Làm bảo mẫu trong các gia đình thuộc giới siêu giàu chính là 1 nghề nhiều người theo đuổi. Khi làm việc ở đây, họ dễ nhận được mức lương ấn tượng, cao hơn nhiều so với nhiều công việc khác.
Tuy nhiên đây cũng không phải công việc ai cũng có thể đảm đương được. Đặc biệt, khi lắng nghe chia sẻ từ người trong cuộc, chúng ta càng cảm nhận được những bất cập của công việc tưởng chừng toàn “ánh hào quang” này.
Gloria Richards - 1 người phụ nữ 34 tuổi kể lại rằng cô đến với công việc làm bảo mẫu của giới siêu giàu rất tình cờ, tự nhiên. Khi chuyển đến New York hơn 1 thập kỷ trước, cô làm việc trong bộ phận chăm sóc trẻ em của Câu lạc bộ thể thao Reebok, sau này được Equinox mua lại. Một số thành viên là những gia đình giàu có bắt đầu nhờ cô trông trẻ.
Kể từ đó, Richards được nhiều người giàu có biết đến và tin tưởng hơn. Chia sẻ trên CNBC, Gloria Richards từng tham gia các buổi biểu diễn ngoài sân khấu để có thu nhập. Bên cạnh đó, việc trở thành bảo mẫu của những đứa trẻ nhà giàu cũng mang đến 80-90% thu nhập hàng năm của cô ấy.
Người phụ nữ 34 tuổi khẳng định với CNBC: “Tôi có thể trông trẻ trong 2 tháng đầu năm và mọi thứ sẽ ổn ngay sau đó” . Công việc làm bảo mẫu cho giới siêu giàu không phải lúc nào cũng là chăm sóc trẻ. Cô ấy dành phần lớn thời gian làm việc của mình để điều phối lịch giáo dục và xã hội của bọn trẻ.
Ảnh minh họa: CNBC
Khi làm bảo mẫu trong các gia đình giàu có, Richards hưởng khá nhiều đặc quyền mà ít công việc có được. Cô đi du lịch khắp thế giới cùng những đứa trẻ nhà tỷ phú, đi lại bằng máy bay phản lực và du thuyền riêng, lái những chiếc Porsche và Tesla đến mọi nơi…
Không chỉ vậy, rất có thể khi tới tiệc sinh nhật của những đứa trẻ này Richards sẽ được tặng những món quà đắt giá, điển hình là 1 chiếc iPad giá trị.
Bên cạnh những đặc quyền kể trên, cô ấy được trả lương cao ngất ngưởng. Richards sẽ nhận được khoảng 2.000 USD (tương đương 47 triệu đồng) cho 12 giờ làm việc. Theo đó, mỗi giờ làm việc của người phụ nữ 34 tuổi này thu về khoảng 167 USD (4 triệu đồng).
Công việc của Richards khiến cô tiếp xúc với rất nhiều người. Có những lúc khách hàng của Richards là những nghệ sĩ nổi tiếng mà cô không được gặp mặt trực tiếp.
Ngày đầu tiên làm bảo mẫu cho những người cực kỳ giàu có, cô xuất hiện tại một sân bay, được giới thiệu với những đứa trẻ của gia đình và ngay lập tức trở thành người đi cùng chúng trên chuyên cơ riêng đến một khu nghỉ dưỡng.
Richards thường phải làm việc với 10 gia đình 1 lúc. Cô ấy không chỉ chăm sóc bọn trẻ mà còn hỗ trợ chúng về mặt cảm xúc. Nhiều khách hàng của cô sinh ra trong gia đình giàu có và nổi tiếng, mặc dù đã cố gắng trở nên bình thường nhưng họ vẫn có nhiều nỗi sợ, nỗi ám ảnh riêng.
Chính vì thế, Richards còn là người nắm bắt được tâm lý của những đứa trẻ này, giúp chúng sống cởi mở và tích cực hơn. Trong nhiều năm làm bảo mẫu, Richards đã chứng kiến những câu chuyện khác nhau của các đứa trẻ. Cô đồng cảm với chúng, mỗi ngày đều phải dồn tâm huyết vào công việc của mình.
Lần đầu tiên bắt đầu làm việc với những khách hàng mới, Richards chủ động chia sẻ những câu chuyện cá nhân để tạo niềm tin với phụ huynh và trẻ em. Từ đó, các khách hàng dần mở lòng, tâm sự với Richards nhiều hơn.
Không chỉ vậy, Richards cũng từng bị quỵt lương khi làm việc với các khách hàng. Khi làm việc tại nước ngoài, người phụ nữ này sẽ bị các công ty tuyển dụng sẽ tự ý cắt lương hoặc gói điện thoại quốc tế của cô ấy.
“Tôi thường ra nước ngoài làm việc, chẳng hạn như Thụy Sĩ. Họ nói với tôi rằng họ không thể trả tiền cho tôi trong ba tuần vì không có tiền mặt" . Sau đó, dù có đòi lại tiền, các công ty tuyển dụng này cũng ngó lơ, xem như không có chuyện gì xảy ra.
Phía khách hàng cũng có người gian lận dù giàu có. Họ thậm chí còn tìm cách trốn thanh toán bằng việc cố tình ký sai tên trên tấm séc.
Nguồn: CNBC