Sinh năm 1976 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Thích Kha từng là niềm hy vọng rực rỡ của gia đình và là một trong những thần đồng lừng danh. Ngay từ nhỏ, cậu bé Thích Kha đã thể hiện trí tuệ vượt trội, luôn dẫn đầu trong mọi kỳ thi, khiến ai cũng tin chắc tương lai của Thích Kha sẽ rạng rỡ. Không phụ sự kỳ vọng, sau đó Thích Kha đã đỗ vào Đại học Thanh Hoa, nơi được ví như Harvard của châu Á với 636 điểm - một con số cực kỳ ấn tượng.
Thế nhưng, không ai ngờ người từng bước chân vào ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc lại có kết cục đầy bi kịch: bị sa thải khỏi viện nghiên cứu, trượt dài với những công việc tay chân và cuối cùng rơi vào trầm cảm nặng, sống phụ thuộc vào cha mẹ.
Thích Kha sinh ra trong một gia đình lao động bình thường ở thành phố Tương Đàm. Không giàu có cũng chẳng danh giá, nhưng cha mẹ anh lại đặt kỳ vọng cực lớn vào đứa con "có đầu óc". Từ tiểu học, Thích Kha đã bị ép học gần như cả ngày, mọi sinh hoạt được lập trình bằng thời gian biểu nghiêm ngặt. Anh không được chơi đùa, không được xem phim hoạt hình, không được kết bạn vì theo cha mẹ, những thứ ấy đều "làm chệch hướng thành tích".
Dù giáo viên từng bày tỏ lo lắng về tính cách thu mình của Thích Kha, cha mẹ anh không mấy bận tâm. Trong mắt họ, điểm số mới là thứ quyết định tất cả. Và khi con trai đỗ Thanh Hoa với điểm thi cao ngất ngưởng, họ tin rằng mình đã đúng.
Thích Kha từng là thần đồng được ngưỡng mộ
Thế nhưng, cánh cổng đại học không mang lại cuộc sống lý tưởng như cha mẹ Thích Kha từng nghĩ. Tại Thanh Hoa, Thích Kha dần nhận ra xung quanh mình đều là những học sinh xuất sắc nhất cả nước - những người không chỉ học giỏi mà còn biết giao tiếp, làm việc nhóm, có kỹ năng sống. So với họ, Thích Kha cảm thấy mình chẳng là gì. Anh dần thu mình, sống biệt lập giữa một môi trường cạnh tranh dữ dội.
Sau khi tốt nghiệp, Thích Kha vào làm tại Viện Vật lý năng lượng cao của Viện Khoa học Trung Quốc. Những tưởng đó là bệ phóng cho tương lai, nhưng thực tế khắc nghiệt đã phơi bày lỗ hổng lớn trong con người anh. Không thể giao tiếp, không thể phối hợp, không dám thể hiện quan điểm, Thích Kha sớm bị đánh giá là "không phù hợp". Anh bị sa thải.
Chưa dừng lại ở đó, cú trượt ấy, Thích Kha liên tục thất bại trong các công việc khác. Không có kỹ năng xã hội, anh không thể làm việc trong môi trường công sở. Anh từng thử làm công nhân, phát tờ rơi, thậm chí khuân vác ở công trường. Nhưng với một người được bao bọc kỹ càng từ bé, việc "khiêng xi măng" là điều quá sức. Công việc nào cũng không kéo dài quá vài tuần.
Cuối cùng, Thích Kha quay về quê sống phụ thuộc vào cha mẹ già, mang theo tâm lý sụp đổ và chứng trầm cảm kéo dài hơn một thập kỷ.
Thiếu các kỹ năng xã hội khiến Thích Kha không thể tìm được công việc phù hợp
Câu chuyện của Thích Kha khiến nhiều người phải giật mình. Một thần đồng thi đỗ Thanh Hoa, được coi là biểu tượng thành tích học tập, cuối cùng lại không sống nổi trong xã hội hiện đại. Anh không thiếu kiến thức, nhưng thiếu nghiêm trọng những kỹ năng sống tối thiểu.
Sai lầm không nằm ở Thích Kha, mà bắt đầu từ cách giáo dục cực đoan của cha mẹ. Họ đặt toàn bộ cuộc đời con vào hai chữ "thành tích", quên mất rằng một đứa trẻ cần được sống như một con người trước khi trở thành "người giỏi". Họ dồn con vào thế giới học hành, nhưng lại để trống mọi kỹ năng khác: giao tiếp, ứng xử, thích nghi.
Và khi Thích Kha vấp ngã, không có gì trong hành trang để anh đứng dậy. Những đứa trẻ khác hoàn toàn cũng có thể rơi vào vũng lầy đó. Bởi thế nên, ngay từ hôm nay, cha mẹ cần giảm bớt kỳ vọng lên con cái, thay vì ép chúng học ngày học đêm, đừng quên giáo dục con kỹ năng sống. Những thứ đó mới là thứ giúp chúng vững vàng nhất trong chặng đường phía trước.