Trong tiếng Anh, có khá nhiều thứ bắt đầu bằng chữ "French" như: French fries (khoai tây chiên), French bulldog (chó bull Pháp), French toast (bánh mì nướng kiểu Pháp)...
Đúng là những món trên đều có "duyên nợ" với nước Pháp. Nhưng nói rằng chúng xuất xứ từ quốc gia này 100% ư? Không đâu, bởi vì...
"French fries" nếu dịch từng chữ thì nghĩa là "món chiên của người Pháp". Còn thông thường, nó được hiểu là khoai tây chiên. Nhưng nguồn gốc món này còn nhiều tranh cãi.
Cả người Pháp lẫn láng giềng của họ - người Bỉ, đều cho rằng nước mình mới là cái nôi của khoai tây chiên.
Người Bỉ cho rằng khoai tây chiên phải có tên là "Belgian fries"
Theo truyện kể Bỉ, vào thế kỉ 18, những người nông dân ở Thung lũng Meuse thường ăn món cá chiên, được đánh bắt dưới sông. Nhưng mùa đông, sông đóng băng hết, buộc họ phải đi tìm nguyên liệu khác.
Và khoai tây chính là ứng viên sáng giá nhất vì nó... quá rẻ. Từ đó, khoai được cắt nhỏ và chiên y hệt như món cá kia.
Vào Thế chiến thứ nhất, lính Anh, Mỹ đóng ở Bỉ đã biết được món khoai tây chiên và góp phần lan truyền nó. Tuy nhiên, vì khi ấy quân đội Bỉ nói tiếng Pháp, nên món ăn được gọi là "French fries". Người Bỉ cho rằng đây là 1 sự nhầm lẫn không đáng có.
Về phía người Pháp, họ lại cho rằng khoai tây chiên bắt nguồn ở ven sông Seine, cũng từ thế kỉ 18. Đây là nơi chuyên bán hàng rong với các món hạt dẻ nóng, đồ chiên,...
Sau đó, vào thế kỉ 19, khoai tây chiên - French fries theo chân các đầu bếp người Pháp rong ruổi đến nhiều thành phố của nước Mỹ và trở nên vô cùng phổ biến.
Tóm lại, French fries bắt nguồn từ châu Âu vào khoảng thế kỉ 18. Nhưng cụ thể từ nước nào thì không ai chắc 100%.
Pháp là đất nước của sự lãng mạn, điều đó ai cũng công nhận. Thế nhưng, "French kissing" - nụ hôn rất sâu kiểu Pháp - không hẳn là... đến từ nước Pháp.
Thực ra, từ xa xưa, người Pháp đã dùng từ "baiser Florentin" hay "Florentine kiss" để nói về nụ hôn này, nhấn mạnh nguồn gốc của nó là thành phố Florence của nước Ý - một địa danh khác cũng không kém phần đẹp và lãng mạn.
Sau đó, vào thời điểm kết thúc Thế chiến thứ nhất, lính Anh, Mỹ đã nhìn thấy các cặp đôi người Pháp gặp lại nhau sau chiến tranh, trao nhau những nụ hôn đắm say nhất. Trong một phút ngỡ ngàng, họ bèn gọi nụ hôn ấy là "French kissing" và lan truyền nó khắp thế giới.
Còn ở Pháp, dù những nụ hôn đã có từ mấy ngàn năm với "muôn hình vạn trạng", nhưng mãi đến tháng 5/2013, động từ "se galocher" chỉ việc hôn sâu, dùng lưỡi mới chính thức đi vào từ điển Pháp.
Nói rằng chó bull Pháp (chó bò Pháp) đến từ nước Pháp cũng không hề sai. Nhưng nguồn gốc nguyên thủy của nó thì phải từ Anh Quốc nhé.
Tôi là ai? Tới từ đâu?
Vào khoảng nửa sau thế kỉ 19, nền công nghiệp dệt may từ Anh lan rộng đến Pháp, nhiều thợ may Anh cũng đến Pháp. Và một trong những thứ họ nhất định phải mang theo là... mấy "em" chó bull nhỏ, đặt lên đùi để sưởi ấm khi may vá.
Sau đó, chó bull được lai tạo với chó sục (giống có kích thước trung bình hoặc nhỏ, chuyên đào đất sục chuột). Kết quả ra 1 giống chó bull siêu đáng yêu, ngoại hình nhỏ nhắn.
Khi ấy, nó vẫn được gọi là bull thôi. Nhưng người Anh lại không đồng ý, vì chó bull có nguồn gốc từ Anh và là 1 trong những biểu tượng văn hóa của nước này.
Vậy nên giống chó mới được gọi là bull Pháp. Từ đó đến đây, qua nhiều lần lai tạo, chú bull Pháp đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn giữ lấy cái tên ngày xưa.
"French toast" được hiểu là những lát bánh mì nướng thơm ngon, ăn kèm với trứng chiên hay mứt, trái cây. Trước khi đến Pháp, món ăn này đã khởi nguồn ở Đế chế La Mã vào thế kỉ thứ 5. Tên gốc của nó là Pan Dulcis.
Theo sách cổ, người La Mã đã cắt nhỏ bánh mì, nhúng qua hỗn hợp trứng và sữa, rồi mới nướng với dầu ăn hay bơ.
Người Pháp vẫn áp dụng cách làm tương tự. Và vì bánh mì khuất dạng, ngụp lặn trong tô sữa với trứng nên nó được gọi là "pain perdu" hay "lost bread" (miếng bánh mì bị mất)!
Ngày nay, người Pháp dùng cái tên "pain perdu" cổ xưa ấy. Chỉ có người Mỹ mới dùng tên "French toast" mà thôi!
Khi đến Mỹ và gọi món salad với French dressing, bạn sẽ được phục vụ món nước chấm chua ngọt, màu vàng đỏ bắt mắt. Điều tương tự sẽ không xảy ra ở Pháp đâu.
Nước chấm salad của người Pháp có tên đơn giản "la vinaigrette", nghĩa là nước xốt dầu giấm. Nó làm từ dầu, giấm và mù tạt.
Tuy nhiên, khi đến Mỹ vào thập niên 1950 và được sản xuất dạng đóng chai, người Mỹ đã thêm vào ớt cựa gà cùng với cà chua - giúp tạo ra màu cam đỏ đẹp mắt.
Đồng thời, để sản phẩm bán chạy hơn, người Mỹ đặt luôn cái tên rất kiêu "French dressing", mặc dù loại nước chấm này chỉ có một nửa "dòng máu" Pháp thôi.
Đặc trưng French manicure là sơn móng bằng màu hồng sáng hoặc màu nude, nhưng sơn phía ngoài là màu trắng.
Kiểu sơn móng tay này do nghệ sĩ make-up Jeff Pink sáng tạo khi ông làm việc ở Hollywood. Tuy nhiên, những khách hàng đầu tiên "chết mê chết mệt" với kiểu móng mới lại là những người mẫu và quý cô ở Paris.
Vì vậy, ông Jeff Pink đã đặt tên "French manicure" - móng tay kiểu Pháp để tri ân những khách hàng đầu tiên!
Quả thật, nhiều món tưởng là "Pháp 100%" nhưng thật ra là sai rồi. Cái tên chẳng nói lên tất cả đúng không nào?
Dù sao, cũng cảm ơn nước Pháp đã lan truyền những nét văn hóa thật thú vị. Và hãy nhớ... ủng hộ đội Pháp tại chung kết World Cup nếu bạn là fan của "gà trống" nhé.
Nguồn: Reader’s digest