Anh Bawge là một kỹ sư sống ở quận Bidar, một bang miền Nam Karnataka, Ấn Độ. Anh là sinh viên tốt nghiệp đại học thế hệ thứ nhất, thuộc một bộ lạc Bản địa, một trong những nhóm thiệt thòi nhất ở Ấn Độ. Hoàn thành một bằng cấp đồng nghĩa với việc hy sinh số năm tiền lương đáng lẽ có thể nuôi sống gia đình 5 người của anh.
Sau khi cha anh qua đời vào năm ngoái, lúc Bawge đang học năm cuối đại học, áp lực đè nặng lên đôi vai chàng sinh viên năm cuối khi cần tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn định để thay cha làm trụ cột trong gia đình. Vào cuối năm ngoái, tương lai của Bawge có chút khởi sắc khi anh nhận được công việc quản lý tại một công ty ở Bangalore - thủ phủ công nghệ Ấn Độ. Anh hy vọng sẽ làm lâu dài ở đây và thăng tiến lên những vị trí cấp cao hơn.
Sau đó, nhà máy phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19. Việc một kỹ sư trở lại làm công việc tay chân không phải là quyết định dễ dàng. Tuy nhiên, gánh nặng cơm áo gạo tiền đã khiến anh quyết định "bán mặt cho đất bán lưng cho trời".
Nhiều người làm việc văn phòng chấp nhận công việc lao động chân tay để có tiền sinh sống qua ngày
Anh trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình và nhận công việc cuốc đất, đào mương theo một chương trình hỗ trợ việc làm công cộng của chính phủ. Cùng làm với anh là một cựu nhân viên ngân hàng, một thầy thuốc thú y và 3 sinh viên thạc sĩ kinh doanh. Cuối ngày, mỗi người nhận được 3,7 USD (khoảng 85 ngàn đồng).
"Ban đầu tôi rất chán nản vì cảm thấy sự hy sinh mà gia đình đã dành cho tôi để đi học giờ tan thành mây khói. Tuy nhiên, nếu không làm việc, chúng tôi sẽ không có gì ăn cả. Cái đói đánh bại mọi hy vọng.", anh Bawge nói.
Trong một con đường nhỏ khác ở cùng làng, ngồi bên hiên nhà là Atish Metre - một thạc sĩ quản trị doanh nghiệp 25 tuổi đang làm cùng Bawge. Tháng 2 vừa qua, anh may mắn trở thành nhân viên tư vấn gói vay cho một ngân hàng lớn nhất Ấn Độ ở Bangalore. Công việc giúp anh thu về 200 USD (gần 5 triệu đồng) một tháng, đủ để Atish Metre dành ra một khoản tiết kiệm nhỏ và anh cũng rất thích công việc này.
Vì mưu sinh nên nhiều người buộc phải làm "trái ngành trái nghề"
Sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng cuối tháng 3, không một khách hàng nào muốn vay tiền nữa và chính vì vậy, anh không thể hoàn thành chỉ tiêu và buộc phải nghỉ việc. Anh quay về làng và chấp nhận làm công việc tay chân. "Bạn bè tôi đã sốc khi biết tôi đang phải làm việc này. Họ hỏi tôi bỏ tiền đi học thạc sĩ mà giờ phải về để làm việc nặng nhọc này ư?", Atish Metre cho biết.
Nhiều trường hợp tương tự cũng đang diễn ra ở đây. Trong một bang ở Telangana, Shankaraiah Karravula, một giáo viên có thâm niên 14 năm cũng buộc phải tham gia chương trình của chính phủ khi ngừng nhận được lương do trường học đóng cửa vào tháng 3. "Tôi sẵn sàng làm mọi việc để sống sót.", người giáo viên này cho hay.
Ở bang phía tây Odisha, Rajendra Pradhan, một kỹ sư 24 tuổi gần đây cũng tham gia chương trình kể trên. "Nó khiến tôi rất đau lòng nhưng gia đình phụ thuộc vào tôi. Tôi không thể ngồi không mà nhìn họ bị chết đói.", Rajendra Pradhan thở dài.
Cuộc sống của người dân Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19
Khi nền kinh tế Ấn Độ phải trải qua một trong những cuộc phong tỏa khắc nghiệt nhất trên thế giới, chương trình tuyển dụng vùng nông thôn đã mở ra để cứu sống cho hàng triệu người thất nghiệp. Chương trình này của chính phủ nhắm tới việc bảo đảm 100 ngày làm việc không kỹ năng tại những vùng nông thôn hướng tới việc chiến đấu với đói nghèo, giảm sự bất ổn về lương và giúp mọi người cầm cự vượt qua thời kỳ đầy khó khăn như hiện nay.
Chương trình này hiện trở thành chiếc phao cứu sinh cho hàng triệu người tốt nghiệp đại học cũng như cựu nhân viên văn phòng không còn lựa chọn nào khác để mưu sinh. Hơn 17 triệu người đã nộp đơn tham gia chương trình này từ tháng 4 cho tới giữa tháng 9 năm nay.
Sudha Narayanan - một chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu và phát triển Indira Gandhi của Mumbai nói rằng cô dự đoán chương trình làm việc nông thôn vẫn là một hoạt động quan trọng trong 2 năm tới. Cô nói rằng chính phủ cần khẩn cấp mở rộng quỹ của chương trình và tăng lượng việc làm bảo đảm hàng ngày.
"Đó là một lựa chọn thụt lùi nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào trong nền kinh tế chỉ ra rằng việc làm sẽ quay trở lại ngay lập tức.", Sudha Narayanan cho biết.
Nguồn: Upnewsinfo