Vịnh California là một vịnh biển lớn của Mexico, có diện tích bề mặt rơi vào khoảng 160.000 km2 và độ sâu ấn tượng ngoài 3000m. Từ lâu, nó đã nổi tiếng là một trong những vùng biển đa dạng sống nhất trên thế giới, khi sở hữu tới hơn 5000 loài động vật không xương sống trên hành tinh.
Vùng vịnh của hệ thống thủy nhiệt tự nhiên
Theo các bằng chứng địa chất thì Vịnh California được hình thành cách đây khoảng 5,3 triệu năm. Nó là kết quả của lực kiến tạo làm tách bán đảo Baja California ra khỏi mảng Bắc Mỹ, kết nối với đới nâng Đông Thái Bình Dương.
Dạng "mép bích núi lửa" thông thường trong lòng biển
Đới nâng đông Thái Bình Dương là một sống núi giữa đại dương kéo dài từ giáp Nam Cực đến phía Bắc của Vịnh California. Tại Vịnh California, hoạt động kiến tạo của đới nâng đông Thái Bình Dương hình thành đảo núi lửa đang hoạt động Isla Tortuga. Song ấn tượng hơn cả vẫn là hệ thống mạch nhiệt dưới đáy vịnh.
Các lỗ thông hơi thủy nhiệt liên tục hoạt động, đặc biệt là ở 2 vùng Bahía de Concepción và Baja California Sur.
Phát hiện không ngờ đầu năm 2019
Về cơ bản, Vịnh California được chia làm 3 phần: Vịnh Bắc, Trung và Nam. Nó có cả thảy 37 đảo lớn cùng 900 đảo nhỏ, hầu hết đều là các khu bảo tồn động vật hoang dã.
Vì Vịnh California đặc biệt nhiều lỗ thông hơi thủy nhiệt nên từ lâu, nơi đây đã được giới nghiên cứu sự sống trong những nơi nóng nhất của Trái đất quan tâm. Họ đều đặn thực hiện các cuộc khảo sát định kỳ.
Những tưởng không còn gì mới mẻ ở đây nữa, vậy mà khoảng cuối tháng 2/2019, một đoàn thám hiểm vẫn bất ngờ phát hiện ra nguyên một "cánh đồng" màu hồng rực rỡ dưới độ sâu gần 2000m của vịnh biển này.
Chính xác là dưới độ sâu 1981m của một vùng bí ẩn trong Vịnh California, đáy biển vốn tối tăm bất chợt bừng sáng, biến thành sân khấu trình diễn sắc màu ngoạn mục. Từ những lỗ thông hơi thủy nhiệt trên các "mép bích núi lửa", những cụm màu hồng, cam và trắng nóng hổi liên tục trào ra. Làn nước đáy biển lại phẳng lặng tựa mặt gương lại soi bóng chúng, phản chiếu hình ảnh lộn ngược cực kỳ sống động và bắt mắt.
Thực tế, Mandy Joye, nhà vi sinh vật của ĐH Georgia, người dẫn đầu đoàn thám hiểm đã từng cho robot tới dò xét khu vực này từ tháng 11/2018. Tuy nhiên, do vấp phải mảng địa hình hiểm trở, tương tự một ngọn núi dưới đáy biển, họ đã thất bại. Tới tháng 2/2019, sau khi nhận được sự vốn hỗ trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia, Joye mới tiếp cận lại.
Ban đầu cô không nghĩ nó có gì đặc biệt hơn các khu vực có hệ thống lỗ thông hơi thủy nhiệt khác, nhưng rồi bất ngờ được đại dương ban tặng món quà tuyệt vời. Đó là cả một thung lũng mạch nhiệt phun chất lỏng màu sắc rực rỡ, nom "ngon lành" như những cụm kẹo bông gòn.
Ốc đảo chi chít "tháp màu" phun "kẹo bông" sunfua
Trải rộng khắp vùng đáy biển kỳ thú vừa được khám phá của Vịnh California là chi chít những cột "mép bích núi lửa". Chúng được hình thành khi vật chất bị hóa lỏng bởi nhiệt độ trào ra khỏi miệng lỗ thông hơi thủy nhiệt.
Gặp phải nước biển lạnh, dòng vật chất lỏng đang 350 độ C này đặc lại, biến thành kết tủa sunfua cứng như đá. Trải qua thời gian, chúng hình thành các cấu trúc tháp đa tầng.
Trong "ốc đảo màu hồng" kỳ diệu, Joye phát hiện lớp vành sunfua chất chồng, những "trụ" cao nhất có thể đạt tới 23m và rộng những 10m. Chính vì cấu trúc tương đối lớn và có các mép xếp lớp theo tầng nom hao hao như kiểu mái đình chùa trong kiến trúc Á đông, chúng mới được nhóm Joye gọi là "tháp" - những ngọn tháp màu hồng.
Từ trên mỗi tầng của "tháp" thông hơi, các lỗ thủy nhiệt vẫn tiếp tục phun trào. Ở các vùng biển khác, đó không phải là cảnh tượng gì đặc biệt, vì vật chất lỏng chỉ có màu đen. Vậy mà ở Vịnh California, đáy biển lại rực rỡ sắc hồng ngọt ngào, cam ấm nóng và cả trắng tinh khôi như tuyết.
Chúng hệt như mớ kẹo bông gòn "ngon lành" được thổi ra từ các "mái tháp" và đỉnh lỗ thông hơi.
Soi bóng "hồ gương" được hình thành từ nhiệt độ cao
Bên dưới các "mép bích núi lửa", làn nước lặng yên như mặt gương, soi bóng mọi cảnh tượng phía trên.
Thực chất, làn nước này cũng vẫn là một phần của nước biển sâu mà thôi. Nhiệt độ cao xung quanh lỗ thông hơi đã tạo ra ảo ảnh. Vì thế, chúng mới hệt như biến thành mặt gương phản chiếu hình ảnh lộn ngược phía trên.
Hình ảnh phản chiếu xuống "hồ gương" được hình thành do nhiệt độ cao
Thú vị là các lỗ thông hơi thủy nhiệt của Vịnh California không "cô đơn". Từ mạch thông hơi chính, chúng tỏa ra các mạch thông hơi phụ hệt như hệ thống mao mạch trong cơ thể sống vậy. Chúng này trổ ra khắp "mép bích núi lửa" của mạch nhiệt chính, phun trào vật chất nóng chảy cùng lúc.
Nhìn thì đẹp thôi chứ mớ "kẹo bông gòn" đầy màu sắc ấy vẫn là hydro sunfua có mùi trứng thối và là một loại chất độc. Chúng còn tích hợp với một số kim loại độc khác như asen và selen và thủy ngân. Thế nên để sống được trong "ốc đảo màu hồng", các sinh vật buộc phải phân hủy được tất cả các độc tố này.
Hiện tại, Joye đã phát hiện có giun biển và một số vi khuẩn sống quanh đây. Vì công tác tìm kiếm của cô chỉ mới bắt đầu, thế nên chúng ta hãy trông chờ để xem còn những "cao thủ" sinh tồn nào có thể chinh phục vùng biển "độc chết người" này.
Có một điều đáng buồn là ngay cả trong khu vực đáy biển chưa biết có tồn tại sự sống hay không ấy, Joye vẫn phát hiện ra rác thải. Chúng bao gồm dây câu và túi nhựa, thậm chí là cả cây thông giả và đồ chơi của Disney nữa.
Tham khảo Atlas Obscura