Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: "Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ!"

Toàn Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 18/10/2019

Đằng sau sự hồn nhiên của trẻ nhỏ là biết bao trăn trở về cuộc sống. Sống nội trú ở trường, xa cha mẹ, thiếu thốn tình cảm các em nhỏ dễ rơi vào cảm giác mặc cảm để rồi lựa chọn từ bỏ việc học.

Vay 500 ngàn cho con đi học

Trẻ em Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên con đường đến trường. Rất nhiều em nhỏ phải nghỉ học sớm vì gia đình không đủ điều kiện hay vì cha mẹ không coi trọng việc học hành. Theo chân người lớn, các em lang bạt trên những cánh đồng, dưới dòng kênh hay đi tới vùng đất xa để mưu sinh, và rồi đành gác lại hành trình con chữ vào giấc mơ.

Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ! - Ảnh 1.

Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều trở ngại trên con đường học vấn.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cô giáo Lý Hoà Ly (1984, dân tộc Khmer) cũng từng chật vật để theo đuổi việc học. Cô bồi hồi nhớ lại: "Từ nhỏ đến lớn chưa một lần nào được cha mẹ đưa đến trường đi học như các bạn. Cứ qua mỗi cấp học cha lại khuyên: thôi nghỉ học đi làm phụ cha đi. Nhưng tôi vẫn quyết tâm vừa phụ gia đình vừa đi học, chứ không nghỉ".

"Tốt nghiệp lớp 12, tôi nhận được giấy báo nhập học vào ngành sư phạm, nhưng cha mẹ không ủng hộ. Cha nói: nhà mình nghèo lắm, con nghỉ 1 năm đi làm, chừng nào có tiền rồi hãy học. Tôi buồn đến nỗi nhịn ăn mấy ngày. Thương con nên cha lặn lội từ Cà Mau qua Bạc Liêu mượn 500 ngàn của một người chú, để tôi có tiền đi học" - cô Ly xúc động kể lại.

Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ! - Ảnh 2.

Cô giáo Lý Hoà Ly sinh ra trong một gia đình người Khmer, vươn lên trong gian khó nên cô mong muốn dành tâm sức của mình để dìu dắt cho trẻ em người Khmer tìm được ước mơ của mình.

"Con muốn nghỉ học, theo cha mẹ làm công nhân"

Năm 2010 sau khi tốt nghiệp đại học Sư Phạm, cô Ly trở về giảng dạy bộ môn Toán tại trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Danh Thị Tươi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Sinh ra trong gian khó, hơn ai hết cô giáo trẻ luôn mong muốn trở về quê hương để giúp đỡ những em nhỏ có cùng hoàn cảnh với mình.

Vừa tham gia giảng dạy trên lớp cô kiêm công tác quản lý học sinh nội trú để có thể chia sẻ tâm tư cùng học trò. Tiếp xúc các em, cô càng thấu hiểu và cảm phục tinh thần của tụi nhỏ. "Mới 11, 12 tuổi phải sống xa cha mẹ để được học tập, đa số cha mẹ của các em đều đi làm ở thành phố hay đã ly hôn, hơn 2/3 trong các em nội trú ở đây là trẻ cơ nhỡ, rất vất vả" - cô Ly tâm sự.

Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ! - Ảnh 3.

Em Thạch Văn Thật (lớp 7, trường Danh Thị Tươi) sống nội trú trong trường, nhà em cách trường 50km, lâu lâu em lại tự đón xe đò để về thăm nhà. Tiền trợ cấp nhận được hàng tháng Thật dùng để đóng tiền ăn và mua học cụ, phần còn lại em để dành để gửi về cho cha mẹ ở nhà.

Thiếu thốn tình cảm gia đình nên các em học sinh nơi đây luôn mang trong mình sự mặc cảm và tự ti. Cũng chính vì lẽ đó mà cô Ly luôn dành thời gian để quan tâm đến từng miếng ăn, giấc ngủ, mong bù đắp phần nào những thiếu thốn mà các em đang mang. "Trưa nào cũng vậy, lo cho tụi nhỏ ăn cơm, rồi nhắc nhở đi ngủ trưa là hết giờ, tôi chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi. Vừa phải lo cho gia đình nhỏ, vừa lo cho học trò, đôi lúc tôi cũng cảm thấy đuối sức, nhưng tôi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc, bởi tụi nhỏ cần chỗ dựa để học hành tới nơi tới chốn" - cô xúc động nói, cũng chẳng biết từ lúc nào bọn nhỏ xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Ngôi trường trở thành ngôi nhà thứ 2, và cô Ly cũng trở thành người mẹ thứ hai của tụi nhỏ.

Hằng Ni - cô học trò lớp 8 kể lại: "Lúc mới vào trường con nhớ cha mẹ lắm, con khóc rồi gọi điện cho cha xin nghỉ học để theo cha lên Đồng Nai làm công nhân". Không chỉ riêng Hằng Ni mà còn rất nhiều em nhỏ đang học nội trú ở trường muốn từ bỏ con đường học vấn để bước vào đời mưu sinh.

Nhưng nếu lại bỏ dở việc học, tụi nhỏ lại đi bước vào vết xe đổ của cha mẹ, lại quẩn quanh với cái nghèo chẳng biết lúc nào mới có lối thoát. Thế nên những lúc học trò yếu lòng, cô Ly luôn ở cạnh bên, chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình để giúp các em vững vàng hơn trên đường dài phía trước. 

Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ! - Ảnh 5.

Cô Ly luôn làm điểm tựa để các em nhỏ vững tin trên con đường khám phá tri thức.

Tương lai cho những đứa trẻ 

"Học là con đường nhanh nhất để thành công, để thoát nghèo" - thầy giáo trẻ Thạch Minh Trí (1985, Sóc Trăng) luôn tâm niệm như vậy. Cùng lớn lên trên mảnh đất nghèo, chứng kiến con em đồng bào mình chật vật với cái ăn cái mặc mỗi ngày thầy Trí luôn trăn trở tìm hướng đi để các em phát triển bản thân.

Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ! - Ảnh 6.

Thầy Trí luôn mong muốn các em có thể tiếp cận tri thức của thế giới thông qua công nghệ.

Ở nông thôn điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin còn gặp nhiều hạn chế, các em nhỏ vẫn còn ngại trong việc tiếp cận với những điều mới. Vì vậy mà bộ môn tin học của thầy Trí cũng gặp nhiều khó khăn trong việc truyền đạt đến học trò. "Lúc đầu tôi cũng nản, vì học trò cứ tới lớp là nằm dài ra không chịu học. Phần vì môn học này khó, phần vì các em không biết sẽ ứng dụng nó vào đâu, vì nhà các em làm gì có máy tính. Thế nên tụi nhỏ không hề hứng thú" - thầy Trí buồn rầu bảo.

Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ! - Ảnh 7.

Không vì thế mà thầy bỏ cuộc, tìm tòi đưa ra những cách học mới giúp học trò hứng thú với máy tính, với công nghệ, ngoài giờ học thầy còn dành thời gian để dạy kèm cho các em ở ký túc xá, với mong muốn duy nhất có thể giúp các em bắt kịp với trẻ em đồng trang lứa.

Thầy bảo: "Tin học và ngoại ngữ là hai chiếc chìa khoá quan trọng để các em có thể bước ra thế giới. Nếu chỉ quẩn quanh bên ruộng đồng quê nhà thì không biết bao giờ mới có thể thoát nghèo".

Thầy cô giáo miền Tây và nỗi trăn trở vì câu nói của học trò: Con muốn nghỉ học để đi làm công nhân với cha mẹ! - Ảnh 8.

Những đứa trẻ cần được học hành đến nơi đến chốn để có một tương lai tốt hơn.

Thầy Trí hay cô Ly và rất nhiều thầy cô giáo ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn từng ngày trăn trở về những câu hỏi làm thế nào để cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày cho học sinh nội trú, làm thế nào để các em xác định được ước mơ và đủ niềm tin để theo đuổi ước mơ của mình?.... Đối với các thầy cô không có một món quà hay niềm vui nào lớn hơn được nhìn thấy các em hạnh phúc với cuộc sống của mình.

Hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2019 - 2022 phát động; thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2019, thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019, chương trình nhằm tuyên dương các gương giáo viên giảng dạy học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Mỗi thầy giáo, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương năm nay, sẽ được nhận 01 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày