Dù là fan của dòng phim cung đấu thời nhà Thanh hay chỉ xem thoáng qua, nhiều khán giả vẫn rất ấn tượng với "nhẫn móng tay" của các vị phi tần mỹ nữ.
Nhìn bề ngoài, vật này có vẻ làm bằng kim loại, trang trí tinh xảo, đeo ở các ngón tay. Nó dài và nhọn hoắt, "đung đưa" nhiệt tình khi các phi tần hành lễ hay... đấu khẩu với nhau!
Hình ảnh từ phim "Diên Hi Công Lược"
Nhưng thực tế, có đúng là nhà Thanh ưa chuộng loại phụ kiện kỳ lạ đó không? Và mục đích của nó làm gì?
Để tự vệ, hay để làm bằng chứng sống cho câu nói "vỏ quýt dày có móng tay nhọn"? Bạn sẽ có đáp án ngay thôi.
Nhẫn móng tay còn được gọi là "móng tay giả" hay "hộ giáp". Nó đã xuất hiện rất lâu, từ tận thời Chiến quốc. Người Trung Quốc xưa quan niệm rằng tóc, móng tay là của cha mẹ sinh ra, vì vậy tránh cắt đi mà cứ để chúng mọc dài tự nhiên!
Tóc thì không sao, nhưng móng tay mọc dài rất vướng víu, dễ gãy. Vì vậy, người ta bắt đầu chế ra "hộ giáp" với mục đích đơn thuần ban đầu là bảo vệ phần móng tay dài.
Nam - nữ ngày xưa đều chuộng "mốt" móng tay, tóc dài
Dù vậy, cả móng tay tự nhiên lẫn thứ phụ kiện bảo vệ đều rất vướng bận, gây khó khăn khi làm việc.
Vì thế, chỉ có người xuất thân cao quý, thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mới "nuôi" móng tay dài và dùng hộ giáp. Và không chỉ phụ nữ thôi đâu mà cả nam nhân cũng có thể dùng phục sức này.
Lâu dần thành thói quen, hộ giáp đã trở thành thứ phụ kiện biểu trưng cho vẻ đẹp và quyền lực của các bậc cao cao tại thượng, là phục sức không thể thiếu của phái nữ (vì họ ở khuê phòng, ít ra ngoài nên dễ "nuôi" móng tay hơn).
Các mẫu hộ giáp thời Thanh
Đến thời nhà Thanh, hộ giáp lại được nâng tầm và gắn liền với phi tần mỹ nữ chốn cung đình. Nó không còn món đồ bảo vệ móng đơn thuần mà là dấu hiệu phân cấp địa vị, quyền lực.
Hoàng hậu, quý phi dùng hộ giáp bằng vàng, bạc, ngọc trai, mai rùa,... Các phi tần thứ bậc thấp thì dùng hộ giáp bằng đồng, ngà, men sứ...
Họa tiết chạm khắc trên hộ giáp cũng vô cùng tinh xảo, hoàng hậu chạm khắc hình phượng hoàng. Hộ giáp của Thái hậu lại khắc hình chữ "vạn", chữ "thọ". Một số hộ giáp còn có thể uốn cong theo khớp ngón tay.
Hộ giáp của Từ Hy Thái hậu
Đặc biệt, Từ Hy Thái hậu từ người bảo dương hộ giáp của mình kĩ càng nhất. Theo tự truyện của một cung nữ từng theo hầu hạ bà tiết lộ, Từ Hy ngày đeo hộ giáp vàng ở bàn tay phải, hộ giáp ngọc trai ở tay trái.
Đêm ngủ thay bằng loại hộ giáp "ít lấp lánh" hơn. Bà đều đeo chúng ở ngón út và ngón áp út, mỗi cái dài từ 5 - 7cm.
Tranh vẽ cận cảnh hộ giáp của Từ Hy Thái hậu
Từ Hy bảo vệ móng tay lẫn hộ giáp vô cùng cẩn thận. Mỗi ngày đều sai cung nữ rửa bằng nước nóng, sau đó dùng nước bóng từ Pháp đánh lên.
Dù vậy, khi về già, móng tay dĩ nhiên "héo úa", xỉn màu. Ban đầu Từ Hy trách tội hạ nhân đã lơ là trách nhiệm. Nhưng cuối cùng bà nhận ra không thể chống lại quy luật tất yếu của thời gian. Lúc này Từ Hy mới chịu... cắt móng tay thường xuyên!
Phi tần trong phim "Diên Hi Công Lược" đều trang bị hộ giáp sắc nhọn
Nắm được vai trò của hộ giáp từ thực tế, các nhà làm phim đã khéo léo đưa chúng lên màn ảnh nhỏ. Mục đích vừa thể hiện hình ảnh đặc trưng của triều nhà Thanh, lại vừa tăng độ ấn tượng nơi... bàn tay của các vị nương nương.
Bộ hộ giáp lợi hại của Nhàn phi trong "Diên Hi"
Ví dụ như trong Diên Hi Công Lược, những lần hành lễ "đỏng đảnh" của Cao Quý phi, cái nhịp tay tính toán mưa kế của Nhàn Phi... đều là những chi tiết nhỏ nhưng phô bày độ sắc sảo của phục sức, giúp khắc họa tính cách nhân vật.
Giờ khi theo dõi bộ phim, bạn đã biết rõ hộ giáp dùng để làm gì rồi nhé!
Nguồn: Sách Physical Ergonomics & Human Factors, Quora, kknews