu thực tế của thầy không sai vì bây giờ con người tiếp xúc với nhiều cái mới nên họ không còn gắn bó với nhau nhiều như trước. Nhưng nhà thơ Xuân Quỳnh dù tư tưởng hiện đại hơn các phụ nữ cùng thời nhưng bà vẫn là người truyền thống, mang đậm nét Á Đông với tư tưởng gắn bó với gia đình.

Tình yêu của bà chỉ là một và duy nhất, hà cớ gì lại áp đặt suy nghĩ hiện đại vào thơ ca của bà? Mình nghĩ thầy có thể đưa các phần của thầy vào liên hệ tình yêu xưa và nay khác như thế nào. Phân tích văn học là phải phân tích cách sử dụng ngôn ngữ và ý đồ tác giả vậy nên phải gắn tư tưởng và con người nhà văn rồi mới được phép liên hệ với chính mình".

Thầy Nhật sở hữu trang fanpage hơn 500.000 lượt thích, hiện là giám đốc một trung tâm dạy văn.

Văn học là sự suy diễn để điều vô lý trở nên hợp lý nhất. Tuy vậy sự suy diễn nếu không nhìn vào toàn thể mà chỉ chăm chăm soi vào một vài ý chính sẽ khiến bài giảng mang đậm ý kiến cá nhân chủ quan. Bằng chứng là khi phân tích hai câu thơ đầu: "Dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ" thầy đã chỉ ra tính khí thất thường của con gái rồi suy diễn ra bí kíp cho con trai phải lạnh lùng thì mới dễ "tán" được con gái thời đại này.

Sáng tạo nào cũng cần trong khuôn khổ!

Nói đi cũng phải nói lại, việc sáng tạo trong thơ ca luôn là điều quan trọng. Bởi vậy mới có riêng một phần thi 2 điểm trong bài thi THPT Quốc gia là văn nghị luận xã hội cho học trò thoải mái bày tỏ ý kiến hay các bài thi có tính sáng tạo sẽ thường được đánh giá và chấm điểm cao hơn.

Tuy vậy, sáng tạo luôn cần phải nằm trong khuôn khổ cho phép, nhất là khi phân tích tác phẩm văn học, việc sáng tạo theo lối tư duy của mình phải đặt trong việc bảo vệ ý tứ của tác giả. Đó cũng một phần tôn trọng công sức của người viết và tránh người phân tích dính vào cảnh "từ bụng ta suy ra bụng người".

Việc suy diễn, làm quá lời của nhà thơ có thể ảnh hưởng đến việc làm bài của rất nhiều học sinh theo dõi bài giảng của thầy.

"Trong quá trình dạy học, chúng tôi luôn khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, không áp đặt về mặt tư duy nhưng bắt buộc các em phải đi đúng hướng tinh thần của tác giả. Với người truyền đạt, chắc chắn phải đi hướng lại từ đầu và chỉnh sửa cách viết câu từ phù hợp để các em có điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia. Vì thực chất, tác phẩm văn học mà các em cứ chăm chăm lấy ý kiến cá nhân của mình vào, bỏ quên đi ý đồ của nhà thơ thì sẽ không bao giờ được điểm cao", cô H.V (giáo viên trường THPT ở Hà Nội) chia sẻ.

Đối với những bài giảng trực tuyến hay qua truyền hình thì điều này càng trở nên quan trọng hơn. Vì đây không còn là môi trường sư phạm đơn thuần, gói gọn trong một lớp vài chục bạn, mà còn thu hút cả sự quan tâm của cả hàng trăm học sinh, phụ huynh, giáo viên. Nếu định hướng khác biệt nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát thì những lối tư duy cá nhân ấy lại càng được phổ rộng đến nhiều người hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập. Truyền hình là dành cho tất cả, thế nên phương pháp sư phạm lẫn nội dung giảng dạy cũng nên mang tinh thần chung, nhất là đối với bộ môn văn học.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày