Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Tết Hàn thực còn được gọi là tết bánh trôi - bánh chay.
Ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm chính là Tết Hàn thực, một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng. Với người Việt Nam, đây cũng là dịp để tưởng nhớ, cúng dường tổ tiên, mọi người thường nặn bánh trôi, bánh chay để cúng lễ.
Người Trung Quốc cũng ăn Tết Hàn thực. Trong tiếng Trung Quốc, “寒 - hàn" có nghĩa là lạnh, "食 - thực" có nghĩa là ăn. Tết Hàn thực là ngày tết ăn đồ lạnh, bắt nguồn từ một phong tục rất xưa được lưu truyền cho đến ngày nay. Phong tục này liên quan đến câu chuyện của vua Tấn Văn Công và hiền sỹ Giới Tử Thôi.
Tết Hàn thực là ngày nào? Tết Hàn thực 2024 là ngày bao nhiêu?
Giới Tử Thôi đã đồng hành với Tấn Văn Công trong suốt 19 năm từ thuở còn bôn ba lao khổ, trải qua nhiều gian truân, góp phần phò tá nhà vua giành được ngôi vị. Tuy nhiên, khi đã đứng trên vạn người, nhà vua quên mất công lao của Giới Tử Thôi khi bình công ban thưởng. Giới Tử Thôi cũng không nhắc nhở, im lặng lui về quê và sống ẩn dật với mẹ.
Sau này, Tấn Văn Công nhớ ra và muốn phong thưởng cho Tử Thôi nên đã cử người đi tìm. Tuy nhiên, Tử Thôi từ chối trở về nhận thưởng, quyết tâm ở lại vùng núi. Để ép Tử Thôi quay về, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng, không ngờ Tử Thôi không nhân nhượng, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.
Nhà vua đau lòng, thương xót, lập miếu thờ để tưởng nhớ Tử Thôi và mẹ ông, đồng thời ra lệnh người dân hằng năm phải kiêng đốt lửa ba ngày trong dịp này, chỉ ăn đồ nguội đã chuẩn bị sẵn nhằm tưởng niệm Giới Tử Thôi. Ngày này gọi là ngày Hàn thực.
Khi du nhập Việt Nam, Tết Hàn thực không liên quan đến Giới Tử Thôi mà mang ý nghĩa hoàn toàn khác, mang đậm dấu ấn dân tộc. Ngày tết này ở Việt Nam là một trong những dịp để thể hiện tấm lòng nhớ ơn ông bà tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Con cháu cùng quây quần, nấu bánh trôi, bánh chay thành tâm dâng cúng lên bàn thờ gia tiên nhằm thể hiện lòng hiếu kính.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam có lẽ bắt đầu từ thời Lê, thịnh hành vào thời kỳ Lê Trung hưng và nhà Nguyễn. Thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: " Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy".
Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ Hàn thực rơi vào thứ Năm, ngày 11/4/ Dương lịch. Theo truyền thống của người Việt, cứ vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hàng năm, mọi người lại chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Hàn thực để dâng lên tổ tiên.
Mâm cúng Tết Hàn thực thường gồm những lễ vật như: Hương, hoa, trầu cau, bánh chay, nước sạch, mâm ngũ quả.
Số lượng bánh trôi, bánh chay chuẩn nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Hai loại bánh này đều là sản vật từ mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa.
Vào ngày lễ Hàn thực, người dân không cần thiết phải chuẩn bị mâm cao, cỗ đầy để tránh lãng phí mà quan trọng là thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay lên bàn thờ tổ tiên và cầu nguyện một năm bình an, may mắn. Nếu không có điều kiện làm bánh trôi, bánh chay, gia đình chỉ cần bày một đĩa quả tươi, thành tâm dâng cúng là được.