Thảm họa lũ quét do đứt gãy sông băng ở Ấn Độ: Nhân tai hay thiên tai?

Phan Tùng, Theo VOV 20:04 08/02/2021

Thiệt hại nặng nề về người và của do lũ quét gây ra bởi đứt gãy sông băng ở Ấn Độ đã khiến người ta phải thêm một lần suy nghĩ sâu sắc về nguyên nhân của thảm kịch này.

Tới thời điểm này, giới chức Ấn Độ đã đưa ra các thống kê khá đầy đủ về hậu quả của trận lũ quét do vỡ sông băng trên dãy Himalaya xảy ra tại bang miền Bắc Uttarakhand sáng 7/2. Theo đó, 153 người được cho là đang mất tích do bị lũ cuốn trôi. Hầu hết trong số này là các công nhân đang làm việc tại các công trường thủy điện dọc theo lưu vực hai con sông Dhauliganga và Alaknanda.

Theo cảnh sát bang Uttarakhand, đất đá và các mảnh vỡ theo dòng lũ tràn xuống đã xóa sổ hoàn toàn dự án thủy điện Raini, cuốn theo 32 người. Dòng nước này tiếp tục tàn phá công trình thủy điện thứ hai ở phía dưới, khiến 121 người mất tích. Tới thời điểm này, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy được 10 thi thể, 12 người khác đã được cứu sống tại một đường hầm nhỏ ở khu vực Tapovan.

Bây giờ, các nỗ lực cứu hộ đang tập trung vào giải cứu những người đang bị mắc kẹt trong một đường hầm lớn hơn, dài hơn 180m. Đường hầm này chỉ có một lối ra và đã bị đất đá bít chặt. Đội cứu hộ mới chỉ đào bới được khoảng 70-80m và đang nỗ lực để tiếp cận với khoảng 70-80 công nhân đang bị mắc kẹt tại đây.

Quân đội Ấn Độ đã cử các đội tìm kiếm trên không tới khu vực này để đẩy nhanh việc tìm kiếm người mất tích. Vì khu vực chịu lũ quét rộng và kéo dài theo lưu vực sông nên các lực lượng tìm kiếm sẽ điều động máy bay lên thẳng hạng nhẹ, thiết bị bay không người lái để tìm kiếm các vị trí có thể có người mất tích.

Lý giải nguyên nhân

Nguyên nhân cụ thể của thảm họa này sẽ cần các dữ liệu khoa học để khẳng định. Tuy nhiên dư luận Ấn Độ cho rằng trận lũ quét này là sự kiện hiếm và tồi tệ nhất liên quan tới băng tan trên các ngọn núi thuộc dãy Himalaya từ trước tới nay. Trong nhiều năm qua, người ta đã chứng kiến sự thu hẹp đáng ngại của các sông băng vĩnh cửu trên các triền núi cao. Điều này giảm sự ổn định của các sườn núi khi mà chỉ một vài biến cố nhỏ cũng có thể khiến chúng sạt trượt, đứt vỡ và dồn nước cùng đất đá xuống các thung lũng phía dưới.

Đây là hậu quả rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu với cuộc sống của con người và thiên nhiên. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến các kiểu thời tiết thất thường như lượng tuyết rơi và lượng mưa tăng lên, mùa đông ấm hơn dẫn đến lượng tuyết tan nhiều. Theo các chuyên gia, nhiệt độ của băng trên núi đang tăng lên. Trước đó, nhiệt độ của băng dao động từ -6 đến -20 độ C, bây giờ là -2 khiến băng dễ bị tan chảy hơn.

Lý giải về sự cố đặc biệt hiếm này này, các chuyên gia Ấn Độ cho rằng đợt lũ quét này có khả năng xuất phát từ một túi nước trong khu vực. Các túi nước thực ra là các con hồ nằm dưới các sông băng và con người không quan sát được. Tai họa xảy ra nếu có các tác nhân khiến lượng nước này bộc phát thoát ra ngoài.

Ngoài ra, việc con người phát triển hàng loạt các dự án thủy điện dọc các con sông phía dưới của dãy Himalaya cũng góp phần làm hậu quả nặng nề hơn.

Trong trận lũ quét vừa qua, 2 công trình thủy điện đang thi công tại bang Uttarakhand đã gần như bị xóa sổ, còn 2 dự án nữa ở thấp hơn dưới hạ du cũng đã bị ảnh hưởng.