Lập kỷ
lục là bộ phim chiến thắng nhiều giải nhất trong lịch sử Quả Cầu Vàng với 7 tượng
vàng cho cả 7 đề cử, La La Land tiếp tục chứng tỏ mình là ứng cử viên "nặng ký"
cho giải thưởng của Viện Hàn Lâm và Khoa học Hoa Kỳ.
Nam – nữ chính xuất sắc, Phim hay nhất (thể loại nhạc kịch), Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản hay nhất, Nhạc phim và ca khúc trong phim hay nhất đều gọi tên "La La Land" tại Quả Cầu Vàng lần thứ 74
Đúng 16 ngày sau, tức 24/01, Viện Hàn Lâm mới đưa ra bảng đề cử chính thức của mình cho Lễ trao giải Oscar diễn ra vào ngày 26.2. Và hãy cùng phân tích xem, liệu chiến thắng áp đảo của La La Land tại Quả Cầu Vàng có thể tạo ra "cơn sóng" ảnh hưởng tới Viện Hàn Lâm hay không?
La La Land - Đứa con cưng của Hollywood
Nếu như lọc ra bối cảnh của các bộ phim nghệ thuật trong năm nay, chúng ta sẽ có: Moonlight = Miami, Fences = Pittsburgh, Manchester by the Sea = New England, Loving = Virginia, Hell or High Water = Texas, Lion = India, Silence = Japan. Và duy nhất chỉ có La La Land là bộ phim có bối cảnh tại Los Angeles – quê hương của chính Hollywood. Chưa kể, nội dung phim còn về những người nghệ sỹ, một chàng nhạc sỹ jazz mộng mơ cùng một nàng diễn viên triển vọng, trên con đường theo đuổi giấc mơ nghệ thuật.
Người ta thường hay nói: "There’s no place like home". Và La La Land chính là câu chuyện về mái nhà của Hollywood – Los Angeles
Tony Angellotti, một chuyên gia phân tích giải thưởng, đã viết: "Phim về Hollywood, một phần nào đó, luôn được ưu ái bởi chính… Hollywood. Không phải chúng không phải là những bộ phim hay mà là bởi, bản thân chúng luôn có sẵn một vé trong mắt của một số thành viên của Viện Hàn Lâm".
Nói đâu xa xôi, từ năm 2010 tới nay, đã có tới ba bộ phim nói về Hollywood dành được giải thưởng lớn Best Picture tại Oscar gồm: Birdman, Argo, The Artist. Và La La Land sẽ là người "kế thừa" truyền thống đó?
Chưa kể, La La Land còn là bức thư tình trị giá 37 triệu USD rất được lòng giới phê bình lẫn công chúng trên toàn thế giới. Sau khi nhận được hàng ngàn lời khen ngút trời tại LHP Venice vào tháng 8, La La Land tiếp tục được đông đảo người yêu phim say mê khi chính thức công chiếu vào những ngày cuối tháng 12 vừa qua.
So về mặt nội dung, hai đối thủ lớn của La La land hiện giờ đều là những câu chuyện u ám đầy nặng nề. Manchester by the Sea là tấn bi kịch vụn vỡ của một người đàn ông. Còn Moonlight lại là câu chuyện buồn về một thanh niên da màu đồng tính, nghiệp ngập lớn lên trong một khu ổ chuột tại Miami.
Hai ứng cử viên còn lại, "Moonlight" và "Manchester by the Sea" đều là những phim có nội dung rất buồn thảm
Oscar những năm gần đây luôn thích những bộ phim phản ánh nhiều thông điệp xã hội mà các giám khảo muốn gửi tới xã hội. Spotlight là câu chuyện về việc Giáo hội Công giáo bao che cho các linh mục ái nhi, 12 years a slave lại là về những tàn tích của chế độ nô lệ và The Hurt Locker là chuyện về những người lính trong chiến tranh. Xu hướng này xem ra có vẻ hợp với Hell of High Water (với cuộc nổi loạn của những nạn nhân do nạn cho vay cắt cổ gây ra) và Hacksaw Ridge (một sự pha trộn giữa lòng yêu nước với chủ nghĩa hòa bình).
Một bộ phim hay hiếm hoi về miền Viễn Tây trong nhiều năm trở lại đây
La La Land ngược lại, là một bữa tiệc màu sắc rực rỡ với âm nhạc, tình yêu và khát vọng của tuổi trẻ. Một tác phẩm dành cho những con người mộng mơ – như chính Emma Stone đã thừa nhận khi nhận giải Nữ chính xuất sắc nhất hạng mục phim hài, ca vũ kịch.
Tuy kết thúc bi kịch nhưng "La La Land" vẫn là một giấc mơ đẹp và tươi sáng hơn những câu chuyện còn lại
Và biết đâu được, trong bối cảnh chính trị xã hội u ám hiện tại, khi cả Hollywood dường như đồng lòng chống đối vị tân tổng thống Donald Trump. Khi những than phiền về một #Oscarwowhite của năm ngoái vẫn còn âm ỉ chỉ chực chờ bùng phát, thì La La land không chừng lại là sự lựa chọn phù hợp nhất. Bởi thực tại càng khắc nghiệt, lại là lúc chúng ta cần những "mộng mơ đẹp" đắm chìm biết bao.
Những kẻ mộng mơ sẽ viết tiếp thành công giấc mơ Oscar rực rỡ?
Damien Chazelle – vị đạo diễn "trẻ tuổi tài cao" mới của Hollywood cũng đã gửi gắm điều đó trong chính La La Land: "Bây giờ là thời điểm quan trọng để quên đi thực tại và chỉ cần mơ thôi, để xoay vần quanh những giá trị của tình yêu, nghệ thuật và những hành động hão huyền, bất chấp cả chuyện những giấc mơ ấy có trở thành sự thật hay không".
Khó khi Quả Cầu Vàng không phải là "dự báo chính xác" cho Oscar
Chiến thắng tại Quả Cầu Vàng là một lợi thế nhưng không phải là tất cả trong cuộc đua khốc liệt phía trước. Bởi hội đồng giám khảo của Hiệp hội Báo chí là hoàn toàn khác với Viện Hàn Lâm và những giải chuyên môn khác.
Cụ thể, Hiệp hội Báo chí Nước Ngoài – giám khảo của Quả Cầu Vàng chỉ gồm khoảng hơn 100 nhà báo với những sở thích, xu hướng mang tính truyền thông nhiều hơn là ưu tiên về chuyên môn. Còn Viện Hàn Lâm, với khoảng hơn 7000 thành viên, là những cá nhân, chuyên gia trong nghề với đủ mọi lĩnh vực điện ảnh. Từ đạo diễn, diễn viên, biên kịch cho tới quay phim, thiết kế…
Quả Cầu Vàng vẫn được xem là giải thưởng "dự báo" tiền Oscar nhưng thật ra, nó chỉ dự báo đúng với tỷ lệ hơn 50%. Nếu muốn đoán chính xác hơn, người ta thường dựa vào kết quả của 5 giải thưởng khác, gồm: DGA (Directors Guild of America) – PGA (Producers Guild of America) cho Best Picture, SAG (Screen Actors Guild), BAFTA cho các mục diễn xuất và Writers’ Guild (WGA) cho biên kịch.
Tính chất dự báo Oscar của Quả Cầu Vàng thật ra không chắc chắn như DGA, PGA, SAG và WGA
Hiện tại, La La Land đã trượt mất đề cử tại SAG – nơi mà năm ngoái Spotlight đã giành chiến thắng cả SAG lẫn Oscar. Dù tại Quả Cầu Vàng cùng năm, Spotlight đã để thua The Revenant cho ngôi vị cao nhất.
Từ sự khác biệt trong số lượng và nguồn gốc thành viên bình chọn kể trên, có thể thấy là Quả Cầu Vàng không phải là một "dự báo" Oscar chuẩn xác cho lắm. Walt Hickey, cây bút của FiveThirtyEight đã chỉ ra, từ năm 2013 tới nay, Quả Cầu Vàng chỉ đoán trúng 50% Best Picture, 40% Best Director, 90% cho Nam – Nữ chính (tỷ lệ chủ yếu ở mục Phim Chính kịch)
Về mảng phim nói chung, lịch sử cũng không quá khả quan cho những quán quân ở mục Phim hài, ca vũ kịch xuất sắc nhất. Trong số những phim thuộc thể loại này, duy nhất chỉ có The Artist là tác phẩm từng giành được giải Best Picture tại Oscar. Trong khi đó, hạng mục phim Chính kịch vẫn được xem là dự báo nhiều tiềm năng với 50% cơ hội. Rõ ràng trong cuộc đua song mã, Moonlight vẫn chiếm được nhiều ưu thế hơn.
Thống kê số lượng Best Picture (từng thắng Quả Cầu Vàng lẫn Oscar) trong 50, 10 và 5 năm trở lại đây. Số 1 ở hai tượng nhỏ hơn chính là The Artist. Nguồn: Irishexaminer
Huống hồ, việc phân ra hai mảng Phim chính kịch/ Phim hài, ca vũ kịch tại Quả Cầu vàng cũng đã góp phần tăng cơ hội chiến thắng cho La La Land nhiều hơn. Chiến thắng của Emma Stone có được đảm bảo không, khi cô không phải đối diện với Natalie Portman, Amy Adams và đặc biệt là Isabelle Huppert quá xuất sắc? Với Ryan Gosling cũng tương tự, cơ hội nào cho anh khi đối đầu với đối thủ quá áp đảo – Casey Affleck?
Không chỉ đối đầu với Natalie Portman…
Emma Stone còn phải cạnh tranh với Isabelle Huppert nữa.
Ryan Gosling xem ra còn gặp khó khăn nhiều hơn với Casey Affleck
Ở mục Đạo diễn xuất sắc, Damien Chazelle hẳn đang có chút lợi thế nho nhỏ trong cuộc đua với Kenneth Lonergan (Manchester by the Sea), Denzel Washington (Fences), Barry Jenkins (Moonlight).
Tất nhiên, con số thống kê cũng chỉ là tham khảo. Các công bố đề cử của Viện Hàn Lâm vẫn chưa xuất hiện và cuộc đua tới Oscar vẫn còn hơn 1 tháng nữa. La La Land sẽ tiếp tục thành công hay thất bại, vẫn còn là điều rất khó dự báo. Thế nhưng, với chuỗi kỷ lục 7 giải thưởng danh giá tại Quả Cầu Vàng đêm qua, những khán giả yêu mến bộ phim ca nhạc này tạm thời có quyền được mơ, được bay xa hơn trong giấc mơ "vàng" sắp tới.