Xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) được thiên nhiên ưu đãi khi vừa có những núi đá vôi hùng vĩ và những thác nước tung bọt trắng xóa, vừa có những thảo nguyên mênh mông, đặc biệt là thảo nguyên Đồng Lâm, vốn được ví như "Mông Cổ thu nhỏ” giữa lòng xứ Lạng. Tại đây, vào mùa nước cạn du khách có thể trải nghiệm những đêm lửa trại hay những buổi sáng đạp xe, cưỡi ngựa trên những tràng cỏ rộng lớn. Mùa nước nổi, khi cánh đồng cỏ nhường chỗ cho những hồ nước trong xanh, du khách lại có những khoảng khắc khó quên khi đi thuyền trên sông hay khám phá các hang động huyền bí, kỳ ảo. Và điều đặc biệt thu hút du khách là những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, Sán Chỉ... nơi đây.
Anh Al Hasai, du khách Malaysia hào hứng chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng cảm giác ở đây thật sự khác biệt. Yên bình, mang đến nhiều cảm xúc, cảm giác như thôi thúc tôi khám phá hết mọi thứ ở đây từ cánh đồng cỏ, dòng sông, con suối, hang động… Bên cạnh đó người dân nơi đây cũng vô cùng thân thiện, cởi mở, họ giúp đỡ đoàn chúng tôi nhiệt tình, chu đáo".
Là vùng đất cửa ngõ phía Nam của tỉnh Lạng Sơn, Hữu Lũng có nhiều lợi thế phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng
Khi thảo nguyên Đồng Lâm vào nước cạn, du khách có thể trải nghiệm những đêm lửa trại hay những buổi sáng đạp xe, cưỡi ngựa trên những tràng cỏ rộng lớn
Vào mùa nước nổi, khi cánh đồng cỏ nhường chỗ cho những hồ nước trong xanh, du khách lại có những khoảng khắc khó quên khi đi thuyền trên sông hay khám phá các hang động huyền bí, kỳ ảo
Đến với "Mông Cổ giữa lòng xứ Lạng", du khách còn được thưởng thức ẩm thực địa phương với những món đặc sản như cá suối nướng, xôi nếp, rau rừng, gà đồi... và tham gia, trải nghiệm cuộc sống của người địa phương tại các homestay với nhiều hoạt động phong phú như đi câu cá, làm vườn, nấu bánh chưng, làm xôi ngũ sắc... Anh Hoàng Văn Chĩnh, chủ một homestay xã Hữu Liên cho biết: “Homestay chúng tôi phục vụ khách ăn, nghỉ, đưa khách đi chơi, tham qua các điểm du lịch đặc trưng như thảo nguyên, hồ Nong Dùng… Thường mình sẽ phục vụ du khách các món ăn truyền thống, đặc trưng của địa phương như gà, vịt, lạp sườn, nem nướng, bánh chưng đen, bánh bí đỏ. Gia đình cũng đang hướng đến việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển những cách làm mới, mở các lớp học cho bà con địa bàn học và làm quà lưu niệm để bán cho khách, góp phần ổn định thu nhập".
Khu vực xung quanh thảo nguyên Đồng Lâm hiện có khoảng 20 dịch vụ homestay và du lịch cộng đồng. Dù vậy phần lớn các mô hình vẫn mang tính chất vừa làm vừa học, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Tiềm năng du lịch của huyện Hữu Lũng đang dần được đánh thức. Không chỉ riêng Đồng Lâm, địa phương còn có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như rừng đặc dụng Hữu Liên, đền Bắc Lệ, đền Quan giám sát cùng nhiều lễ hội truyền thống của cư dân địa phương.
Dịch vụ thuyền bè phục vụ nhu cầu tham quan của du khách tại thảo nguyên Đồng Lâm
Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện mỗi năm, có khoảng 900.000 lượt du khách đến với Hữu Lũng và để thu hút thêm du khách, địa phương đang tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch cũng như nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, khuyến khích hỗ trợ cá nhân, tập thể tham gia phát triển du lịch; Song song với đó là công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo ANTT. Từ đó khắc phục tính thời vụ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách".
Khách du lịch chèo thuyền Kayak trên hồ Nong Dùng, xã Hữu Liên
Với nhiều tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, lại nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lạng Sơn, Hữu Lũng có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch và tạo sự khác biệt với những địa phương khác qua các sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh. Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh; chú trọng phát triển nhân lực ngành Du lịch; tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng thôn bản tham gia hoạt động du lịch... góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân./.