Ảnh minh họa: Getty Images
Mô hình này là sản phẩm tổng hợp của một số tế bào và cấu trúc thường xuất hiện trong tuần thứ ba và thứ tư của thai kỳ, nhưng được thiết kế để không thể phát triển thành thai nhi.
Mặc dù có nhịp tim, nhưng cấu trúc này không có các mô để hình thành nên nhau thai và túi noãn hoàng như phôi thai tự nhiên.
Bác sĩ Jitesh Neupane tại Viện Gurdon thuộc Đại học Cambridge cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng đó không phải là phôi thai. Chúng chỉ là những mô hình được dùng để nghiên cứu các khía cạnh cụ thể của sự phát triển con người”.
Các tế bào tim đang đập thường xuất hiện vào ngày thứ 23 trong phôi thai tự nhiên, trong khi các tế bào hồng cầu bắt đầu xuất hiện vào tuần thứ tư của thai kỳ.
Nhóm nghiên cứu đã đạt được bước đột phá này bằng cách sử dụng tế bào gốc được lấy từ phôi người. Tại phòng thí nghiệm, chúng được thiết kế để phát triển thành một cấu trúc giống như phôi thai rồi được chuyển vào một cái chai chuyển động xoay đóng vai trò như tử cung nhân tạo.
Họ hy vọng những phát hiện này có thể giúp hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây sảy thai tái phát và tác động của các rối loạn di truyền.
Giáo sư Robin Lovell-Badge, Trưởng khoa sinh học tế bào gốc và di truyền học phát triển tại Viện Francis Crick ở London, lưu ý các phôi tổng hợp không thể phát triển để cấy ghép để tạo thành một đứa trẻ.
Công trình nghiên cứu này tiếp nối một bước đột phá riêng biệt trong đó các nhà khoa học đã tạo ra phôi thai không có mầm mống của não hay tim đang đập, nhưng gồm các tế bào sẽ tiếp tục hình thành nhau thai và túi noãn hoàng.
Bà Sarah Norcross, Giám đốc tổ chức từ thiện Progress Educational Trust giúp đỡ những người đang đấu tranh với chứng vô sinh, cho biết: “Chúng ta phải nhớ rằng những mô hình này không phải là phôi người thực sự”.