Phim Diên Hi Công Lược dù có nhiều điểm mới mẻ nhưng vẫn không quên kèm theo những chi tiết "kinh điển" của dòng phim cung đấu như: em đi tìm chị, phi tần bức hại lẫn nhau, lãnh cung cô quạnh cho kẻ bị thất sủng...
Anh Lạc rải tro cốt của tỷ tỷ xuống giếng trong "Diên Hi Công Lược"
Trong đó, có một hình ảnh chỉ thoáng qua nhưng khơi gợi cho khán giả nhiều liên tưởng - chính là những miệng giếng trong Tử Cấm Thành. Trên thực tế, đây cũng là những "nấm mồ nước", nơi phi tang chứng cứ từ các phi vụ ám muội. Và là nơi các phi tần, cung nữ bất hạnh phải nằm xuống mãi mãi.
Chuyện kể rằng gia đình Trân Phi vốn cũng có chút vị thế trên quan trường. Năm Quang Tự thứ 13 (1887), hai chị em ruột Trân Thị và Cẩn Thị cùng tiến cung, được phong tước Tần.
Người làm chủ hậu cung lúc bấy giờ là Long Dụ Hoàng hậu - cháu gái của Từ Hy Thái hậu. Tuy nhiên, vua Quang Tự lại thờ ơ với hoàng hậu mà hết lòng sủng ái Trân Tần.
Vua Quang Tự và ái thê Trân Phi
Nàng không chỉ có nhan sắc hài hòa mà còn có suy nghĩ tiến bộ giống hoàng đế. Đến cả Thái hậu ban đầu cũng yêu mến Trân Tần, mời thầy về dạy thư pháp và quốc họa cho nàng.
Năm Quang Tự thứ 20, tức 7 năm sau khi nhập cung, Trân Tần được sắc phong tước Phi. Tất cả những chuyện trên khiến Long Dụ Hoàng hậu tích tụ lòng thù hận. Bà buông lời gièm pha Trân Phi trước mặt Thái hậu, nói nàng tiêu xài quá hoang phí.
Người ở trung tâm là Từ Hy Thái hậu. Người thứ 2 từ trái sang là Long Dụ Hoàng hậu.
Biến cố lớn đầu tiên của Trân Phi cũng đến vào năm đó. Anh họ của Trân Phi nhờ nàng góp tiếng nói để tố cáo gian thần với hoàng đế. Nhưng vụ việc bại lộ.
Hoàng hậu nhân cơ hội phản công, vu khống Trân phi có mưu đồ phế hậu, thậm chí muốn ngăn trở Từ Hy Thái hậu can thiệp triều chính. Chuyện đến tai Thái Hậu, bà liền giáng Trân phi xuống thành Trân Quý nhân. Nhưng ít lâu sau nàng được phục hồi tước Phi.
Quan hệ "mẹ chồng nàng dâu" êm thấm chưa lâu thì nhiều biến cố đã xảy ra
Để rồi 4 năm sau, đợt sóng gió thứ hai trong cuộc đời Trân Phi ập đến. Vua Quang Tự cho thi hành cuộc cải cách gọi là "Bách nhật duy tân". Nhưng chỉ đúng 100 ngày ("bách nhật") thì bị Từ Hy Thái hậu bãi bỏ. Những người ủng hộ phái duy tân không thể thoát khỏi trừng phạt, bao gồm cả Trân Phi. Nàng bị đày vào lãnh cung.
2 năm sau, khởi nghĩa nông dân nổi dậy, Bắc Kinh thất thủ. Triều đình lui về Tây An lánh nạn. Đến đây, có hai giai thoại khác nhau nói về kết cục của Trân Phi.
Trân Phi đã kết liễu dưới giếng như thế nào, không ai rõ...
Một, nàng đã bị Thái hậu sai "đại thái giám" Lý Liên Anh bức hại bằng cách đẩy xuống giếng. Hai là, do không khuyên được vua Quang Tự ở lại kinh thành làm chủ đại cuộc, nàng gieo mình xuống giếng tự vẫn.
3 năm sau, di hài của Trân Phi được thân nhân đưa ra khỏi giếng, mang đi an táng tại nơi chôn cất cung nữ bên ngoài Tử Cấm Thành.
Giếng Trân Phi ngày nay. Nó đã được xây lại để tránh rắc rối cho du khách, chứ miệng giếng ban đầu không nhỏ hẹp như thế.
Còn cái giếng nơi kết liễu cuộc đời của nàng về sau được gọi là "Giếng Trân Phi" - một điểm tham quan nổi tiếng ở Cố Cung ngày nay. Và cũng là giếng được nhiều người biết đến nhất trong khoảng 80 miệng giếng lớn nhỏ của Tử Cấm Thành.
Giếng nước đã sâu nhưng mưu kế trong hậu cung còn thâm sâu hơn gấp bội. Họ biến giếng nước thành công cụ đấu đá, hãm hại lẫn nhau. Nhẹ thì bỏ thuốc cho đau bụng, tiêu chảy. Nặng thì làm đối thủ sảy thai, thậm chí vong mạng.
Ngoài ra, phi tần, cung nữ bị bức hại, gieo mình xuống giếng tự vẫn cũng không phải là chuyện hiếm. Không giống như Trân Phi, nhiều người vẫn nằm lại ở đáy giếng, hài cốt hóa tro tàn mãi mãi.
Lưu Tam Hảo trong "Cung Tâm Kế" nhiều lần trút bầu tâm sự xuống đáy giếng
Mặt khác, nghe kể ngày xưa Tử Cấm Thành thường cho đào giếng, đào mương vào mùa đông. Cứ cách 500m lại đào 1 miệng giếng, sau đó dẫn nước chảy tràn lên.
Mùa đông rét căm căm ở Bắc Kinh làm nước đóng băng. Nước từ giếng tạo thành những "đường trượt băng", kéo dài khoảng 28 ngày. Nó giúp người xưa có thể kéo lê đá tảng, những vật cực nặng từ bên ngoài vào để gia cố hoặc xây dựng công trình mới bên trong cung.
Tử Cấm Thành phủ trắng khi đông về
Có lẽ đó mới là một trong những lí do giải thích sự tồn tại của giếng nước trong cung cấm. Vì được biết, hoàng cung ngay từ thời nhà Minh đã lấy nước từ bên ngoài, chứ "không dám" dùng nguồn nước từ những miệng giếng đáng sợ chốn thâm cung.
Nguồn: China Highlights, Mandalingua, Multimedia Studio 1...