Ảnh minh hoạ: Dy Khoa
Sáng nay 27 Tết, những người con xa quê đã trở về với gia đình. Mọi người đều tất bật dọn dẹp nhà cửa. Nhà nấu bánh Tét - món bánh đặc trưng của Tết miền Nam - cũng đã xắn tay gói, luộc cho kịp đón ông bà vào hai ngày nữa. Không khí Tết là cho lòng người khoan khoái hơn.
Dường như nhờ không khí này mà có vẻ mọi người dễ thông cảm và chấp nhận cho nhau.
"Tết mà!"
Chúng ta thường mong chờ đến Tết, quý trọng khoảng thời gian trước Tết hơn là đắm chìm những ngày trong Tết. Bởi đã đến Tết thì Tết qua rất nhanh. Hồi còn là sinh viên, tôi thèm được về nhà. Ngồi trên xe thôi cũng đã thấy bình yên.
Hồi đó chưa có xe chất lượng cao như bây giờ nên hành khách bị nhồi nhét, đan chồng lên nhau. Kèm theo giá vé đắt hơn 3-4 lần so với ngày thường. Chủ xe thì cứ luôn miệng: "Tết mà!". Ừ thì sau câu nói ấy đồng nghĩa mọi thứ khác dịp Tết đều tăng nên nhà xe cũng phải tăng.
Năm nào cũng đi chợ Tết. Câu "Tết mà!" được nói bật thành thói quen ở tất cả sạp hàng, cả gian trong lồng chợ hay hàng lấn chiếm vỉa hè. Hai bó bông bình thường giá chỉ 15 nghìn đồng thì nay tăng gấp 3 lần, lên 75 nghìn đồng. Cân thịt, bó rau cũng tăng chóng mặt với hệ số tăng giá đến 5-7 lần. Người bán vẫn lặp lại câu thần chú "Tết mà".
Rõ ràng đây là câu thần chú hoạt động mạnh mẽ nhất dịp Tết. Không cần ông Thần Tài phù hộ thì thương nhân vẫn kiếm được những món hời cực lớn. Câu nói ngắn mang giá trị rất lớn. Nhẩm tính việc tăng giá có thể giúp người bán sống khoẻ đến một tháng sau Tết.
Thế mà lạ thay!
Người mua ngày thường sẽ nhảy dựng lên, kiên quyết trả giá thì nay vẫn tươi cười, chấp nhận và bỏ qua việc tăng giá này. Tôi cảm nhận được cái "truyền thống" lạ lùng này được duy trì rất nhiều năm, từ hồi tôi còn bé đến giờ cũng ngót 30 năm.
Sáng nay, trong không khí hân hoan đi chợ Tết câu nói thần thánh kia lại xuất hiện rõ rệt bên tai. Tôi định trả giá thì mẹ tôi lại cản: "Tết mà!". Tức là người tiêu dùng cũng chấp nhận cho "truyền thống". Không chỉ mẹ mà để ý tất cả người đi chợ Tết đều mỉm cười bỏ qua và đi tiếp.
Trước đây do tình hình sản xuất những mặt hàng bán tại chợ như rau, thịt, cá, hoa quả .. thường có kỳ nghỉ Tết dài do tư duy lao động nông thôn. Điều này dẫn đến các thương nhân tại chợ buộc phải tích trữ hàng hoá để đảm bảo phục vụ khách hàng một vài tuần sau Tết. Điều đó đồng nghĩa với cầu tăng nhưng cung lại hạn hẹp. Giá tăng trong ký ức Tết xưa có thể lý giải một phần bằng nguyên nhân này.
Một nguyên nhân khác là các chợ thường đóng cửa theo nhà cung cấp nên người dân có thói quen tích trữ hàng hoá nhiều hơn bình thường. Kéo theo lượng hàng hoá trên thị trường giảm mạnh. Giá được thời cơ để tăng phi mã. Các hoạt động mua bán tại chợ truyền thống tác động lớn đến đời sống kinh tế người dân nông thôn. Cho nên giá cả tăng tỷ lệ thuận với giá tại chợ.
Tuy nhiên, thời thế nay đã khác, hàng hoá đã đa dạng hơn. Người dân cũng có nhiều kênh mua hàng hơn là ra chợ truyền thống như mua hàng trực tuyến, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Cạnh đó chợ cũng đã mở cửa sớm hơn so với ngày xưa.
Sự thoả thuận và chấp nhận cho "Tết mà" gây hệ luỵ lớn cho diễn biến giá trên thị trường. Thậm chí, nhiều cửa hàng lấy cớ Tết tăng giá nhưng sau Tết vẫn không hạ lại như trước Tết.
Vì vậy, truyền thống "Tết mà!" để tăng giá là sự tồn tại phi lý trong mỗi dịp xuân về.