Tết với người trẻ: Dù có trăm ngàn nỗi lo vẫn không sợ bằng bị hỏi nhiều ngày Tết

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 21:30 23/01/2020

Trăm nỗi lo, ngàn nỗi lo, không bằng nỗi lo sợ bị hỏi nhiều ngày Tết. Tiền lương bao nhiêu? Thưởng Tết bao nhiêu? Bao giờ lập gia đình?... Toàn những câu hỏi hóc búa khiến Tết của người trẻ trở thành một nỗi ám ảnh không tên.

Sau tất cả, "cân hết" mọi vất vả chỉ đổi lấy hai chữ "về nhà"

Khi mùa xuân ấm áp quay lại, những đàn chim di trú lại bắt đầu hành trình trở về quê hương. Con người cũng vậy, bôn ba vất vả nơi xứ người, ai mà chẳng muốn tìm về nguồn cội mỗi độ xuân sang. Với người trẻ, về nhà vào ngày Tết càng ý nghĩa hơn. Bởi sau một năm ròng rã, đây là khoảng thời gian mà họ lại được đoàn tụ cùng gia đình.

Đêm 30 chuẩn bị Giao thừa, hình ảnh đoàn người chen chúc ở bến bãi, sân bay, tay xách nách mang, hồ hởi khăn gói hồi hương gặp lại gia đình, bạn bè, xóm giềng được ví von như "cuộc di dân lớn nhất trong năm". Trong dòng người đó, có rất nhiều người trẻ trở về với biết bao tâm tư, nỗi niềm nửa vui nửa buồn không sao tả xiết.

Người thân ở quê chắc khó có thể hình dung hết hành trình đón tết "chông gai" của người trẻ: Họ phải vật lộn với núi công việc, quay cuồng với những deadline, doanh số cuối năm hay báo cáo tổng kết. Chưa kể đến việc vật vã săn vé tàu xe, len lỏi trong siêu thị kín người sắm quà Tết cho gia đình. Sau đó là hành trình tay xách nách mang mệt mỏi, chen chúc trên các chuyến xe nghẹt người hay những con đường chật cứng xe cộ.  

Tết với người trẻ: Dù có trăm ngàn nỗi lo vẫn không sợ bằng bị hỏi nhiều ngày Tết - Ảnh 1.

Dẫu vậy, bao nhiêu niềm vui háo hức khi được trở về nhà, sum họp bên bữa cơm ấm áp tình thân cũng đủ làm động lực mạnh mẽ để những người con xa xứ nở nụ cười thật tươi. Chỉ cần hình dung gương mặt ba mẹ reo mừng như thế nào khi ta hăm hở vụt qua cổng rồi hét to "Con về rồi đây", những phút giây quây quần bên nồi thịt kho tàu, nồi bánh chưng, bánh tét là mọi mệt mỏi biến mất.

Vạn ngàn câu hỏi "sương sương", sao câu nào cũng khó đủ đường?

Thế nhưng, đó có lẽ là những cái Tết mươi mười năm trước. Bởi trong vòng xoáy của kinh tế thị trường, người trẻ ngày nay thường phải đối mặt với ngày càng nhiều những câu hỏi hóc búa mà ẩn sâu trong đó là sự kỳ vọng quá lớn từ các bậc phụ huynh: Con làm gì trên đấy sao về không thấy mua quà gì hết? Làm trên kia lương tháng bao nhiêu tiền? Năm nay được thưởng bao nhiêu?  

Tết với người trẻ: Dù có trăm ngàn nỗi lo vẫn không sợ bằng bị hỏi nhiều ngày Tết - Ảnh 2.

Dưới áp lực cơm áo gạo tiền, nhiều bạn trẻ ngày nay có xu hướng kết hôn muộn. Điều này dẫn đến thêm một loạt các câu hỏi khó trả lời khác: Có người yêu chưa? Bao giờ cưới vợ? Sao không thấy dẫn ai về nhà?... Và cả những sự so sánh "ngầm" nhưng đôi khi cũng khiến nhiều người trẻ cảm thấy chạnh lòng: Thằng con tui mới sắm chiếc xe tay ga, còn con tôi chỉ sắm cho căn nhà.

Chọn lựa tránh né hay cứ gồng mình chịu đựng những câu hỏi khó không thể khiến người trẻ hạnh phúc và dễ chịu trong chính ngôi nhà của mình. Bên cạnh những người thân yêu vào ngày Tết, đâu ai muốn phải khoác lên mình một bộ mặt khác của kỳ vọng, danh lợi, thành công, ai cũng muốn được bình dị trong tình yêu thương chan hòa.  

Ta là ai? Sắm vai một người khác hay chọn được sống như ý mình?

Tết đến xuân về là dịp hiếm hoi được sum họp gia đình, được trở lại lối sinh hoạt thường nhật mộc mạc đã theo ta từ thuở ấu thơ cho đến khi khôn lớn. Tết là tấm vé hiếm hoi để ta quay trở về tuổi thơ, quay ngược thời gian trở về ngôi nhà thân thuộc, bên giếng nước ao làng, bên chiếc tủ cũ kỹ, soi lại mình trong gương, tìm lại chính mình với ước mong được sống như ý.

Trong chiếc gương ấy, đã từng có một cậu bé ước mình được ngao du khắp nơi những năm tháng tuổi trẻ, đã từng có một cô bé ước mơ được lên vùng cao dạy các em nhỏ học chữ. Trong chiếc gương cũ giữa nhà, chưa từng có những câu hỏi, những kỳ vọng xa xôi đặt lên vai mỗi người. Và rồi khi tuổi thơ trôi qua, những câu hỏi, kỳ vọng mang màu vật chất đã từng ngày lấy đi giấc mơ của nhiều người, khiến họ phải sống khác và trở thành một con người khác.  

Tết với người trẻ: Dù có trăm ngàn nỗi lo vẫn không sợ bằng bị hỏi nhiều ngày Tết - Ảnh 3.

Tết năm nào khi con còn bé ba từng kể: Ba từng có mơ ước băng qua đại dương, chinh phục những vùng đất khác, ông cũng từng có giấc mơ trở thành kiện tướng cờ tướng quốc gia và dì đã từng có giấc mơ theo đoàn hát cải lương... Bao mùa Tết đã qua, từ bỏ giấc mơ được sống như ý mình, để sống một cuộc đời khác, ba, ông và dì có thật sự trọn vẹn hạnh phúc hay vẫn tiếc nuối hoài bão đời mình?

Một ngày trở về nhà, nhìn vào gương. Chiếc gương vẫn của năm nào nhưng người trong gương đó không còn là ta nữa mà là một ai khác, một khuôn mặt khác, một mái tóc khác... Liệu chúng ta có thấy hạnh phúc không trong chính ngôi nhà nơi ta trở về? Hay chôn chân trước một hình hài xa lạ trong gương, miệng cười như mưa tuôn như đang diễn tuồng? 

Tết về, không sắm vai ai, chỉ cần "sống như ý" mình bên gia đình là đủ

Tết trở về, đâu chỉ là để nghỉ ngơi, thưởng thức bữa cơm gia đình mà đó còn nhắc nhở người trẻ gia đình là mái nhà che nắng che mưa cho họ về nương náu. Tết trở về còn là tìm về nguồn cội, ấu thơ, về gốc rễ tâm hồn của mỗi người. Về nhà ngày Tết là tìm về nơi người trẻ được bỏ đi hết những bộ mặt khác, cởi bỏ những chiếc áo đã khoác lên ngoài xã hội, được bình dị là chính mình. Niềm tin, sự động viên và tiếp sức từ gia đình trong ngày về đón Tết chính là nguồn động lực lớn nhất trong cuộc sống năm mới. Vậy nên, đừng vì những câu hỏi bâng quơ, đừng vì những kỳ vọng so đo mà đánh mất đi những niềm vui quý báu phút sum vầy, của chính mình và cả những người mà ta thương yêu nhất.  

Tết với người trẻ: Dù có trăm ngàn nỗi lo vẫn không sợ bằng bị hỏi nhiều ngày Tết - Ảnh 4.

"Mỗi người có một cuộc đời để sống và một con đường để đi. Nếu yêu thương, hãy đón nhận và sẻ chia để ai cũng được ‘sống đúng như ý muốn’ của mình - can đảm, mạnh mẽ sống cuộc sống mình mơ ước với nhiệt huyết và đam mê". Hãy để cho họ được cười khi vui, được khóc khi buồn, được theo đuổi hoài bão của bản thân. Có như thế thì họ mới có một cái Tết trọn vẹn và một cuộc sống thật sự như ý.

Đây là thông điệp nhân văn mà Công ty Bảo hiểm Generali Việt Nam muốn gửi gắm đến hàng triệu gia đình Việt thông qua phim âm nhạc Tết "Sống Như Ý" nhân dịp Xuân Canh Tý 2020.

SỐNG NHƯ Ý | PHIM ÂM NHẠC TẾT 2020 | GENERALI VIETNAM