“Mình cần tìm makeup tại Đà Lạt, mọi người cho mình xin hình ảnh và giá nhé”.
“Mấy chị dâu cho em tham khảo chỗ trang điểm uy tín tại TP.HCM với ạ, sắp cưới rồi mà em đau đầu nhất khoản này”.
“Ai nhận trang điểm bà sui, người nhà cô dâu tại Bắc Ninh nhắn em với”.
Là loạt những bài đăng sôi nổi trong các hội nhóm dâu xinh rể xịn mỗi khi mùa cưới đến. Các nàng dâu cho rằng, những khâu chuẩn bị khác như decor, thợ chụp ảnh,... có thể lựa chọn không cần quá chi tiết nhưng riêng trang điểm phải “tuyển chọn” kỹ lưỡng. Bởi bất cứ cô dâu nào cũng đều mong muốn mình trở nên đẹp nhất, hoàn hảo nhất trong ngày đặc biệt.
Đó cũng chính là lý do mà hội làm nghề trang điểm cứ đến mùa này là “chạy sô” không đếm xuể. Ai “sương sương” thì trang điểm 2 - 3 cô dâu trong một ngày, tay nghề của ai hợp, ưng ý còn được book luôn để trang điểm cho mẹ cô dâu, họ hàng.
Song gần đây, rất nhiều “kiếp nạn” liên quan đến nghề trang điểm cô dâu được chia sẻ rầm rộ trên MXH. Điều này khiến những người trong nghề cũng “xanh xao” mặt mày, mệt mỏi và cho rằng năm nay như “tam tai” của nghề.
Nhưng không hẳn là chỉ có mỗi năm nay, cứ đến mùa cưới bận rộn là ai cũng có thể gặp một loạt những “kiếp nạn” dở khóc dở cười trong nghề. Cùng lắng nghe những chia sẻ của hội trang điểm cô dâu ngày cưới để biết nghề này cũng áp lực lắm chứ chẳng dễ kiếm tiền.
Khánh Linh (30 tuổi) là một thợ trang điểm tại Việt Trì (Phú Thọ). Cô cho biết 5 năm trong nghề cũng là 5 năm kinh nghiệm “chạy sô” hết tốc lực vào mỗi mùa cưới.
Theo Khánh Linh, mùa cưới là thời điểm từ tháng 8 đến tháng 3 âm lịch nhưng mỗi tháng sẽ chỉ có một vài ngày là cao điểm nhất, chẳng hạn như vào các dịp cuối tuần.
“Những ngày không cao điểm thì công việc của thợ makeup sẽ không quá bận, tùy vào nhu cầu khách hàng có thể làm từ 6 - 8 tiếng/ngày. Còn nếu vào ngày đông, mình có thể làm đến 15 tiếng đồng hồ. Có những ngày mình bắt đầu từ lúc 1h sáng và hoàn thành vào lúc 5h chiều. Giữa đó có quãng nghỉ nhưng không quá nhiều, phải gấp gáp để kịp di chuyển nên mùa cưới cũng rất vất vả”, Khánh Linh nói.
Cô cũng cho hay, khó nhất chính là sắp xếp thời gian sao cho hoàn thành chỉn chu, kịp giờ cho các cô dâu. Bởi “giờ đẹp” thường là một khung nhất định và không nhiều nên nhu cầu khách hàng cũng sẽ tập trung vào những khung giờ đó.
“Có những ngày cao điểm mình phải từ chối nhiều khách hàng vì không thể làm kịp. Dù rất tiếc nhưng mình ưu tiên đảm bảo sức khỏe và chất lượng khi makeup cho khách”, Linh bày tỏ.
Còn với Thùy Dung (23 tuổi, Bắc Ninh), cô cho biết đã vào nghề được 3 năm nay và chủ yếu thiên về trang điểm cô dâu. Thùy Dung chia sẻ: “Khi mà vào những tháng gọi là mùa cưới, lịch trình mình thay đổi khá nhiều. Việc đi làm từ 1h, 2h sáng là không phải điều hiếm gặp. Nói chung là lúc mọi người ngủ nghỉ thì mình bắt đầu đi làm, ăn uống cũng chỉ tranh thủ thôi vì gần như bận cả ngày”.
Tuy nhiên đổi lại, cả Khánh Linh và Thùy Dung đều công nhận số tiền kiếm được trong mùa cưới sẽ tăng đáng kể so với ngày thường. “Đối với cá nhân mình, thu nhập vào những tháng cao điểm khá tốt, chủ yếu là 8 chữ số. Ngoài ra, một số thợ trang điểm khác còn có thể có thu nhập lên tới 9 chữ số vào mùa cưới”, Khánh Linh tiết lộ.
Bên cạnh những khó khăn, thợ trang điểm còn gặp loạt “kiếp nạn” khó tả khi đi làm nghề. Với Khánh Linh, một kỷ niệm “dở khóc dở cười” không thể quên của cô là đi đến nhà cô dâu nhưng bị sai đường.
“Nhà cô dâu ở xa, mình không rành đường xá nên chỉ phụ thuộc bản đồ. Kết cục mình bị dẫn ra giữa cánh đồng, đường nhỏ ô tô không đi được, mình lùi xe vào rãnh thoát nước nên mắc kẹt ở đó. Mình nhớ lúc đó khoảng 2h30 sáng, phải gọi nhờ người nhà cô dâu ra đón. Lúc đó thật sự rất sợ, vừa sợ cho mình mà cũng sợ ảnh hưởng đến giờ giấc, công việc của cô dâu”, Khánh Linh kể.
Trong khi đó, “kiếp nạn” của Thùy Dung được cô cho là nhiều vô kể: “Mình từng gọi cô dâu không được gì bạn ấy ngủ quên. Hay khi đang trang điểm thì cô dâu ngủ gật. Ngoài ra, ấn tượng nhất là khi cô dâu do hôm trước tiếp khách mệt nên khi mình đến, vẫn còn đang say rượu chưa tỉnh, ngồi không vững”.
Ngoài ra, khi được hỏi về chuyện người nhà cô dâu dù không book trang điểm nhưng lại liên tục xin chút phấn, chút son hay nhờ chỉnh lông mày, đánh phấn má,... các thợ trang điểm đều đồng loạt cho hay đó là điều không hiếm gặp.
Thông thường, mọi người đều chọn cách chỉ giúp trong khả năng hoặc còn thời gian, nếu không đều từ chối khéo hoặc thẳng thắn trao đổi với cô dâu.
Hay như P.T (Hà Nội), cô nàng từng chia sẻ trường hợp mà mình gặp phải trên MXH, thu hút nhiều sự chú ý. Theo đó, P.T cho biết có một người họ hàng xa của cô dâu cứ liên tục tự ý động vào cốp trang điểm, bắt phải cho mượn kem nền để sử dụng. Khi P.T từ chối, người này dọa sẽ đánh giá 1 sao và buông những lời mắng nhiếc nặng nề.
“Mình lựa chọn việc nhẫn nhịn và cho qua nhưng khi bước chân về mình suýt khóc luôn. Cô dâu có gửi lời xin lỗi và mong thông cảm cho mình nhưng nghĩ lại vẫn rất tức. Còn một lần khác, mình cũng bị người nhà cô dâu tự ý lấy đồ, dùng còn làm rớt nhưng không nhặt lại mà thẳng tay để vào thùng rác”, P.T chia sẻ.
Đứng trước những tình huống này, Thùy Dung cho biết: “Trong quá trình làm việc, giao tiếp là điều rất quan trọng. Thường mình cũng đều nhắc nhở nhẹ nhàng, tránh những trường hợp xấu nhất xảy ra. Ngoài ra, mình chủ yếu làm việc rõ ràng với cô dâu từ đầu, có gì thay đổi cũng sẽ bàn lại với cô dâu để thống nhất”.
Ngoài ra, về phía Khánh Linh, cô cũng rút ra nhiều kinh nghiệm khi đi đến nhà cô dâu để trang điểm: “Mình tự đặt ra một số nguyên tắc như: Trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, không ăn mặc sexy vì đi làm không cần thiết phải thể hiện cá tính bản thân qua trang phục. Mình chỉ chụp, đăng ảnh khách hàng khi được sự cho phép. Còn lại thì giữ đồ dùng mỹ phẩm, cốp đồ luôn cẩn thận, đến đúng giờ và phục vụ tốt nhất cho khách hàng”.
Ảnh: NVCC