"Thật tội nghiệp bạn, ngày nào cũng khóc" - Lời nhắn của bạn cùng phòng con gái khiến bà mẹ điếng người, tìm ra sự thật đau lòng

Hiểu Đan, Theo Thanh niên Việt 15:12 24/04/2025
Chia sẻ

Thành tích tốt, trường danh tiếng, học bổng cao… là điều ai cũng mơ ước cho con. Nhưng tất cả sẽ vô nghĩa nếu con mất đi sự bình an.

Một bà mẹ mới đây chia sẻ câu chuyện gia đình trong nhóm phụ huynh khiến nhiều người chú ý. Được biết, con gái chị sau ba năm du học Mỹ, gồng gánh áp lực học tập và kỳ vọng, cuối cùng cũng đổ gục. Khi bạn cùng phòng nhắn tin cho người mẹ: "Thật tội nghiệp bạn, ngày nào cũng khóc, mong gia đình có thể sang thăm mùa hè này", thì gia đình mới biết con chịu đựng những gì.

"Bé đi học tại trường không như ý, bé dằn vặt và buồn bã rất nhiều từ trước cả khi bắt đầu tới tận giờ là hơn 3 năm. Lần nào bé gọi về cũng than phiền và khóc nhiều. Nhưng thấy con vẫn cố được nên ba mẹ cũng tiếp tục động viên con không 'gap year' (tạm ngưng việc học một khoảng thời gian) để không bị trễ tiến độ với bạn bè đồng trang lứa.

Ép cố mãi thì giọt nước cũng tràn ly. Nhưng chèn ép từ bạn bè đồng hương và trường lớp là có thật. Bạn roommate đã chứng kiến việc bé bị bắt nạt và cũng chịu phân biệt đối xử từ cùng một giáo sư. Nhưng chắc cuối cùng lý do chính là vì bé ép mình cố quá ạ!", người mẹ tâm sự.

"Thật tội nghiệp bạn, ngày nào cũng khóc" - Lời nhắn của bạn cùng phòng con gái khiến bà mẹ điếng người, tìm ra sự thật đau lòng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ban đầu chị còn phân vân không biết có nên cho con về Việt Nam hay vẫn cố học thêm 1 năm. Nhưng sau khi tham khảo nhiều lời khuyên, bà mẹ cho biết, gia đình quyết định đưa con về. Con cũng mong muốn về để được dành thời gian chữa lành bên ba mẹ.

Nhiều phụ huynh cho rằng, dù gặp khó khăn nhưng một điều đáng mừng là con đã có một người bạn cùng phòng tốt bụng và dũng cảm. Một năm dừng lại, để cả đời không hối tiếc. Đưa con về không có nghĩa là thất bại. Đó đơn giản là một lựa chọn đúng đắn tại thời điểm cần thiết. Nhiều cha mẹ trong nhóm cũng chia sẻ lời khuyên: Nếu có thể, hãy bảo lưu một năm – không mất gì mà nếu sau này con muốn quay lại, chuyển trường, hay học tiếp thì vẫn thuận lợi.

Một phụ huynh khác chia sẻ, du học không phải lúc nào cũng bình yên và thành công ngay trên đất khách. Có em suôn sẻ, có em gập ghềnh, có em phải tạm dừng giữa chừng. Nhưng cuộc đời có nhiều ngã rẽ – miễn là mỗi ngã rẽ ấy là một lựa chọn đúng đắn tại thời điểm ta quyết định, thì đều là điều đáng trân trọng.

"Không sao bạn ơi. 1 năm so với 1 đời quá ngắn ngủi. Việt Nam giờ cũng đầy cơ hội nếu ta biết tận dụng. Giờ bạn kết nối các trường xin "tranfer" điểm về học tiếp. Gia đình mình cứ đón nhận sự trở về này là 1 điều chỉnh cần thiết để tâm trạng con nhẹ nhàng hơn nhé. Sau con trưởng thành vững vàng hơn rồi quay lại học bậc cao hơn cũng tốt mà", một người góp ý.

Áp lực vô hình, nỗi cô đơn hữu hình

Du học không chỉ là học tập ở một ngôi trường nước ngoài, mà là sống và trưởng thành trong một nền văn hoá khác biệt. Rất nhiều em phải tự lo mọi thứ: Từ ăn uống, sinh hoạt, đến lịch học căng thẳng và cả những va chạm xã hội chưa từng gặp ở quê nhà.

Có em bị kỳ thị, cô lập vì màu da, tiếng Anh không trôi chảy. Có em bị chính bạn đồng hương "dìm hàng" vì khác lối sống hay không hoà nhập đúng cách. Trầm cảm không phải lúc nào cũng rõ ràng. Có thể con vẫn gọi điện, vẫn "ổn", vẫn nộp bài đúng hạn, lặng lẽ gồng lên để giữ hình ảnh "đứa con ngoan" mà cha mẹ ở quê nhà kỳ vọng, trong khi bên trong đang dần rạn vỡ.

Điều đáng lo ngại là nhiều cha mẹ vẫn xem tâm lý là thứ phụ. Khi con buồn, con khóc, cha mẹ nghĩ đó là chuyện nhất thời, chỉ cần cố gắng sẽ vượt qua.

Một số du học sinh chia sẻ rằng, thời gian đầu khi sang nước ngoài, họ sống trong một cảm giác lạc lõng đến nghẹt thở. Không ai để tâm sự, không ai thực sự hiểu mình, và mỗi ngày chỉ là cố gắng sống sót. Có người mất phương hướng, không còn cảm hứng học tập, không muốn rời giường, nhưng vẫn tự dặn mình: "Cố lên, vì ba mẹ đang hy vọng". Chính điều đó khiến các em không dám cầu cứu.

Nếu không được phát hiện sớm, khủng hoảng tâm lý có thể để lại hậu quả nghiêm trọng: Từ mất ngủ kinh niên, rối loạn lo âu, suy giảm trí nhớ đến cả ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Đây không chỉ là cảm xúc thoáng qua – mà là một tình trạng bệnh lý cần được hỗ trợ chuyên môn.

Không chuẩn bị tâm lý, con dễ lạc đường

Nhiều cha mẹ chỉ tập trung chuẩn bị học lực, tiếng Anh, chọn trường, săn học bổng cho con – mà quên mất phần quan trọng không kém: Chuẩn bị tâm lý. Con có đủ kỹ năng tự chăm sóc bản thân chưa? Con có hiểu mình sẽ đối diện với những cú sốc văn hoá như thế nào? Con có biết tìm ai để chia sẻ khi gặp khó khăn? Cha mẹ có thiết lập một "đường dây cảm xúc" đủ gần để con dám nói thật?

Một chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ: "Nhiều bạn trẻ khi đi du học lần đầu tiên mới biết thế nào là cô đơn thật sự. Nếu không được chuẩn bị kỹ về mặt tinh thần, các em rất dễ bị khủng hoảng. Có bạn chọn đóng kín, có bạn buông xuôi, và đáng sợ nhất là có bạn chọn kết thúc tất cả trong im lặng".

Vậy cha mẹ có thể làm gì để đồng hành đúng cách?

1. Trang bị cho con kỹ năng sống – càng sớm càng tốt

Từ những việc đơn giản như tự giặt quần áo, nấu ăn, quản lý tài chính cá nhân đến kỹ năng xử lý căng thẳng, làm việc nhóm, tìm kiếm sự hỗ trợ… Con cần được dạy dỗ và luyện tập ngay từ khi còn ở nhà.

2. Nói chuyện về những điều "khó nói"

Tình yêu tuổi học trò, sức khỏe tinh thần, những cám dỗ trong môi trường tự do – đừng né tránh. Hãy tạo ra một mối quan hệ đủ tin tưởng để con dám chia sẻ thật lòng. Cấm đoán chỉ khiến con lén lút, còn thấu hiểu mới giúp con điều chỉnh hành vi.

3. Thiết lập "tín hiệu báo động" và điểm dừng

Trước khi con đi, hãy thống nhất với con những tín hiệu cần lưu ý: ví dụ nếu con khóc mỗi ngày, mất ngủ kéo dài, ăn uống thất thường, mất động lực sống… thì đó là lúc cần được hỗ trợ chuyên sâu. Cũng cần rõ ràng: Nếu con không ổn, về nhà không phải là thất bại, mà là một bước lùi để hồi phục.

4. Luôn giữ liên lạc bằng sự tin cậy, không phán xét

Không phải gọi video mỗi ngày, nhưng là giữ một nhịp kết nối thật – không phải chỉ hỏi "điểm GPA bao nhiêu?" mà là "tuần này con thấy sao?", "con có điều gì muốn chia sẻ không?". Khi cha mẹ là nơi an toàn, con sẽ không giấu mình khi gặp khủng hoảng.

Thành tích tốt, trường danh tiếng, học bổng cao… là điều ai cũng mơ ước cho con. Nhưng tất cả sẽ vô nghĩa nếu con mất đi sự bình an, hoặc tệ hơn là mất đi chính mình trên hành trình đó.

Không có gì sai khi đặt kỳ vọng cao. Nhưng cha mẹ cần hiểu: Sức khoẻ tinh thần không phải là thứ "nó tự vượt qua được", mà là thứ cần được quan tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng như bất kỳ kỹ năng sống nào.

Bởi con đi học, chứ không phải đi thi đấu. Và cha mẹ là chốn để con trở về, không phải là ban giám khảo của cuộc đời con.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày