Từ hàng trăm năm nay, người dân bộ tộc Yoruba, Igbo, Hausa,... đến từ Nigeria có một phong tục đặc biệt và bị thế giới hiện đại tranh cãi, đó là những đứa trẻ sinh ra sẽ bị rạch mặt, tạo thành những vết sẹo vĩnh viễn. Ngay cả khi đã bị chính phủ Nigeria phản đối và ban hành đạo luật ngăn cấm vào năm 2003, hàng năm vẫn có nhiều đứa trẻ bị người thân "khắc" lên gương mặt non nớt những dấu vết mãi mãi không thể xóa bỏ.
Năm 2019, Naziru Abdulwahab - một cậu bé 6 tuổi đến từ phía nam Nigeria đã bị bắt cóc. Naziru bị lũ buôn người đưa đến một tỉnh thành vô cùng xa xôi. Nhưng đến khi kẻ bắt cóc định bán em cho người mua, họ đã từ chối ngay lập tức. Lý do là vì trên mặt Naziru có những vết sẹo gọi là "dấu ấn danh tính". Nó thể hiện rõ ràng Naziru đến từ đâu, thuộc bộ tộc nào, dòng họ nào và rất dễ dàng để người xung quanh nhận ra.
Khi nhìn thấy Naziru Abdulwahab, một số người dân đã "đọc" được thông tin trên mặt cậu bé và báo cảnh sát vì nghi ngờ đây là nạn nhân bị bắt cóc. Sau đó, cả đường dây buôn người đã bị triệt phá. Vụ việc này đã làm dấy lên tranh luận về tập tục rạch mặt - một hủ tục gây đau đớn đã bị cấm nhưng vẫn tồn tại khắp cả một vùng đất nước châu Phi này.
Không ít người dân Nigeria có những vết sẹo chằng chịt trên mặt
Ngay từ khi sinh ra hoặc còn bé, mọi bé trai và bé gái đều phải trải qua một nghi lễ rạch mặt. Người lớn, thầy cúng sẽ sử dụng dao rạch trực tiếp hoặc dùng lửa đốt để những vết sẹo được hình thành. Thông thường thì không bao giờ có thuốc mê, thuốc tê hay bất cứ phương pháp giảm đau nào được sử dụng trong quá trình này.
Nhìn vào gương mặt của ông Inaolaji Akeem đến bang Ogun, Tây Nam Nigeria, mọi người có thể biết rất nhiều thông tin về người đàn ông này. 15 vết sẹo dài, chi chít cho thấy ông có xuất xứ từ Vương quốc Owu, có dòng dõi hoàng tộc.
Akeem đến từ gia đình hoàng tộc xưa
Theo tục lệ, những vết sẹo cũng có cách đọc riêng, phải phân biệt cả từ vị trí, số lượng cho đến độ dài. Ví dụ, người có 6 vết sẹo trên má này và 7 vết sẹo trên má kia thì sẽ là người có cả cha lẫn mẹ là người hoàng gia. Người có 6 vết ở cả 2 bên má thì lại chỉ có mẹ là xuất xứ hoàng tộc mà thôi. Người có một bên má mang 9 vết sẹo, má còn lại có 11 vết thì là con cái của người bán thịt, hay người có 5 và 6 vết sẹo ở cả 2 bên mang dòng dõi thợ săn.
"Trước đây, khi xảy ra chiến tranh giữa các bộ tộc, vết sẹo giúp đánh dấu chúng tôi khỏi quân địch. Có nó, mọi người mới biết ai là quân mình, ai là kẻ thù. Văn hóa phương tây đã cướp đi mất truyền thống của chúng tôi", Mashopa Adekunle, một người dân bản địa trả lời phỏng vấn tờ AFP cho biết.
Sau này, vết sẹo trên mặt đối với người Nigeria không chỉ còn là để xác định ai là ai. Khi trưởng thành, mọi người vẫn có thể tiếp tục rạch mặt. Nó dần mang cả giá trị tâm linh và là một biểu tượng của cái đẹp. Phụ nữ rạch mặt để làm duyên với những vết sẹo của mình. Bên cạnh đó, cũng có người tạo thêm những vết sẹo sau khi người thân qua đời để coi như một hình thức tưởng niệm.
Nhiều phụ nữ rạch mặt để trở nên thu hút hơn
Năm 2003, hủ tục cũ này đã bị ngăn cấm, dù chưa thể khiến cả một truyền thống trăm năm xóa bỏ ngay lập tức. Thế nhưng theo thời gian, sự thay đổi đã diễn ra và ngày nay, thế hệ rạch mặt cuối cùng của Nigeria đã kết thúc. Năm 2017, chính quyền tiếp tục đưa ra điều luật phạt hình sự đối với những người vẫn thực hiện hành vi rạch mặt. Một số nhà ủng hộ còn cho biết đây cũng là một phương thức khiến căn bệnh thế kỷ HIV bị lan truyền tại Nigeria.
"Không ai muốn những vết sẹo bộ lạc đó trên mặt con mình nữa. Mọi người đã dần hiểu nó là hành vi cổ hủ, mê tín dị đoan và thậm chí là ngược đãi trẻ em", một người phản đối tục rạch mặt lên án.
Những người trẻ ở lứa tuổi đôi mươi được coi là thế hệ rạch mặt bắt buộc cuối cùng tại Nigeria hiện nay. Cô Taiwo chia sẻ khi mới sinh ra, sau khi chị gái sinh đôi của mình qua đời, cô đã bị ốm nặng. Thay vì được uống thuộc, Taiwo được đem đi rạch những vết sẹo trên má vì người lớn tin rằng đây là "bùa chú" để thần linh không đưa cô đi theo. Sau đó, cô quả thật khỏe lại, nhưng Taiwo không bao giờ tin vào "phép thuật" đó.
"Nó khiến tôi trông khác biệt với mọi người. Tôi ước mình không bao giờ bị sẹo trên mặt như thế", cô gái trẻ chia sẻ với tờ BBC.
Taiwo được rạch mặt để "chữa bệnh"
Ngay chính bản thân những con người từng tin và thực hiện tập tục cũ này như Umar Wanzam - một người thợ cắt tóc cũng đã quay ra phản đối lệ rạch mặt. Ngày còn trẻ, anh từng là người cầm dao lam "đánh dấu danh tính" cho hàng ngàn đứa trẻ ở địa phương. Ngay cả khi vẫn chưa bị cấm, Umar quyết định không thực hiện tục lệ này với các con của chính mình vì biết, thời đại đã thay đổi.
"Tôi yêu những dấu vết này, nhưng tôi biết chúng ta đã bước sang một thời đại và thế giới mới", anh nói.