Thảm họa thủy ngân Minamata: 27 tấn chất thải hóa học đổ ra biển và nỗi đau đớn kéo dài hơn nửa thế kỷ

Hiếu Minh, Theo Helino 09:10 31/08/2019
Chia sẻ

Sau hàng chục năm bưng bít, cuối cùng thì thảm họa thủy ngân ở thành phố Minamata cũng bị bóc trần là vụ ô nhiễm hóa học tồi tệ hàng đầu trong lịch sử Nhật Bản cũng như toàn thế giới.

Quay trở lại thập kỷ 50 của thế kỷ trước, chắc hẳn cả thế giới cũng không thể nào quên đi được nỗi đau đớn kinh hoàng mà thủy ngân đã gây ra cho cư dân thành phố Minamata, phía Nam Nhật Bản suốt khoảng thời gian đó. Môi trường ở thành phố ven biển xinh đẹp bỗng chốc bị hủy hoại còn con người và vật nuôi thì chết hàng loạt vì một căn bệnh kỳ lạ mà trước đó y học chưa từng nhắc tới.

Những cái chết hàng loạt bí ẩn của con người và vật nuôi trong thành phố

Thảm họa thủy ngân Minamata: 27 tấn chất thải hóa học đổ ra biển và nỗi đau đớn kéo dài hơn nửa thế kỷ - Ảnh 1.

Minamata là thành phố ven biển thuộc tỉnh Kumamoto.

Chân tướng vụ thảm họa bắt đầu khi những con mèo trong thành phố Minamata đồng loạt phát điên và tự lao xuống biển chết. Khi bí ẩn này còn chưa kịp lý giải thì sau đó không lâu, một căn bệnh lạ đã len lỏi vào từng ngóc ngách và tấn công người dân trong thành phố. Họ đồng loạt bị tê liệt chân tay và môi. Một số người thì gặp khó khăn trong việc nghe, nhìn và đi lại. Thậm chí, có người còn bị phá hủy não bộ. Thật trùng hợp là giống như những con mèo lao xuống biển tự tử, một vài trường hợp mắc bệnh nặng còn hóa điên và hò hét mất kiểm soát.

Tháng 5/1956, 4 bệnh nhân ở Minamata nhập viện trong tình trạng giống nhau. Họ đều có dấu hiệu sốt rất cao, co giật, loạn thần, mất nhận thức, hôn mê và cuối cùng là tử vong. Sau đó không lâu, 13 người dân sống gần một làng chài ở gần thành phố cũng chết vì những triệu chứng tương tự. Cứ như thế, số lượng người mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh lạ ngày một tăng chóng mặt. Điều này đã khiến các bác sĩ và nhà nghiên cứu đặt ra một dấu hỏi lớn.

Truy tìm thủ phạm gây ra căn bệnh "hóa điên tới chết"

Thảm họa thủy ngân Minamata: 27 tấn chất thải hóa học đổ ra biển và nỗi đau đớn kéo dài hơn nửa thế kỷ - Ảnh 2.

Chất thải từ nhà máy hóa dầu của Tập đoàn Chisso.

Thảm họa thủy ngân Minamata: 27 tấn chất thải hóa học đổ ra biển và nỗi đau đớn kéo dài hơn nửa thế kỷ - Ảnh 3.

Chất thải hóa học chảy ra biển làm nhiễm độc cá và nguồn nước.

Qua nhiều xét nghiệm, cuối cùng tới tháng 7/1959, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kumamoto đã phát hiện nguồn gốc của căn bệnh lạ ở thành phố Minamata chính là do nhiễm độc thủy ngân gây ra. Trong khi người dân sống ngoài khu vực Minamata chỉ có mức độ thủy ngân trung bình cho phép là 4 ppm, thì người dân bình thường ở khu vực này đã có mức phơi nhiễm cao gấp gần 50 lần. Có người mắc bệnh còn bị phơi nhiễm nặng tới 705 ppm.

Minamata là một thành phố nhỏ gần biển Shiranui. Do vị trí địa lý nên người dân ở đây thường ăn cá. Do sự trùng hợp giữa cái chết hàng loạt của người dân và đàn mèo mà các nhà khoa học đã tìm ra manh mối. Có thể, lượng cá biển tiêu thụ trong thành phố đã bị nhiễm độc. Ngay lập tức, mọi nghi vấn đều chĩa vào công ty sản xuất hóa dầu trực thuộc Tập đoàn Chisso. Được biết, từ năm 1932, nhà máy này đã thải ra vùng biển gần Minamata khoảng 27 tấn hợp chất kịch độc có tên gọi là thủy ngân vô cơ. Đây là hợp chất được sinh ra trong quá trình sản xuất ra Acetal Dehyt. Tuy nhiên, Chisso vẫn kiên quyết không thừa nhận mọi cáo buộc và vẫn tiếp tục xả thủy ngân ra biển cho tới năm 1968 mới chấm dứt.

Nỗi đau còn mãi sau hơn nửa thế kỷ

Thảm họa thủy ngân Minamata: 27 tấn chất thải hóa học đổ ra biển và nỗi đau đớn kéo dài hơn nửa thế kỷ - Ảnh 4.

Takako Isayama, 12 tuổi chỉ là một trong hàng chục, hàng trăm nghìn nạn nhân của thảm họa Minamata

Kể từ thời điểm phát hiện, căn bệnh lạ đã được y học công bố chính thức là bệnh Minamata, căn bệnh thần kinh do nhiễm độc thủy ngân gây ra. Tính đến năm 2001, chính phủ Nhật Bản xác nhận đã có 2.265 người là nạn nhân của thảm họa Minamata. Trong đó, 1.784 người đã chết. Ở một số trường hợp đặc biệt, phụ nữ mang thai nhiễm bệnh còn sinh con bại não và dị dạng bẩm sinh. Cho đến giờ, vẫn còn khoảng 10.000 nạn nhân khác nhận được khoản tiền bồi thường thiệt hại từ Chisso.

Không chỉ phía Chisso mà chính phủ Nhật Bản cũng bị Tòa án Tối cao yêu cầu phải bồi thường thiệt hại 71,5 triệu yên (khoảng 15,6 tỷ đồng) cho các nạn nhân của thảm họa Minamata. Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật cũng cúi mình gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới các nạn nhân. Kết quả là sau nhiều năm, những nạn nhân của Chisso cũng đã khiến tập đoàn này phải trả giá cho hành vi hủy hoại môi trường nghiêm trọng cũng như phớt lờ trách nhiệm.

Tới năm 2010, khi Chisso bị yêu cầu phải bồi thường và chi trả tiền phí thuốc men cho người mắc bệnh Minamata, đã có tới 50.000 người viết đơn yêu cầu. Điều này chứng tỏ, sau hơn nửa thế kỷ, di chứng mà thảm họa thủy ngân gây ra cho người dân vẫn còn dai dẳng.

Thảm họa thủy ngân Minamata: 27 tấn chất thải hóa học đổ ra biển và nỗi đau đớn kéo dài hơn nửa thế kỷ - Ảnh 5.

Mẹ con bà Shinobu Sakamoto trên đường tới bệnh viện khám chữa căn bệnh Minamata.

(Nguồn: Tổng hợp)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày