Được biết, lễ hội này diễn ra vào ngày 15 tháng 1 hàng năm và đã có truyền thống lâu đời với bề dày lịch sử lên đến hơn 300 năm. Mọi người sẽ cùng nhau khiêng các chú rể vừa cưới được khoảng 1 năm trước đó, tới con dốc cao 5m cạnh ngôi đền gần nhất rồi thả tự do từ trên cao xuống.
Vì được ném ở nơi có tuyết phủ dày đặc nên chú rể sẽ không bị thương hay gặp bất kỳ nguy hiểm nào. Để tăng tính trang trọng cho nghi lễ, việc này sẽ được thực hiện ngay trước mặt các cô dâu (vợ của người bị ném). Vẻ mặt lo lắng của các cô dâu trong tình cảnh này cũng phần nào là căn cứ để mọi người có thể đánh giá mức độ tình cảm mà cô gái ấy dành cho chồng của mình.
Như một phần của sự kiện, chú rể được những người đàn ông khác khiêng trên vai từ nhà và diễu hành khắp thị trấn rồi ra đến chỗ ném; đặc biệt, chân chú rể không được để chạm đất. Sau đó, họ được mời uống vài ly sake trước khi được mang đến đỉnh đồi. Rượu được cho là yếu tố giúp các chú rể mới chống lại cái lạnh cắt da khi bị ném vào tuyết.
Quan niệm của người dân địa phương cho rằng, việc ném các chú rể sẽ góp phần xua đuổi tà ma, tai họa, bệnh tật cũng như mang lại sự bình yên, may mắn cho những người xung quanh.
Sau nghi lễ ném, chàng rể sẽ được giao nhiệm vụ đốt lửa trại để lấy tro trộn với tuyết và thực hiện một hoạt động khác mang tên Suminuri. Tại đó, các thành viên trong gia đình sẽ bôi tro đen lên mặt nhau nhằm mục đích xua đuổi, bảo vệ những người thân yêu khỏi sự đeo bám của những linh hồn và quỷ dữ.
Truyền thống này bắt nguồn từ sự trả thù của người dân trong thị trấn vì chú rể đã "cướp" mất cô gái người làng. Sau khi bị ném, chú rể mới chính thức được ghi nhận là thành viên của ngôi làng.
Những năm gần đây, nghi lễ này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân cũng như giới truyền thông để rồi vượt ra khỏi ngưỡng của một sự kiện truyền thống. Rất nhiều khách du lịch cũng như nhiếp ảnh gia đã tề tựu về đây để chiêm ngưỡng tận mắt tín ngưỡng đặc sắc này.