Thấy điều hòa không mát, gia chủ gọi thợ kiểm tra rồi tá hỏa khi phát hiện sinh vật lạ

Thiên An, Theo Phụ nữ Việt Nam 14:58 27/05/2023
Chia sẻ

Cảnh tượng diễn ra khiến cả chủ nhà lẫn người thợ sửa điều hòa giật mình.

Vào mùa hè, bên cạnh quạt điện thì điều hòa là một vật dụng thiết yếu, luôn được sử dụng hết công suất trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa đôi khi cũng đem lại những tình huống trớ trêu cho gia chủ. Tiêu biểu là trường hợp các loài động vật như rắn, chuột, gián… đến “cứ trú” bên trong chính thiết bị.

Mới đây, một thợ sửa chữa điều hòa tên Nguyễn Duy Tân (xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã chia sẻ câu chuyện khi đi làm của mình. Câu chuyện nhanh chóng thu hút nhiều sự quan tâm và bình luận của cư dân mạng.

Theo anh Tân chia sẻ, nữ chủ nhà nghi ngờ có rắn bên trong điều hòa, do trước đó cũng từng thấy đuôi rắn thò ra, vì vậy đã gọi nhân viên sửa chữa - là anh, tới để kiểm tra. “Đó là một căn nhà cấp 4, nằm cạnh một bãi đất trống, cây cỏ mọc dại nhiều”, anh Tân nói.

Sau khi kiểm tra thiết bị, anh Tân phát hiện đúng là bên trong chiều điều hòa có 4 con rắn màu xanh, không rõ chủng loại. Anh vội dùng kìm và các thiết bị, đứng từ xa kẹp rắn ra ngoài và giết chết chúng.

Thấy điều hòa không mát, gia chủ gọi thợ kiểm tra rồi tá hỏa khi phát hiện sinh vật lạ - Ảnh 1.

Rắn được lấy ra từ điều hòa (Ảnh Nguyễn Duy Tân)

Cũng vào năm 2019, một gia đình ở thị trấn Little River, Australia đã phải gọi chuyên gia đến để bắt con rắn hổ kịch độc, khi trông thấy chiếc đuôi dài thò ra từ khe điều hòa nhà mình. Lúc đầu, gia đình này thấy điều hòa hoạt động có vẻ không tốt. Rồi vào một ngày, người vợ phát hiện ra một chiếc đuôi thò ra, tuy nhiên cô chỉ nghĩ rằng đó là đuôi chuột. Nhưng khi thợ sửa chữa tới kiểm tra kỹ hơn, họ mới bàng hoàng khi đó là một con rắn hổ kịch độc dài khoảng 75cm.

Như đã nói ở trên, không chỉ có rắn, nhiều loài động vật khác cũng có thể làm tổ trong điều hòa. Có thể kể tới như chuột, chim, côn trùng…

Năm 2021, tài khoản Facebook tên Hồ Linh Nhâm ở Thọ Quang, Đà Nẵng cũng chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của gia đình mình. “Trời nóng quá, chim sẻ vào hẳn điều hòa làm tổ. Mấy nay nó kêu chíp chíp suốt cả nhà ngủ không được. Sáng nay hai vợ chồng kiểm tra điều hòa thì bất ngờ thấy cả rơm rạ đầy trong đó, nó tha cả vỏ nilon về làm tổ”.

Thấy điều hòa không mát, gia chủ gọi thợ kiểm tra rồi tá hỏa khi phát hiện sinh vật lạ - Ảnh 2.

Chim làm tổ trong điều hòa của một gia đình (Ảnh Hồ Linh Nhâm)

Nguyên nhân nhiều loài động vật làm tổ trong điều hòa

Theo TS Trần Thanh Bình (Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí) cho biết, việc các loài động vật, sinh vật lạ xâm nhập vào điều hòa sẽ làm thiết bị hoạt động không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ gây chập cháy, hay nghiêm trọng hơn là có thể đe dọa đến tính mạng con người. Chúng thường chui qua lỗ thông tường từ trong ra ngoài khi thợ lắp đặt không bịt lỗ này bằng vữa (hoặc cao su non), theo đường ống thải hoặc cửa thông gió điều hòa.

“Các loại động vật máu lạnh thích chỗ ấm nóng, nên khi bật điều hòa chiều lạnh nhà thường không có muỗi. Nếu không làm kín lỗ xuyên qua tường, mùa đông trong nhà ấm hơn, các động vật máu lạnh sẽ chui vào ẩn náu” - TS Trần Thanh Bình nói.

Cách xử lý khi phát hiện có sinh vật lạ trong điều hòa

Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện thiết bị có tiếng động lạ, hoặc các vật thể lạ như rơm, rạ, nilon hay thức ăn thừa, người dân không nên tự mở nắp điều hòa để kiểm tra. Hành động này có thể khiến các con vật đang ẩn náu trong đó tấn công bạn và có nguy cơ giật điện cao.

Thay vào đó, cần ngắt điện, thiết bị, gọi thợ bảo hành hoặc kỹ thuật viên chuyên nghiệp đến kiểm tra. Họ sẽ mở và sửa chữa bằng dụng cụ an toàn.

Thấy điều hòa không mát, gia chủ gọi thợ kiểm tra rồi tá hỏa khi phát hiện sinh vật lạ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Người dùng cũng nên bảo dưỡng điều hòa định kỳ, vệ sinh dàn nóng, cục lạnh để thiết bị hoạt động tốt và kiểm tra xem có sinh vật lạ trú ngụ trong điều hòa không. Đặc biệt, cần lựa chọn vị trí lắp cục nóng điều hòa phù hợp.

Không nên lắp đặt dàn nóng điều hòa quá gần mái nhà, cây xanh rậm rạp. Đồng thời khi khoan tường đưa dây đồng, ống thoát nước vào dàn điều hòa, chủ nhà cần nhắc thợ kiểm tra lại khe hở ở vị trí đó. Nếu có thể, nên dùng tấm chắn có mắt lưới nhỏ để bít các lỗ hở nhằm tránh những loài vật như chuột, rắn… bò vào nhà qua đường này.

Thấy điều hòa không mát, gia chủ gọi thợ kiểm tra rồi tá hỏa khi phát hiện sinh vật lạ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Đối với những gia đình xung quanh hay trong chính khuôn viên nhà có nhiều cây cối rậm rạp, nên thường xuyên phát quang, chặt bớt cây cối xung quanh nhà để hạn chế rắn, rết, chuột,… trú ngụ. Không lắp đặt ống thoát nước thải điều hòa sát mặt đất, nếu lắp thấp thì nên bọc lưới kẽm ở đầu ống để ngăn các loại vật chui vào theo đường này.

Một số lưu ý để sử dụng điều hòa bền, an toàn hơn

Lựa chọn vị trí lắp đặt cục nóng điều hòa phù hợp

Theo chuyên gia của Hội Khoa học Kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam (VISRAE), vị trí tốt nhất để lắp cục nóng điều hòa là ở khu vực có mái che chắn, không bị các tác nhân bên ngoài môi trường làm ảnh hưởng. Đặc biệt, tránh lắp cục nóng điều hòa ở khu vực gần cửa sổ, cửa nhôm hay đặt cục nóng ở những nơi không đảm bảo sự bằng phẳng về bề mặt, có dấu hiệu rung lắc khi vận hành, không lắp đặt ở khu vực có thể sản sinh ra nhiệt lượng cao như mái tôn để tránh cháy nổ. Không lắp cục nóng quá gần trần nhà hoặc nơi cây cối rậm rạp để tránh các loài vật như chuột, rắn... chui vào trú ngụ.

Bảo dưỡng điều hòa định kỳ

Điều hòa cần được bảo dưỡng định kỳ 6 tháng/lần. Nếu sử dụng thường xuyên cả chức năng làm nóng và chức năng làm mát, thì thời gian bảo dưỡng phải rút ngắn xuống từ 3 - 4 tháng/lần. Ngoài ra, nếu tần suất sử dụng điều hòa nhiều hơn hoặc trong môi trường nhiều bụi bẩn, bạn nên bảo dưỡng định kỳ thường xuyên hơn từ 1 - 2 tháng/lần để đảm bảo điều hòa hoạt động tốt hơn, tiết kiệm điện năng hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày