Bỡ ngỡ, hoang mang và có thể có lo lắng là tâm trạng chung của nhiều sinh viên trong những ngày đầu lên thành phố nhập học. Trở thành tân sinh viên, tức nhiều bạn đã rời xa vòng tay của gia đình, bắt đầu cuộc sống tự lập và tự lo mọi thứ. Trong đó, làm chủ tiền nong, dù là đồng tiền mà các bạn tự kiếm được hay nhận từ gia đình, cũng là kỹ năng mà nhiều người trẻ thấy đau đầu khi tìm hiểu và áp dụng chúng trong chi tiêu hàng ngày.
Nhiều sinh viên cho biết trong thời gian đầu nhập học, các bạn thường khó kiểm soát chi tiêu, dẫn đến tình trạng chưa đến cuối tháng đã “cháy túi”, phải nhịn ăn, làm bạn với mì tôm hoặc vay mượn từ người khác.
Thanh Hằng (18 tuổi) cho hay, trong khoảng thời gian đầu lên Hà Nội học, cô bạn thường xuyên tiêu hết sạch tiền. Ngoài khoản tiền nhà và học phí đã được đóng trước hàng tháng, cô còn được bố mẹ cho 4 triệu tiền sinh hoạt phí. Cô bạn từng nghĩ, số tiền này đủ để cô chi tiêu, thậm chí còn có thể tiết kiệm được vài đồng. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.
Sở dĩ Thanh Hằng thường xuyên hết tiền vì chưa có ý thức quản lý tài chính và hay mua sắm quá tay. Cô bạn bày tỏ: “Tâm lý của sinh viên trong những ngày đầu mới lên nhập học là muốn đi chơi và tìm hiểu mọi thứ. Nhìn thấy đồ ăn nào ngon, món đồ nào xinh thì mình thường muốn mua về. Kết quả là mấy tháng đầu, mình hay tiêu hết tiền. Có tháng mình bị âm tiền thì vay anh chị trong nhà để bù vào, tháng sau sẽ trả lại. Mình nghĩ tình hình tài chính sẽ ổn hơn sau 2-3 tháng tới. Vì lúc này, mình đã quen với cuộc sống ở thành phố, và các cuộc hẹn rủ nhau đi khám phá với bạn bè đã giảm bớt”.
Một trường hợp khác, Việt (18 tuổi) cho hay. thường xuyên hết tiền vì sở thích săn hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội cao hơn nhiều so với ở quê nên anh chàng vẫn còn chưa tìm được cách mua sắm hợp lý cho các khoản chi hàng ngày.
Việt chia sẻ: “Có một thói quen mình muốn bỏ là săn đồ giảm giá. Hầu như tuần nào mình cũng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, tốn hơn một nửa số tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng. Có tuần tiêu nhiều quá thì mình đành mượn bạn ở cùng trọ, hoặc ăn ít hơn để bù vào. Mình mới là sinh viên năm nhất nên chưa dám mang nợ. Nên may là dù có tuần tiêu quá tay nhưng mình thà nhịn đói còn hơn vay tiền”.
Tương tự Việt, Chu Quỳnh (18 tuổi) cho hay, một trong những bỡ ngỡ của cô bạn khi lên Hà Nội nhập học là chi phí sinh hoạt đắt hơn nhiều so với quê.
Chẳng hạn, khi ôn thi tốt nghiệp THPT, Chu Quỳnh thường uống cafe hoặc trà sữa với giá 30 - 40 ngàn đồng/cốc. Tuy nhiên, khi lên thành phố, cô không dám uống nhiều đồ bên ngoài vì mức giá cho cốc nước tăng lên 70-80 ngàn đồng/cốc. Hay nếu mua rau ở quê thì giá tiền rất rẻ, nhưng lên Hà Nội thì đắt gấp 3 lần, một số loại rau còn đắt hơn tiền mua thịt, trứng.
Chu Quỳnh nói: “Trước khi lên Hà Nội, mình có mua đồ ăn ở quê rồi. Nhưng thỉnh thoảng ra chợ, mình có mua đồ ăn bên ngoài thì vẫn thấy bất ngờ vì giá thành đắt gấp 2-3.
Ngoài ra, thời gian đầu mới lên Hà Nội, để ổn định cuộc sống thì mình phải mua rất nhiều thứ. Những món đồ tưởng rẻ nhưng gộp vào là số tiền lớn. Cứ như thế, mình đã tiêu hết số tiền bố mẹ cho để lên thành phố học”.
Chu Quỳnh chia sẻ, sắp tới, cô bạn sẽ học cách cân đối chi tiêu, đồng thời tìm hiểu cách đi chợ để tránh rơi vào tình trạng tiêu tiền quá mức. Bên cạnh đó, cô cho rằng, nếu ở ký túc xá thì sẽ tiết kiệm hơn vì thường giá tiền thuê phòng sẽ rẻ hơn so với bên ngoài. Và sẽ càng tuyệt hơn nếu bạn tìm được bạn cùng phòng vừa biết mua sắm, mà còn chi tiêu tiết kiệm để ở cùng.
“Sắp tới mình dự tính còn đi kiếm công việc làm thêm để tăng tiền tiêu bên ngoài, đỡ phải xin thêm từ bố mẹ. Ngoài ra, có công việc làm thêm sẽ giúp mình học thêm được kỹ năng và gia tăng trải nghiệm hơn”, Chu Quỳnh cho hay.
Còn với Việt, cậu bạn rút kinh nghiệm là hạn chế mua sắm những đồ dùng không cần thiết trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Việt còn muốn tiết kiệm tiền ăn ngoài hàng và học cách tự nấu tại nhà để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, Thanh Hằng lại bày tỏ: Với sinh viên năm nhất, cô nghĩ tình trạng tiêu hết tiền bố mẹ cho là chuyện bình thường. Bạn không cần quá căng thẳng về tình trạng này. Tuy nhiên, sau khi cuộc sống ở thành phố đã ổn định, bạn nên học cách mua sắm tiết kiệm, hoặc đi làm thêm để gia tăng thu nhập.