Tạp chí Mỹ cảnh báo: Châu Á có thể bị ''đánh mạnh nhất'' bởi thảm họa toàn cầu - Trăm triệu người phải đi!

Trang Ly, Theo Pháp luật & Bạn đọc 17:21 14/10/2021

Đó là thảm họa gì?

Ngày 12/10/2021, tạp chí Environmental Research Letters (Mỹ) đưa nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Đức cảnh báo rằng, ngay cả khi nhân loại kìm hãm được sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, thì nước biển vẫn sẽ dâng cao trong nhiều thế kỷ tới và biến các khu vực đang là nơi sinh sống của nửa tỷ người trở thành đầm lầy!

Trong một thế giới nóng hơn nửa độ so với giới hạn đó (nghĩa là 2 độ C), thêm 200 triệu cư dân thành thị ngày nay sẽ thường xuyên chìm sâu trong nước biển và dễ bị tổn thương hơn trước các đợt bão tàn phá, các nhà khoa học nói thêm.

Theo các nhà khoa học, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bất kỳ kịch bản nào do mực nước biển dâng . Đây là khu vực chiếm 9/10 thành phố lớn có nguy cơ lớn bị nước biển xâm chiếm, khiến hàng trăm triệu người phải di cư đến nơi khác.

Đất đai - nơi sinh sống của hơn một nửa dân số Bangladesh - sẽ nằm dưới đường triều cường dài hạn. Các khu vực xây dựng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ phải đối mặt với sự tàn phá của nước mặn nặng nề.

Tạp chí Mỹ cảnh báo: Châu Á có thể bị đánh mạnh nhất bởi thảm họa toàn cầu - Trăm triệu người phải đi! - Ảnh 1.

Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bất kỳ kịch bản nào do mực nước biển dâng.

Hầu hết các dự báo về mực nước biển dâng và mối đe dọa mà nó gây ra cho các thành phố ven biển đều kéo dài đến cuối thế kỷ 21 này và nằm trong khoảng từ nửa mét đến dưới 1 mét, tùy thuộc vào mức độ giảm nhanh ô nhiễm carbon.

Nhưng các đại dương sẽ tiếp tục ''phình ra'' trong hàng trăm năm sau năm 2100 - nguyên nhân là bởi các tảng băng tan chảy ồ ạt, nhiệt bị giữ lại trong đại dương và động lực của nước nóng lên - cho dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được giảm mạnh đến mức nào, các phát hiện đăng trên tạp chí Environmental Research Letters (Mỹ) cho thấy.

Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu lâu nay trong mắt các nhà khoa học vốn là thảm họa quy mô toàn cầu, đặt ngang hàng với chiến tranh hạt nhân và thiên thạch tàn phá Trái Đất.

KHÔNG PHẢI "NẾU" MÀ LÀ "KHI NÀO?"

Ben Strauss, Giám đốc điều hành và nhà khoa học chính của Climate Central (Mỹ) cho biết trên AFP rằng: "Khoảng 5% dân số thế giới ngày nay sống trên vùng đất thấp hơn so với mực nước được dự báo ​​sẽ tăng hơn nữa do lượng CO2 mà con người thải vào bầu khí quyển [CO2 cùng khí nhà kính khác khiến cho Trái Đất tích tụ nhiệt và không thoát ra ngoài, khiến cho hành tinh ngày càng nóng lên]".

Tạp chí Mỹ cảnh báo: Châu Á có thể bị đánh mạnh nhất bởi thảm họa toàn cầu - Trăm triệu người phải đi! - Ảnh 2.

Sự nóng lên toàn cầu liên tục gia tăng này sẽ làm các đại dương toàn cầu tăng thêm từ 6 đến 9 mét trong tương lai

Nồng độ CO2 ngày nay [tích tụ trong hàng trăm năm] cao hơn 50% so với năm 1800 và nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng 1,1 độ C.

Giám đốc Trung tâm Khí hậu Mỹ Ben Strauss cho biết, điều đó đủ để đẩy mực nước biển lên gần 2 mét.

Giới hạn ấm lên 1,5 độ C được ghi trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu mà các quốc gia sẽ cố gắng duy trì tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow (Anh) vào cuối tháng 10 - đầu tháng 11 tới.

Theo nghiên cứu, trừ khi các kỹ sư tìm ra cách nhanh chóng loại bỏ một lượng lớn CO2 khỏi bầu khí quyển, nếu không lượng nước biển dâng đó không phải là vấn đề "nếu" mà là "khi nào".

CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN

Các cam kết quốc gia về cắt giảm carbon theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015, nếu được tôn trọng [các thành viên chấp hành nghiêm túc], thì chúng ta sẽ vẫn thấy Trái Đất ấm lên 2,7 độ C vào năm 2100. Nếu nỗ lực kiểm soát khí nhà kính bị thất bại, nhiệt độ có thể tăng từ 4 độ C trở lên so với mức giữa thế kỷ 19.

Sự nóng lên toàn cầu liên tục gia tăng này sẽ làm các đại dương toàn cầu tăng thêm từ 6 đến 9 mét trong tương lai, và buộc các thành phố hiện là nơi sinh sống của gần 1 tỷ người đứng trước hai lựa chọn: Hoặc phải xây dựng các hệ thống phòng thủ khổng lồ chống lại sự dâng cao của mực nước biển trong tương lai - Hoặc là phải di chuyển đến những vùng đất cao hơn.

Riêng tại Trung Quốc, vùng đất mà 200 triệu người đang sinh sống ngày nay sẽ ngập trong nước trong kịch bản nhiệt độ toàn cầu nóng lên 3 độ C.

Ông Strauss nói: "1,5 độ C ấm lên sẽ vẫn dẫn đến sự gia tăng nghiêm trọng của mực nước biển, mà còn kích hoạt hàng loạt thảm họa tồi tệ hơn".

Các nhà khoa học cảnh báo khi Trái Đất ngày một nóng lên, nguy cơ gây ra sự tan rã không thể đảo ngược của các tảng băng hoặc giải phóng các kho dự trữ tự nhiên của CO2 và khí mêtan (CH4) trong lớp băng vĩnh cửu, hệ quả là càng khiến Trái Đất nóng hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Princeton (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam ở Đức đã thực hiện nghiên cứu này.

Bài viết sử dụng nguồn: AFP